Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đột phá phát triển kinh tế xanh TP. Hồ Chí Minh
Khởi nghiệp ĐMST là quá trình khởi nghiệp dựa trên sự đổi mới, sáng tạo về ý tưởng, sản phẩm trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ. Ảnh minh họa |
Một số khái niệm
Khởi nghiệp ĐMST là gì?
Theo Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016, thì khởi nghiệp sáng tạo là quá trình hiện thực ý tưởng kinh doanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Như vậy có thể hiểu, khởi nghiệp ĐMST là quá trình khởi nghiệp dựa trên sự đổi mới, sáng tạo về ý tưởng, sản phẩm trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, là doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh.
Công nghệ xanh
Trong tiếng Anh, công nghệ xanh được gọi là Green Tech hay Cleantech. Vì thế, công nghệ xanh còn được gọi là công nghệ sạch. Khái niệm công nghệ xanh thực sự được bắt đầu nhắc đến từ những năm 1990, nhưng nó trở thành nhu cầu cấp thiết và trở nên thông dụng hơn vào những năm 2010. Một số cuộc cách mạng công nghệ như: sử dụng tấm pin mặt trời hay sử dụng sản phẩm thay thế chất thải nhựa đã bắt đầu cho một xu hướng mới của thế giới. Công nghệ xanh là thuật ngữ dùng để chỉ các công nghệ được coi là thân thiện với môi trường dựa trên quy trình sản xuất hoặc chuỗi cung ứng của nó.
Công nghệ xanh cũng có thể đề cập đến phương tiện sản xuất năng lượng ít gây hại cho môi trường hơn so với các cách sản xuất năng lượng truyền thống khác như nhiên liệu hóa thạch.
Các công ty khởi nghiệp nhỏ, cũng như lớn, như: Starbucks và Whole food; Tesla Motors và Solarcity sản xuất hoặc lắp đặt các sản phẩm công nghệ xanh, như: xe điện hoặc các tấm pin mặt trời; sử dụng công nghệ xanh trong hoạt động của công ty, công nghệ xanh trong sản xuất bao gồm các quy trình tái chế nước hoặc chất thải; bao bì; sản phẩm tái chế…
Nền kinh tế xanh
Thuật ngữ kinh tế xanh được sử dụng rộng rãi từ năm 2008 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính và sự cần thiết “kích thích kinh tế xanh ” với nhiều định nghĩa khác nhau. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 10/2008) đã đưa ra “Sáng kiến kinh tế xanh”. Năm 2011, Báo cáo “Hướng tới nền kinh tế xanh: Con đường phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo” đưa ra định nghĩa về kinh tế xanh được các tổ chức quốc tế sử dụng rộng rãi, đó là “nền kinh tế xanh giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể các rủi ro môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội” (Nguyễn Tuấn Phong, 2021). Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.
Ngân hàng Thế giới (WB, 2012) đưa ra định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”. Tháng 9/2015, Liên hợp quốc công bố chương trình Nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh.
Có thể hiểu một cách đơn giản, kinh tế xanh là 1 hệ thống kinh tế được thiết kế và điều hành để tối ưu hóa sự phát triển mà không gây tác động tiêu cực lên môi trường và tài nguyên.
Nó tập trung vào việc sử dụng các nguồn lực tái tạo, tối ưu hóa hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm thiểu khí thải và chất thải phát triển kinh tế xanh là một cách để đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo ra lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội lâu dài. Trong bối cảnh hiện nay, các vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên đang đe dọa sự tồn tại của hành tinh chúng ta.
Tầm quan trọng của phát triển nền kinh tế xanh
1. Bảo vệ môi trường: Phát triển nền kinh tế xanh giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái. Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ sạch giúp giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm không khí, đồng thời giảm sự sử dụng tài nguyên tự nhiên và chất thải.
2. Tăng cường sức cạnh tranh kinh tế: Phát triển nền kinh tế xanh tạo ra cơ hội kinh doanh mới, khuyến khích sự đổi mới công nghệ và tạo ra việc làm. Các ngành công nghệ xanh như: năng lượng tái tạo; quản lý chất thải và công nghệ xanh, mang lại lợi ích kinh tế và sự cạnh tranh cho các quốc gia và địa phương.
3. Tạo điều kiện sống tốt hơn cho cộng đồng: Phát triển nền kinh tế xanh cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc tạo ra môi trường sạch đẹp; cung cấp dịch vụ công cộng tốt hơn và tạo ra cơ hội việc làm.
Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, đột phá phát triển kinh tế xanh TP. Hồ Chí Minh
Để kinh tế TP. Hồ Chí Minh đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo của chính quyền Thành phố để triển khai hiệu quả các nghị quyết về cơ chế đột phá, giải quyết các điểm nghẽn và tạo động lực phát triển mới, trong đó có kinh tế xanh.
Từ nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nền kinh tế xanh, dẫn đến sự cần thiết phải huy động, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tập trung vào sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh cho các lĩnh vực quản lý đô thị và tài nguyên môi trường. Theo đó, cần lưu ý các giải pháp sau:
Cơ chế đột phá và giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển nền kinh tế xanh ở TP. Hồ Chí Minh
Theo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển TP. Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 98/2023/QH15 được ban hành ngày 24/6/2023) đã tạo ra nhiều đất diễn cho việc phát triển kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh, một số quy định cụ thể quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển nền kinh tế xanh được nêu trong Nghị quyết như:
Về quản lý đầu tư:
Nghị quyết đã có những đề cập rõ đến các cơ chế của Thành phố về quản lý đầu tư cụ thể như: Hội đồng nhân dân Thành phố được bổ trí vốn đầu tư công hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người dân; cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD); áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công – tư với các dự án thuộc lĩnh vực thể thao và văn hóa; áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu; TP. Hồ Chí Minh được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT với điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát ngân sách, UBND Thành phố sẽ chủ trì quy định về đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính.
Về tài chính, ngân sách nhà nước: Thành phố cũng đã được cởi bỏ một số rào cản trong việc quản lý và sử dụng ngân sách cho sự phát triển của mình. Một số điểm nhấn quan trọng như: HĐND Thành phố được quyết định, điều chỉnh tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm các khoản thu từ việc điều chỉnh; sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ; hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; sử dụng ngân sách để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; được bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND Thành phố đại diện chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ cho Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC). Bố trí vốn đầu tư công từ ngân sách để hỗ trợ lãi suất cho các dự án được HFIC cho vay; quyết định việc thu tiền duy tu, tái tạo cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất từ các doanh nghiệp đang sử dụng; được thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; quyết định sử dụng mái nhà của các trụ sổ cơ quan hành chính để lắp đặt hệ thống điện mặt trời
Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường:
- Được phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha.
- Phê duyệt điều chỉnh cục bộ, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chuyên ngành cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
- Được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc ở vị trí khác tương đương về quy mô; xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.
- Có cơ chế khuyến khích cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, giảm ô nhiễm môi trường.
- Thành phố được quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt bằng hình thức đặt hàng với nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ sang xử lý có thu hồi năng lượng.
Về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố:
- Thành phố được thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các dự án ưu tiên như: xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ sinh học, tự động hóa, vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
- Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn từ 30.000 tỷ đồng trở lên.
- Đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.
Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo:
- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân với một số trường hợp nhằm khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo;
- HĐND Thành phố quyết định các lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm giải pháp công nghệ mới và nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ.
- HĐND Thành phố quy định tiền lương, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Nghị quyết số 98/QH/2023 vào quá trình phát triển kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh
Khi áp dụng các giải pháp để phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trở thành nền kinh tế xanh, cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
Một là, bảo đảm hiệu quả và minh bạch đầu tư: Đảm bảo rằng các dự án đầu tư công và đầu tư tư như BOT, BT được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch. Cần có cơ chế giám sát và kiểm tra để đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn công và tư đạt được kết quả như dự kiến, không gây thất thoát ngân sách và tạo lợi ích cho cộng đồng.
Hai là, đảm bảo bền vững mô hình đô thị phát triển: Thực hiện mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) đòi hỏi cân nhắc kỹ lưỡng, để đảm bảo tích hợp hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và tạo môi trường sống xanh, bền vững cho người dân.
Ba là, quản lý tài chính cẩn thận: Cần đảm bảo quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách cẩn thận và minh bạch. Đảm bảo sử dụng hiệu quả các khoản thu phí, lệ phí, và nguồn vốn vay để đầu tư vào các dự án hạ tầng và công trình có ích cho cộng đồng.
Bốn là, bảo vệ tài nguyên môi trường: Khi điều chỉnh, quy hoạch đô thị, và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cần đảm bảo bảo vệ tài nguyên môi trường như: đất, nước và không gian xanh. Thực hiện cơ chế và chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và giảm ô nhiễm môi trường.
Năm là, xây dựng quy hoạch và chiến lược hấp dẫn đầu tư: Cần phát triển chiến lược thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời xây dựng quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ xanh.
Sáu là, tăng cường năng lực quản lý và đào tạo cán bộ: Để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế xanh, cần tăng cường năng lực quản lý và đào tạo cán bộ, chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, tài chính, quản lý đô thị và môi trường.
Bảy là, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng: Cần đảm bảo sự tham gia và góp ý của cộng đồng trong quá trình định hình chính sách và quyết định về phát triển kinh tế xanh, nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ từ cử tri và người dân.
Tám là, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và ngành: Áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế xanh đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và ngành chức năng trong việc thực hiện và giám sát các chính sách và dự án.
Chín là, đánh giá và theo dõi hiệu quả: Cần xây dựng các cơ chế đánh giá và theo dõi hiệu quả của các giải pháp đã áp dụng, để điều chỉnh và cải thiện chúng theo thời gian, đồng thời học hỏi từ các thành công và thất bại.
Tóm lại, để phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh thành nền kinh tế xanh, cần xem xét và đối mặt với những thách thức và vấn đề trên để đảm bảo bước đi hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng./.
Tài liệu tham khảo
1. Liên hợp quốc (1992), Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
2. Nguyễn Tuấn Phong (2021), Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Tạp chí Kinh tế tài chính, 4/2021.
3. OECD (2011), Towards green growth.
4. UNDP (2015), The 2030 Agenda for Sustainable Development.
5. WB (2012), Inclusive green growth: The pathway to sustainable development.
CEO Đặng Đức Thành
Chủ tịch CLB Các nhà Kinh tế (VEC)
Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Bình luận