Sắp chào bán 30 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/CP cho cán bộ, nhân viên VPBank
Ngày 27/5/2022, trên sàn HOSE, giá cổ phiếu VPB của VPBank là 31.000 đồng/cổ phiếu.
Số lượng phát hành cho nhân viên người nước ngoài theo chương trình ESOP dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu |
VPBank cho biết, Ngân hàng hiện có 60,2 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 4.445 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Nếu đợt phát hành ESOP cho cán bộ, nhân viên hoàn tất, số cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống, còn 30,2 triệu cổ phiếu quỹ. VPBank sẽ phát hành trong năm 2022, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Theo quyết định của HĐQT, đối tượng được mua cổ phiếu sẽ theo Quy chế về việc phát hành/chào bán theo chương trình lựa chọn người lao động. Người lao động được mua giá 10.000 đồng/CP, nhưng số cổ phiếu này sẽ bị phong tỏa để hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Cụ thể, sau 1 năm, sẽ giải tỏa 30% số cổ phiếu; sau 2 năm giải tỏa tiếp 35% và sau 3 năm sẽ giải tỏa 35% còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ cổ phiếu mà người lao động VPBank được mua sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Số tiền thu được từ đợt chào bán (300 tỷ đồng) sẽ được Ngân hàng sử dụng để bổ sung vào vốn lưu động. Công ty Chứng khoán Bản Việt được VPBank chọn làm đại lý thực hiện giao dịch bán cổ phiếu quỹ.
Cũng theo quyết định của HĐQT, số lượng phát hành cho nhân viên người nước ngoài theo chương trình ESOP dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu, chiếm 33,33% tổng số lượng cổ phần phát hành đợt này.
Tại Đại hội đồng cổ đông VPBank 2021 tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng đã được thông qua các phương án tăng vốn điều lệ cho năm 2022, đưa vốn điều lệ của ngân hàng này lên 79.334 tỷ đồng, cao nhất toàn hệ thống, làm nền tảng để tiến vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng thị trường như chứng khoán, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm.
Năm 2022, VPBank đặt một số mục tiêu kinh doanh chính, như tăng tổng tài sản lên trên 697 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 30 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 27% và 107% so với năm 2021. Bên cạnh đó, ngân hàng này đặt kế hoạch tăng tiền gửi và giấy tờ có giá lên 413 tỷ đồng, dư nợ tín dụng lên 518 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 28% và 35%. Nợ xấu của ngân hàng này dự kiến sẽ được kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 107% lên gần 30 nghìn tỷ đồng.
Trong quý I, Ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.
Trên nền tảng 2 năm 2020 và 2021 đạt mức tăng trưởng trên mức 20%, VPBank tiếp tục đặt kỳ vọng vào mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022.Hai kịch bản tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 được đưa ra gồm một kịch bản nền tảng 20 -23% và một kịch bản tham vọng 35% - trên cơ sở được cơ quan quản lý cho phép. Lãnh đạo VPBank khẳng định, ngay cả với kịch bản tăng trưởng tín dụng cơ sở, mục tiêu lợi nhuận của Ngân hàng cũng không thay đổi nhiều./.
Bình luận