Tăng trưởng xanh của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội
Phạm Mai Chi
Trường Kinh tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Tóm tắt
Tăng trưởng xanh (TTX) đang trở thành xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển bền vững của các doanh nghiệp công nghiệp nói chung, cũng như của các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội. Mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ từ chính phủ và từ chính quyền địa phương, quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều thách thức do hạn chế về công nghệ, tài chính và nhận thức. Bài viết tập trung phân tích thực trạng triển khai TTX tại các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, chỉ ra những khó khăn tồn tại và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình này hiệu quả hơn.
Từ khóa: tăng trưởng xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh, môi trường bền vững
Summary
Green growth (GG) is becoming an inevitable trend in the sustainable development process of industrial enterprises in general, as well as industrial enterprises in Hanoi. Although there have been support policies from the government and local authorities, the implementation process still faces many challenges due to limitations in technology, finance, and awareness. The article focuses on analyzing the current situation of green growth implementation in industrial enterprises in Hanoi, pointing out existing difficulties, and proposing several solutions to promote this process more effectively.
Keywords: green growth, green products, green services, sustainable environment
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và ô nhiễm môi trường gia tăng, việc phát triển theo hướng TTX trở thành một yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghiệp là một trong những loại hình có tỷ trọng đóng góp lớn cho GPD toàn cầu, nhưng cũng đồng thời là một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều tài nguyên và phát thải lớn nhất. Tại Hà Nội, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thành phố hiện đang chịu áp lực lớn từ tình trạng ô nhiễm không khí, tiêu thụ năng lượng cao và phát thải khí nhà kính. Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Thành phố, việc thực hiện TTX vẫn còn gặp nhiều hạn chế.
Một số doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội đã triển khai các biện pháp như: sử dụng năng lượng sạch, cải tiến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi xanh. Do đó, cần có một chiến lược đồng bộ và hiệu quả nhằm thúc đẩy TTX trong các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội. Do đó, nghiên cứu khái quát thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy TTX cho các doanh nghiệp công nghiệp tại Hà Nội có ý nghĩa quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ CỦA TTX
Khái niệm TTX
TTX (Green Growth) là mô hình phát triển kinh tế nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), TTX là: "Sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi vẫn đảm bảo rằng tài nguyên thiên nhiên tiếp tục cung cấp các dịch vụ môi trường cần thiết cho cuộc sống con người".
Tổ chức Sáng kiến TTX của Liên hợp quốc định nghĩa “Tăng trưởng xanh” là “Quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội”.
TTX hướng đến việc giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa tài nguyên thông qua kinh tế tuần hoàn và tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Vai trò của TTX
Trong bối cảnh BĐKH và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, TTX đang trở thành chiến lược quan trọng để các quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. TTX không những giúp bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra lợi ích về mặt kinh tế. Cụ thể:
TTX thúc đẩy kinh tế từ mô hình xanh. TTX mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, đặc biệt trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Khi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất bền vững, họ không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường, mà còn tối ưu hóa chi phí và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, mô hình này cũng tạo ra nhiều việc làm mới trong các lĩnh vực, như: năng lượng tái tạo, giao thông thông minh và kinh tế tuần hoàn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2012), TTX có thể trở thành động lực giúp các nền kinh tế duy trì tốc độ phát triển dài hạn mà không làm tổn hại đến hệ sinh thái.
Giải pháp bảo vệ môi trường từ chính sách xanh. TTX đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, nhờ việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Chính sách xanh giúp hạn chế ô nhiễm không khí, nước và đất, qua đó cải thiện sức khỏe cộng đồng và đảm bảo môi trường sống an toàn. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP, 2011), việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể giúp giảm đáng kể lượng khí CO₂ toàn cầu, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội đầu tư vào các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường.
Tác động xã hội và định hướng chính sách. Không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế và môi trường, TTX còn mang lại tác động tích cực đối với xã hội. Việc mở rộng các không gian xanh, giao thông công cộng bền vững và phát triển năng lượng sạch giúp nâng cao chất lượng sống của người dân. Đồng thời, mô hình này cũng góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nhóm dân cư, tạo ra một nền kinh tế công bằng hơn.
Tại Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng bền vững, tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo phát triển lâu dài trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Việc triển khai TTX không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, mà còn cần sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng. Khi nền kinh tế chuyển mình theo hướng bền vững, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN TTX CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP TẠI HÀ NỘI
Thực trạng thực hiện TTX trên địa bàn TP. Hà Nội
Dữ liệu thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 2,4% so với năm 2022, trong đó, các ngành có liên quan đến TTX đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực (Bảng).
Bảng: Chỉ số công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội (%)
Ngành |
Số lượng doanh nghiệp |
||||
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
2023 |
|
Khai khoáng |
78,4 |
90,4 |
100,1 |
105,0 |
110,2 |
Công nghiệp chế biến |
108,5 |
104,6 |
104,8 |
107,2 |
109,5 |
Sản xuất phân phối điện, khí đốt, hơi nước |
109,7 |
106,1 |
104,2 |
106,8 |
108,9 |
Cung cấp xử lý nước thải |
108,0 |
105,4 |
106,7 |
108,0 |
109,0 |
Tổng |
108,5 |
104,7 |
104,8 |
107,0 |
109,4 |
Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 109,5%, phản ánh sự mở rộng của các doanh nghiệp hướng đến công nghệ sạch, sản xuất ít phát thải và tối ưu hóa tài nguyên. Sự gia tăng này có thể đến từ việc áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu chất thải công nghiệp và tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước đạt 108,9%, cho thấy nhu cầu sử dụng năng lượng xanh ngày càng cao. Hà Nội đã và đang thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, mở rộng hệ thống điện thông minh và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Ngành cung cấp và xử lý nước thải tăng lên 109,0%, phản ánh sự chú trọng của thành phố vào việc cải thiện hạ tầng môi trường, đặc biệt là trong việc xử lý rác thải và tái sử dụng nước.
Ngành khai khoán mặc dù có xu hướng phục hồi mạnh mẽ (110,2% vào năm 2023), nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức trong việc chuyển đổi sang mô hình khai thác bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Thực trạng sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trên địa bàn TP. Hà Nội
Hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang trở thành ưu tiên hàng đầu của TP. Hà Nội trong quá trình phát triển công nghiệp bền vững. Theo Sở Công thương Hà Nội, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, như: Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phụ tùng xe máy Ghoshi Thăng Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sumitomo, Công ty Bia Sài Gòn - Hà Nội đã chủ động áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, Thành phố đã triển khai 3 mô hình thí điểm và đề xuất gần 330 giải pháp tiết kiệm năng lượng cho hàng chục doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành có mức tiêu thụ cao, như: vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt may, gốm sứ, dược phẩm – hóa chất, thép, nhựa. Các giải pháp này được áp dụng rộng rãi trong các khu công nghiệp lớn, như: Thăng Long, Nội Bài, Quang Minh, Thạch Thất – Quốc Oai, cũng như trong các cụm công nghiệp và làng nghề, như: Ngọc Hồi, Phùng Xá, Kim Lan, Liên Hà…
Thực trạng đổi mới công nghệ
Tại Hà Nội, đến nay vẫn chưa có một đánh giá tổng thể về thực trạng đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn Chính sách thuộc Văn phòng Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, ngành cơ khí chế tạo vẫn đang đối mặt với nhiều hạn chế trong việc đổi mới công nghệ. Báo cáo chỉ ra rằng, mức độ tự động hóa trong ngành cơ khí chế tạo chỉ đạt 7%, dây chuyền sản xuất còn thiếu tính đồng bộ, và hơn 70% doanh nghiệp vẫn sử dụng máy công cụ vạn năng – loại máy có độ chính xác và tinh vi chỉ đạt 2/7 theo thang đánh giá của ESCAP.
Thực trạng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng xanh hóa của doanh nghiệp trên địa bàn
Việc phân tích sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong ngành công nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ thực hiện TTX của doanh nghiệp. Nếu tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao như: điện tử, dược liệu, dược mỹ phẩm (theo phân loại của OECD) có xu hướng tăng, trong khi các ngành công nghệ thấp như: dệt may, đồ uống, chế biến thực phẩm, da giày, in ấn giảm dần theo thời gian, điều đó sẽ phản ánh sự dịch chuyển tích cực theo hướng sản xuất xanh và bền vững.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ cấu ngành công nghiệp tại Hà Nội không có nhiều thay đổi đáng kể theo thời gian. Trong đó, 2 ngành có đóng góp lớn nhất vào giá trị sản xuất là sản phẩm điện tử (thuộc nhóm công nghệ cao) và phương tiện vận tải (thuộc nhóm công nghệ trung bình). Mặc dù đây là những ngành có tiềm năng phát triển theo hướng xanh hơn, nhưng thực tế lại ghi nhận xu hướng giảm nhẹ trong tỷ trọng sản xuất.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là nhiều doanh nghiệp sản xuất trong 2 lĩnh vực trên chủ yếu hoạt động theo mô hình gia công, lắp ráp. Để tối ưu chi phí, tận dụng lợi thế về mặt bằng sản xuất và hưởng các chính sách ưu đãi tốt hơn, nhiều doanh nghiệp đã dần chuyển dịch cơ sở sản xuất sang các tỉnh lân cận Hà Nội. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc duy trì sự phát triển của các ngành công nghệ cao ngay trong nội đô, đồng thời cũng phản ánh nhu cầu cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn để giữ chân và thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành phát triển theo hướng bền vững tại Hà Nội.
THÁCH THỨC KHI THỰC HIỆN TTX CỦA DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN
Trong bối cảnh BĐKH và áp lực phát triển bền vững ngày càng gia tăng, TTX trở thành xu hướng tất yếu đối với ngành công nghiệp tại TP. Hà Nội. Thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình này vẫn còn gặp không ít khó khăn, từ rào cản tài chính, công nghệ đến những vấn đề về nhân lực và chính sách. Cụ thể:
Một là, chi phí đầu tư cao
Trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp công nghiệp khi áp dụng mô hình TTX là chi phí đầu tư ban đầu cao. Việc chuyển đổi sang hệ thống sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hay đầu tư vào dây chuyền công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn vốn lớn. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), chiếm phần lớn trong ngành công nghiệp Hà Nội, thì việc tiếp cận các gói tài chính xanh vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng vay vốn ưu đãi hoặc chưa đáp ứng được các tiêu chí khắt khe để tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Hai là, thiếu công nghệ hiện đại và sự đổi mới chậm
Bên cạnh vấn đề tài chính, hạn chế về công nghệ cũng là rào cản khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp tại TP. Hà Nội chậm triển khai các giải pháp xanh. Hầu hết doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống, tiêu hao nhiều năng lượng và tạo ra lượng phát thải lớn.
Theo khảo sát của Sở Công thương Hà Nội, trên 60% doanh nghiệp chưa ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến hoặc mới chỉ thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng ở mức độ đơn giản. Các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, như: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt may, hóa chất vẫn chưa có sự chuyển đổi rõ rệt do thiếu công nghệ phù hợp.
Hơn nữa, việc chuyển giao công nghệ xanh từ các nước phát triển sang Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, do giá thành cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp và sự thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ba là, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu
Chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh không chỉ đòi hỏi công nghệ mà còn yêu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn về sản xuất bền vững, quản lý năng lượng và vận hành hệ thống tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần lực lượng lao động tại các doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội chưa được đào tạo đầy đủ về các tiêu chuẩn xanh, quy trình sản xuất hiện đại và các mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 70% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân sự có kỹ năng về sản xuất bền vững và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Điều này khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.
Bốn là, hạn chế trong chính sách hỗ trợ và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xanh
Dù Chính phủ và Thành phố đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích TTX, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, các cơ chế này vẫn còn thiếu cụ thể, khó tiếp cận hoặc chưa thực sự hấp dẫn.
Hiện nay, TP. Hà Nội đã triển khai một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn mang tính khuyến khích nhiều hơn là ràng buộc, khiến nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng việc chuyển đổi.
Ngoài ra, cơ chế ưu đãi thuế, hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp xanh vẫn còn chưa đồng bộ và thiếu tính thực tiễn. Một số doanh nghiệp cho biết, họ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục để tiếp cận các khoản vay ưu đãi hoặc quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh.
ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ THỰC HIỆN TTX CHO CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHIỆP TẠI HÀ NỘI
Để tiến trình TTX của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội thực hiện thành công, cần có những biện pháp cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch đối với các doanh nghiệp công nghiệp. Bên cạnh đó, phải xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá mức độ thực hiện TTX của doanh nghiệp khi các doanh nghiệp đã được nhận những chính sách ưu đãi.
Hai là, tăng cường tiếp cận nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp công nghiệp. Để thực hiện được điều này, cần phát triển quỹ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TTX từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn quốc tế. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng và tổ chức tài chính.
Ba là, cần đẩy mạnh chuyển giao và đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp tại địa bàn TP. Hà Nội cần có sự hợp tác với với doanh nghiệp nước ngoài để chuyển giao công nghệ xanh. Cần có quy hoạch cụ thể, chi tiết để xây dựng các khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Bốn là, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp công nghiệp cần tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo về lợi ích và cách thực hiện TTX cho doanh nghiệp, từ đó xây dựng các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh.
Năm là, tăng cường hợp tác công – tư. Các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Thành phố cần được tạo điều kiện tham gia vào các chương trình hợp tác công - tư (PPP), nhằm thúc đẩy TTX; đồng thời cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển công nghệ xanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andrea Beltramello, Linda Haie-Fayle and Dirk Pilat (2013), Why New Business Models Matter for Green Growth, OECD Green Growth Papers, 2013-01, OECD Publishing, Paris, doi: 10.1787/5k97gk40v3ln-en.
2. Chung a Park (2012), Tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc: Công nghiệp xanh – động cơ tăng trưởng mới, Bài trình bày tại Hội thảo về “Chính sách cơ cấu và công nghiệp xanh cho Việt Nam” do GIZ, CIEM và UNIDO tổ chức tại Hà Nội, 31/10/2012.
3. Ngô Tuấn Nghĩa (2013), Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng gắn với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5-2013, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Mạnh Hải, Bế Thu Trang (2015), Chính sách tài chính cho phát triển Nền kinh tế xanh ở việt nam: Thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp Bộ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
5. OECD (2012), Green Growth and Developing Countries: A Summary for Policy Makers, June 2012, OECD.
6. OECD (2013), Why New Business Models Matter for Green Growth, OECD, 2013.
7. Trần Thanh Lâm (2013), Kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững và xóa đói, giảm nghèo, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/21450/kinh-te-xanh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-va-xoa-doi%2C-giam-ngheo.aspx.
8. Trương Quang Học (2013), Kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững ở Việt Nam, Bài giảng cho nguyên cứu sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội.
9. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication.
10. UNIDO (2011), UNIDO green industry initiative for sustainable industrial development.
11. UNIDO, UNEP (2010), Enterprise-Level Indicators for Resource Productivity and Pollution Intensity: A Primer for Small and Medium-Sized Enterprises.
12. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (2014), Một số hàm ý chính sách cho triển khai chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam, Dự án CIEM-DANIDA.
Ngày nhận bài: 03/02/2025; Ngày phản biện: 15/02/2025; Ngày duyệt đăng: 19/02/2025 |
Bình luận