Sẽ kiểm tra doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn
Theo Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, 9 tháng đầu năm nay, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, khi đạt 357.000 tỷ đồng, trong khi khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 17.375 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất, khi chiếm 37,3% khối lượng toàn thị trường, tiếp đến là các doanh nghiệp bất động sản khi chiếm 31,1% khối lượng phát hành. Đáng chú ý, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm, khi 9 tháng đầu năm nay mua 5,5% khối lượng phát hành, trong khi con số này trong năm 2020 là 12,7%.
Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất ban hành chính sách theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh |
Đáng chú ý, qua hoạt động quản lý, giám sát, Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng bởi diễn biến của thị trường. Một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu…
Để tăng tính công khai, minh bạch và tăng cường quản lý, giám sát hoạt động giao dịch thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng thông tư và chuẩn bị thiết lập thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời nâng cấp chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và hệ thống niêm yết, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. |
Trước tình trạng trên, để chủ động kiểm soát rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai 4 đoàn kiểm tra trong tháng 10/2021 tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo; tình hình tài chính yếu. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cảnh báo kịp thời về những rủi ro cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành nhằm tăng cường quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp thông qua: đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát; đề nghị Bộ Xây dựng có các giải pháp quản lý thị trường bất động sản, phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản về rủi ro tăng trưởng nóng; làm việc với Bộ Công an về khung khổ pháp lý và tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin.
Liên quan đến hoàn thiện hành lang pháp lý, trên cơ sở hoạt động quản lý, giám sát và kết quả kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đánh giá để đề xuất sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, theo hướng hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng cường công khai minh bạch trong huy động vốn trái phiếu…/.
Bình luận