4 bước xây dựng Kế hoạch

Cụ thể, Dự thảo nêu rõ, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương được xây dựng theo 4 bước chính sau:

(i) Chuẩn bị: Thành lập Tổ công tác về tăng trưởng xanh và Chỉ định cơ quan đầu mối về tăng trưởng xanh do lãnh đạo UBND tỉnh hoặc lãnh đạo Cơ quan được giao đầu mối về tăng trưởng xanh làm Tổ trưởng. Tổ công tác này có nhiệm vụ xây dựng lịch trình, tiến độ thời gian; kế hoạch phối hợp, huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan và cộng đồng; phân công người phụ trách để tiến hành xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương.

(ii) Rà soát, thu thập tư liệu, tài liệu, số liệu, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(iii) Xác định những thành tựu và hạn chế của địa phương về tăng trưởng xanh: đầu tư xanh, phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường, tăng cường thể chế chính sách.

(iv) Xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương, gồm: Định hướng tăng trưởng xanh của địa phương đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Xác định yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới để nâng cao sức cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững...; Giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh của địa phương đến năm 2020 và các năm tiếp theo; Các chương trình, dự án trọng điểm liên quan đến tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, Dự thảo nhấn mạnh, căn cứ tình hình cụ thể từng địa phương, tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách chỉ đạo, theo dõi từng vấn đề, từng nhóm mục tiêu cụ thể; Xây dựng hệ thống giám sát và chế độ thỉnh thị báo cáo định kỳ; Xây dựng các tiêu chí đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của địa phương; Xây dựng chế độ trách nhiệm, cơ chế hợp tác trong việc huy động các ngành, các cấp, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong địa phương tham gia thực hiện mục tiêu.

Muốn quốc gia tăng trưởng xanh, phải bắt đầu tăng trưởng xanh từ các địa phương

7 nguyên tắc thực hiện

Dự thảo nhấn mạnh, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của địa phương thực hiện trên cở sở 7 nguyên tắc là:

Thứ nhất, có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, trong đó quan tâm sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức, cộng đồng, người dân;

Thứ hai, gắn kết (lồng ghép) các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường vào mục tiêu của kế hoạch;

Thứ ba, có sự hợp tác giữa chính quyền và các tổ chức địa phương trong xây dựng và điều hành thực hiện kế hoạch;

Thứ tư, có đánh giá định lượng về phát thải khí nhà kính cho các ngành, doanh nghiệp trọng điểm gắn với kịch bản phát triển ngành, doanh nghiệp tại địa phương;

Thứ năm, có một kế hoạch hành động cụ thể gắn với những mục tiêu lâu dài để đảm bảo tăng trưởng xanh, trong có có danh mục các dự án tăng trưởng xanh được sắp xếp theo ngành và thứ tự ưu tiên;

Thứ sáu, có các tiêu chí được đưa ra như là một công cụ để giám sát và đánh giá thực hiện kế hoạch;

Thứ bảy, có hệ thống giám sát và báo cáo.

Để các địa phương thực hiện thuận lợi Kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Khung Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, thành phố. Hàng năm, các chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo định kỳ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực hiện để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ

Hiện Dự thảo đang được công bố xin ý kiến đóng góp trên Cổng Thông tin Điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư./.