Rất tích cực trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15
Quốc hội cần xem xét ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, khi Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc chậm giải ngân vốn dẫn đến các dự án quan trọng chậm đưa vào sử dụng làm chậm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Bên cạnh nguyên nhân Đoàn giám sát nêu, nguyên nhân chính là ngay từ khâu lựa chọn dự án đưa vào chương trình đã không đảm bảo yêu cầu đặt ra là giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023; hầu hết dự án đưa vào chương trình là dự án khởi công mới, nên mất thêm thời gian cho công tác chuẩn bị đầu tư dẫn đến giao vốn chậm và triển khai dự án chậm so với yêu cầu.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh), việc chậm giải ngân vốn dẫn đến các dự án quan trọng chậm đưa vào sử dụng, làm chậm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội |
“Để tránh lãng phí và bảo đảm thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đề nghị bổ sung vào dự thảo quyết hai nội dung: Thứ nhất, đối với trường hợp dự án đến nay chưa khởi công hoặc chưa giải ngân, thì cần tạm dừng triển khai các dự án này. Thứ hai, trường hợp có dự án phải giải ngân sang năm 2025, số vốn chuyển sang giải ngân trong 2025 cần được trừ tương ứng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn 2026-2030 để đảm bảo công bằng giữa các địa phương.”, ông Tuấn đề xuất.
Theo góc nhìn của Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (Quảng Nam), chính sách tài khóa hầu hết là các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của Nghị quyết 43/2022/QH15. Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đầy đủ các thủ tục đầu tư, tính công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với tính chất là dự án nhóm B thường được triển khai thực hiện trong 4 năm, nhưng dự án, chương trình mang tính cấp bách bắt buộc triển khai trong 2 năm (2022, 2023) và không thuộc trường hợp được phép chỉ định thầu theo khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 43, vẫn phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng, các bước khác cũng theo quy trình thực hiện dự án thông thường, nên quá trình tổ chức, triển khai gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.
“Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội rất quan tâm đến ngành y tế. Cả 2 chính sách tài khóa và tiền tệ đều tập trung nguồn lực cho phát triển y tế, nhưng một số dự án đề xuất vẫn chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch, cũng như yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Một số dự án thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, nhất là việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, hiện đại hóa cơ sở vật chất dạy nghề chưa phù hợp. Chính sách đầu từ công và đầu tư phát triển chỉ giải ngân được 65,3% kế hoạch, tiến độ giải ngân nhiều dự án không đạt yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có trách nhiệm của một số bộ, ngành Trung ương, cũng như một số địa phương thiếu sự triển khai quyết liệt.”, ông Phước phản ánh.
Từ thực trạng trên, ông Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm một số vấn đề gồm: (i) Quốc hội cần xem xét ban hành các cơ chế, chính sách, nhằm tiếp tục hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý, nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; (ii) Chính phủ cần điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm tháo gỡ các khó khăn cho thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như thị trường bất động sản; (iii) Đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tất cả thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương, để giải quyết những ách tắc, vướng mắc…
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các ý kiến thẳng thắn, xác đáng của các đại biểu Quốc hội sẽ là những bài học quý cho quá trình xây dựng và thực hiện chính sách sau này. Nghị quyết số 43/2022/QH15 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế - xã hội. Thời gian xây dựng và thực hiện chương trình là rất ngắn, chương trình có quy mô lớn, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, tổ chức, đối tượng. Tuy nhiên, kinh nghiệm, năng lực còn hạn chế, việc phối hợp thực hiện một số dự án còn chưa tốt, nảy sinh tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm ở một số cán bộ, đây là nguyên nhân khiến một số kết quả đạt được không như kỳ vọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được xây dựng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân ổn định được đời sống, phục hồi dần kinh tế - xã hội |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về tổ chức thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã hết sức tích cực, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, thành lập nhiều tổ công tác, đoàn công tác để đốc thúc triển khai. Tất cả các thành viên Chính phủ đều đã xuống nhiều địa phương, để giải quyết những ách tắc, vướng mắc của từng dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, cải thiện quy trình, xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách để các chính sách nhanh chóng được đưa vào cuộc sống…/.
Bình luận