Thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ: Giải pháp quan trọng thu hút FDI
Công nghiệp hỗ trợ đang trong quá trình hoàn thiện
Tại Việt Nam, thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” xuất hiện khá muộn do ảnh hưởng của giai đoạn kinh tế tự cung, tự cấp, cũng như một giai đoạn tiếp nhận FDI thiếu chọn lọc dẫn đến xuất hiện hàng loạt cơ sở gia công và lắp ráp với nguyên phụ liệu hầu hết là nhập khẩu. Ngày 24/2/2011, Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ mới đưa ra định nghĩa cụ thể công nghiệp hỗ trợ “là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”.
Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có sự điều chỉnh, theo đó ngành công nghiệp hỗ trợ được hiểu là “các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn và khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp cấp 2 và cấp 3.
Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ |
Một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể xuất khẩu. Đặc biệt, một số tập đoàn lớn, như Viettel, Vingroup, Hòa Phát... đã phát triển mạnh mẽ, trở thành “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí và chế tạo..., giúp Việt Nam tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Tuy vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang trong quá trình dần hoàn thiện và phát triển nên không thể tránh khỏi hạn chế. Mặc dù Nhà nước đã áp dụng nhiều chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế cho thấy các chính sách này chưa đủ mạnh và đồng bộ để tạo ra đột phá. Doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tại địa phương. Do đó, việc thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và ưu đãi. Các doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất đơn giản, khả năng tài chính hạn chế và thiếu tài sản bảo đảm để tiếp cận được các khoản vay lớn.
Trên thực tế, các doanh nghiệp CNHT muốn phát triển và tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng được 3 yếu tố, đó là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được cả 3 yếu tố trên. Hầu hết doanh nghiệp trong nước chưa kết nối được với doanh nghiệp FDI dù trên thực tế, doanh nghiệp FDI luôn muốn tìm doanh nghiệp Việt Nam phù hợp để tạo thành chuỗi giá trị liên kết. Nếu không có công ty phụ trợ nào trong nước đáp ứng được, doanh nghiệp FDI sẽ đưa toàn bộ công ty trong chuỗi liên kết từ nước của họ hoặc từ nước khác sang Việt Nam để cung cấp sản phẩm phụ trợ. Nhưng, vướng mắc nhất hiện nay là, doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ khả năng, tiềm lực và nguồn lực, cũng như năng lực để tham gia vào chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNHT trong nước rất yếu và thiếu thiết bị, công nghệ đủ điều kiện để sản xuất sản phẩm mà các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam yêu cầu. Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm vẫn còn thấp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, như điện tử, máy tính, linh kiện, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô... Đó là chưa kể, số lượng và trình độ nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu.
Vươn tới mục tiêu 2.000 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, thiết bị cho các tập đoàn đa quốc gia
Hiện nay, trong tổng số hơn 41.720 dự án FDI còn hiệu lực tính đến tháng 11/2024, thì có 17.754 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 303,874 tỷ USD, chiếm hơn 61% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.
Cơ cấu đầu tư như trên có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Tuy nhiên, việc thu hút vốn FDI có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước. Công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng trong nội tại nền kinh tế của mình. Nếu không làm được điều này, thì dù có đầu tư nước ngoài nhiều thì giá trị gia tăng của Việt Nam là hạn chế.
Nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không có nghĩa chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công, không phải chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lắp ráp, mà còn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới. Đây là vấn đề then chốt nhất của công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, các ngành có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tạo lập mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, cũng cần tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn |
Thực tế, Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 115/NQ-CP, ngày 06/8/2020 về thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2020-2030. Theo đó, Chính phủ xác định ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đặt ra không chỉ đáp ứng nhu cầu cung cấp linh kiện, thiết bị cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, mà còn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ mạnh mẽ, Việt Nam kỳ vọng đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.000 công ty có khả năng cung cấp trực tiếp linh kiện, thiết bị cho các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp điện tử, ô tô và công nghệ cao./.
Bình luận