UBND TP. Hồ Chí Minh đang triển khai xây dựng quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, định hướng xây dựng phát triển đô thị theo hướng gìn giữ bảo vệ và khai thác sông Sài Gòn được đề xuất với việc tận dụng điều kiện tự nhiên, không gian sông nước để phát triển hài hòa và bền vững. Tạp chí Kinh tế và Dự báo giới thiệu bài viết "Rồng xanh sông Sài Gòn, mơ ước kỳ quan thế giới mới" của CEO ĐẶNG ĐỨC THÀNH - Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế (VEC), UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về những đề xuất để định hướng xây dựng thành phố ven sông Sài Gòn.

Rồng xanh sông Sài Gòn, mơ ước kỳ quan thế giới mới
Đoạn sông Sài Gòn chảy qua TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 80km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm.

Khát vọng về một thành phố tiến ra biển

Sông Sài Gòn dài 256km, bắt đầu từ Bình Phước sau đó qua Tây Ninh, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Đoạn sông chảy qua TP. Hồ Chí Minh dài khoảng 80km được ví như "dải lụa mềm" uốn lượn trong lòng thành phố tạo ra những bán đảo đẹp như Thanh Đa hay Thủ Thiêm.

Là biểu tượng cho tình yêu con sông - bến nước của người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh với khát vọng về một thành phố tiến ra biển, đón nhận những cơ hội, xu thế tiên phong trong hội nhập kinh tế; bảo tồn và phát huy di sản, nguồn dự trữ sinh quyển và đa dạng sinh học, từng bước chuyển đổi xanh và giản thiểu phát thải carbon.

“Dòng sông uốn lượn hình rồng vắt qua thành phố không chỉ là biểu tượng của đô thị sông nước mà còn là chứng nhân của quá trình 325 năm hình thành và phát triển Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh. Dọc theo triền sông và các kênh rạch bến cảng, phố chợ, hàng nghề, dịch vụ “trên bến dưới thuyền” thực sự nhộn nhịp đã làm nên đặc trưng riêng có của thành phố. Theo mạch nguồn của sông, đô thị hiện đại ven sông sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về sự thân thiện, cởi mở, hào sảng và phóng khoáng của người dân Thành phố; lan tỏa niềm tự hào, truyền cảm hứng cho những sáng tác nghệ thuật, những hoạt động giáo dục, giải trí, thương mại dịch vụ,… và là không gian dành cho sự khám phá của du khách trong nước và quốc tế khi đến với TP. TP. Hồ Chí Minh. Định hình những giá trị của dòng sông và đề xuất những giải pháp huy động nguồn lực xã hội để quy hoạch thiết kế đầu tư và khai thác hiệu quả 1 hạ tầng xanh đa chức năng cho dòng sông Sài Gòn, được ví như 1 chương trình “gọi rồng xanh thức giấc” trong xu hướng chuyển đổi xanh giảm thiểu phát thải và thích nghi biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay”[1].

Rồng xanh sông Sài Gòn, mơ ước kỳ quan thế giới mới
Tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, với đề án “Đánh thức con rồng xanh” là cơ hội tăng cường đáng kể diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa sông nước. Công trình góp phần tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, du lịch, giải trí, kinh tế cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho thành phố trong xu hướng giảm thiểu phát thải, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu (Trích Đánh thức con rồng xanh của tác giả CEO Đặng Đức Thành và TS. Nguyễn Anh Tuấn).

Tên tuổi của những thành phố lớn trên thế giới có các dòng sông chảy qua đều mang dấu ấn đặc sắc của nền văn minh nhân loại, điển hình như dòng suối Cheonggyecheon Hàn Quốc. Đó là suối nhân tạo giữa lòng Seoul. Đây không chỉ là địa điểm thu hút rất nhiều du khách du lịch, còn giúp điều hòa không khí và mang lại sự dịu mát cho người dân thủ đô Seoul.

Điều đáng lưu ý là có tất cả 22 cây cầu nối liền 2 bờ trên dòng sông suối Cheonggyecheon Seoul với cây cối xanh tươi dọc theo suốt chiều dài con suối (sông dài 5,8km).

Hay dòng sông Seine (thành phố Paris của nước Pháp) dài hơn 770km chảy qua nhiều khu vực hành chính của Pháp, nổi tiếng nhất là đoạn chảy qua Paris. Có hàng chục cây cầu bắc ngang sông Seine trong địa phận thành phố Paris. Mỗi cây cầu mang 1 vẻ đẹp kiến trúc và lịch sử riêng biệt của mình; cầu đi bộ Pont des Arts nổi tiếng với tên gọi “cầu khóa tình yêu”… Dọc hai bờ sông Seine là quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1991.

Đây được coi là hòn ngọc của nước Pháp, thu hút đến trên 30 triệu khách du lịch mỗi năm; có đến 37 cây cầu bắc ngang dòng sông Seine thơ mộng.

Đề án “Đánh thức con rồng xanh” - cơ hội tăng cường đáng kể diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội

Trong loạt đề án triển khai quy hoạch để phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh năm 2023, đề án “Kè bờ sông và kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn” nối quận 1 với Củ Chi được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay việc lấn chiếm sông của nhiều dự án, biệt thự đã khiến diện mạo bờ sông trở nên chắp vá. Do vậy, tầm nhìn về một thành phố có chất lượng sống cao, với đề án “Đánh thức con rồng xanh” là cơ hội tăng cường đáng kể diện tích cây xanh và hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội cho các hoạt động văn hóa sông nước. Công trình góp phần tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, du lịch, giải trí, kinh tế cộng đồng và xây dựng thương hiệu cho thành phố trong xu hướng giảm thiểu phát thải, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu”[2].

Đặc biệt, trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh là 1 trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung rà soát, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2060; do đó rất cần sự đóng góp trí tuệ của các chuyên gia, trí thức, người dân vào định hướng phát triển tương lai thành phố trong đó đặc biệt là đề án “Đánh thức con rồng xanh”, rồng xanh sông Sài Gòn xứng đáng trở thành tâm điểm là thương hiệu cho TPHCM.

Nhiệm vụ quy hoạch phát triển sông Sài Gòn cần tập trung

  • Đổi mới sáng tạo (nếu chưa mới – phải tiếp tục làm cho mới).
  • Nhiệm vụ của quy hoạch là phải có sự “đặc biệt” để tạo nên thương hiệu cho TP. Hồ Chí MInh (Rồng xanh – Sông Sài Gòn).
  • Rồng xanh – sông Sài Gòn -> mơ ước trở thành kỳ quan thế giới mới. Rất cần có nhiều tổ chức thi chuyên nghiệp: “Xây dựng ý tưởng phát triển khong gian kiến trúc cảnh quan sông Sài Gòn, động lực phát triển kinh tế - xã hội và thương hiệu của Thành phố” nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm…

Để “Rồng xanh – Sông Sài Gòn” là 1 tác phẩm kiến trúc, thiên nhiên và văn hóa

Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn để “Rồng xanh – Sông Sài Gòn” là 1 tác phẩm kiến trúc, thiên nhiên và văn hóa, là biểu tượng thiêng liêng quý giá, là niềm tự hào của người dân thành phố.

Với mật độ ô nhiễm ngày càng cao tại các đô thị nói chung cũng như tình trạng ô nhiễm từ các khu công nghiệp thì giải pháp có nhiều mảng xanh, cây xanh tại TP. Hồ Chí Minh; tại dọc hai bên bờ sông nơi có dân số và mật độ dày và mật độ dân cư rất cao, đang được xem là chìa khóa vàng để cải thiện chất lượng môi trường sống đô thị.

Một trong những điểm nhấn “đặc biệt” để tạo nên thương hiệu Hồ Chí Minh (Rồng xanh - Sông Sài Gòn) đó là cần thiết quy hoạch trồng thêm 60 triệu cây xanh xung quanh sông Sài Gòn, với mật độ cây dày đặc trong tổng số 100 triệu cây xanh trồng thêm cho đô thị Thành phố.

+ Cây xanh nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị.

"Sông Sài Gòn là cảnh quan đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho TP. Hồ Chí Minh, nhưng các nghiên cứu quy hoạch để phát triển không gian đô thị ven bờ đang rất mờ nhạt", TS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nói tại Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060, ngày 12/9.

+ Mật độ cây xanh tăng lên dày đặc với nhiều tầng lớp, chủng loại khác nhau, thì mọi lúc mọi nơi, cây xanh sẽ hút các khí độc hại trong môi trường, đồng thời thở “oxy” ra với khối lượng lớn (phù hợp với lượng cây xanh).

+ Thực tế hiện nay cho thấy, do thiếu hàm lượng oxy vào phổi con người hàng ngày, trong khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng làm giảm độ miễn nhiễm của cơ thể con người gây nhiều bệnh tật (trong 2 năm vừa qua dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh bị nặng nề nhất). Cây xanh dày đặc sẽ giúp chống ô nhiễm môi trường và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể con người.

+ Khi quy hoạch và tổ chức trồng cây xanh Thành phố bài bản và đẹp mắt sẽ là một trong những giải pháp hàng đầu trong thu hút khách du lịch, tạo ấn tượng tốt cho du khách khi đến Việt Nam, đến tTP. Hồ Chí Minh.

- Những tính chất của cây xanh, như: hình dạng (tán lá, thân cây); màu sắc (lá, hoa, thân cây,…) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc chung, cũng như cảnh quan chung của khu đô thị.

+ Thông qua chương trình trồng 60 triệu cây xanh xung quanh dòng sông trong tổng thể trồng 100 triệu cây xanh mới cho Thành phố sẽ giáo dục, nhắc nhở thường xuyên ý nghĩa quan trọng của cây xanh cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ công nhân viên chức thành phố Hồ Chí Minh về ý thức bảo vệ môi trường sống trong sạch xanh sạch đẹp (trong diện tích đất có ít nhất 5 khu đa dạng sinh học).

+ Đặc biệt, với chương trình trồng 60 triệu cây xanh sẽ là biện pháp ít tốn kém và có hiệu quả nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu và rất hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 10 triệu dân thành phố.

+ Song hành với giải pháp trồng cây xanh dày đặc; cần thiết phải quy hoạch xây dựng ít nhất 10 công trình kiến trúc, văn hóa trung tâm xung quanh sông Sài Gòn; trong đó có ít nhất 5 công trình đặc biệt.

+ Quy hoạch giao thông thủy bộ

+ Quy hoạch bến du thuyền; các cuộc thi chèo, đua thuyền quốc tế hàng năm tại sông Sài Gòn kết hợp nhiều chương trình lễ hội trong năm.

+ Quy hoạch phố đi bộ, phố đêm, chợ đêm,…

+ Quy hoạch ít nhất 5 làng nghề xung quanh sông Sài Gòn

+ Quy hoạch về mật độ không khí toàn khu vực xung quanh sông Sài Gòn theo định hướng Net Zero,…

Với tất cả những giải pháp, đầu tư công trình ngắn và dài hạn Rồng xanh - Sông Sài Gòn có mật độ cây xanh cao kỷ lục, người dân sống hòa mình với thiên nhiên, sẽ góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố đáng đến đầu tư và sinh sống. Từ đó, nâng tầm và đẳng cấp, thương hiệu của thành phố trong khu vực và trên thế giới, Rồng xanh - Sông Sài Gòn- mơ ước kỳ quan thế giới mới./.


[1] Trích lời giới thiệu của ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM, trang 10 + 11 sách Đánh thức con rồng xanh, NXB ĐHQG 31/8/2023

[2] Trang 15 sách Đánh thức con rồng xanh của tác giả CEO Đặng Đức Thành và TS Nguyễn Anh Tuấn, NXB ĐHQG 31/8/2023

CEO ĐẶNG ĐỨC THÀNH

Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế (VEC)

UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

"Đánh thức con rồng xanh" định hình những giá trị và đề xuất giải pháp "gọi rồng xanh thức giấc"