Tại buổi họp báo công bố lịch trình và các hoạt động Triển lãm, diễn ra vào sáng nay (ngày 23/03/2017), tại Hà Nội, ông Isara Burintramart – Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex – đơn vị tổ chức VME 2017 cho biết, Triển lãm lần này sẽ mang đến 200 thương hiệu hàng đầu đến từ 20 quốc gia và 5 khu gian hàng quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. VME 2016 sẽ giới thiệu hơn 10 ngàn giám đốc nhà máy, kỹ sư và các nhà công nghiệp... đã tạo ra sự thay đổi trong dây chuyền sản xuất sản phẩm, dịch vụ và chi phi phát triển kinh doanh.

Nhiều công nghệ máy móc hiện đại sẽ được giới thiệu tại VME 2017

“Hiện thế giới đang hướng tới kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sau 3 đợt sóng đầu tiên bắt đầu từ cơ giới hóa với sức mạnh hơi nước, sản xuất hàng loạt với động cơ điện, tự động hóa bằng máy tính. Ngoài ra, công nghiệp 4.0 còn được gọi là nhà máy thông minh, là sự kết hợp hiệu quả của các công nghệ mới xuất phát từ mạng lưới thiết bị kết nối Internet (IoT) đến đám mây, phân tích, robot, công nghệ in 3D và trí tuệ nhân tạo”,ông Isara Burintramart nhận định.

Theo ông Isara Burintramart, việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giảm 3,6% chi phí hoạt động và tăng hiệu suất 4,1% trong một năm.

Đánh giá về công nghiệp sản xuất Việt Nam, ông Isara Burintramart cho rằng, hiện, trình độ sản xuất hiện tại của Việt Nam đang ở giai đoạn Công nghiệp 2.0 hoặc Công nghiệp 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp bởi thiếu hụt các công nghệ mới, thiếu thông tin, kỹ năng, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ. Việt Nam đang cố gắng để trở thành người trong cuộc của kỷ nguyên 4.0. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, phân tích dữ liệu, quản lý nền kinh tế, một yếu tố chính quyết định sự phát triển của công nghiệp 4.0 đó là nguồn nhân lực”.

Chính vì vậy, theo ông Isara Burintramart, VME 2017 sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nhanh hơn với cuộc cách mạng công nghiệp nghiệp 4.0. Bởi tại VME 2017, sẽ giới thiệu những công nghệ tiến tiến mang tính ứng dụng cao, tập trung vào công nghệ đo lường và lắp ráp, tự động hóa. Đây được xem là một phần quan trọng của công nghiệp 4.0. Cụ thể, các thương hiệu hàng đầu về công nghệ đo lường, lắp ráp tự động hóa, như: Hexagon, Nikon, Scantech, Wenzel, Misumi… sẽ giới thiệu những công nghệ sản xuất thông minh tại triển lãm tới các nhà sản xuất Việt Nam.

Tại Triển lãm, ngoài giới thiệu công nghệ, Công ty Reed Tradex sẽ kết nối với các hiệp hội trong nước mang tới những chủ đề, hoạt động, chương trình hội thảo cập nhật kiến thức và kết nối kinh doanh hướng tới ngành công nghiệp sản xuất 4.0 như hội thảo “Những ứng dụng thiết bị và công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm cơ khí” với sự tham gia của 100 doanh nghiệp cơ khí.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu cao về kỹ thuật hàn và chế tạo tại triển lãm cũng sẽ diễn ra “Cuộc thi tay nghề thợ hàn”. Cuộc thi gồm các bài kiểm tra lý thuyết, thực hành, khuyến khích thợ hàn về tầm quan trọng của việc nâng cấp, cải thiện kỹ năng tay nghề và giúp các nhà sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, theo nhà tổ chức Cuộc thi con quay kim loại “Koma Taisen tại Hà Nội 2017” cũng sẽ tiếp tục trở lại mang tới các buổi trình diễn đặc sắc.

VME 2017 được đồng tổ chức với 2 sự kiện độc đáo là Triển lãm các sản phẩm công nghệ hỗ trợ và thầu phụ Việt Nam và Triễn lãm về gia công kim loại tấm./.