Sự có mặt của Thống đốc Nguyễn Văn Bình chuyển tải thông điệp, chính sách tài khóa – tiền tệ sẽ nhịp bước song hành không chỉ trong năm 2013, mà còn tiếp tục ở các năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị

Thu ngân sách vượt dự toán vào những ngày cuối năm

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, thu NSNN ước cả năm (kể cả ghi thu - ghi chi ngoài dự toán) đạt khoảng 99% dự toán. Nếu loại trừ số ghi thu - ghi chi, thì thu cân đối đạt khoảng trên 97% dự toán, tăng thêm trên 16.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội. Số tăng cân đối thu thêm chủ yếu là ngân sách trung ương, nên sẽ đảm bảo thanh toán hết số nợ hoàn thuế GTGT phát sinh năm 2013 theo yêu cầu của Quốc hội (14.800 tỷ đồng).

Chi NSNN ước đạt dự toán Quốc hội đã quyết định. “Trong điều hành, mặc dù thu ngân sách khó khăn, nhưng đã chủ động huy động các nguồn lực để đảm bảo các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách tiền lương, an sinh xã hội. Công tác quản lý chi tiêu được tăng cường”, Thứ trưởng cho biết.

Bội chi NSNN được điều hành trong phạm vi Quốc hội đã cho phép điều chỉnh là 5,3% GDP.

Năm 2014 dự báo kinh tế tích cực hơn, nhưng sản xuất - kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, yêu cầu tái cơ cấu đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng thương mại, áp lực điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ công sát với giá thị trường ngày càng lớn, cộng với thực hiện một số điều chỉnh chính sách thu sẽ tác động làm giảm thu NSNN.

“Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính được Quốc hội giao dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 539.000 tỷ đồng; thu dầu thô 85.200 tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 154.000 tỷ đồng (trên cơ sở số thu 224.000 tỷ đồng, chi hoàn thuế GTGT 70.000 tỷ đồng) và thu viện trợ 4.500 tỷ đồng”, Thứ trưởng cho hay.

Đối với chi NSNN, dự toán chi là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng,...).

Như vậy, “thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm”, Thứ trưởng nêu rõ.

Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; bố trí chi đầu tư phát trển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013.

Bội chi NSNN, theo lộ trình cần giảm dần để đạt mức 4,5%GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2014 là 5,3%GDP.

Với tỷ lệ bội chi này, dự kiến đến 31/12/2014, dư nợ công khoảng 59,8%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4%GDP.

“Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng cũng tạo nên sức ép khá lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ”, Thứ trưởng Nghiệp nhấn mạnh.

Về huy động vốn, mức phát hành TPCP cho đầu tư năm 2014 là 100.000 tỷ đồng, cộng với huy động cho bù đắp bội chi (224 nghìn tỷ đồng) và đảo nợ (70 nghìn tỷ đồng), thì tổng số phải huy động trong năm 2014 tăng gần 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2013.

Ngành tài chính – ngân hàng và mô hình hợp tác Win - Win

Lần đầu tiên Thống đốc Ngân hàng dự hội nghị toàn quốc ngành Tài chính, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Đây là dấu ấn quan trọng, thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và sự phối hợp giữa hai để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ dược đặt ra”.

Khẳng định sự phối hợp hai Bộ và hai chính sách tài khóa – tiền tệ đã có những bước tiến quan trọng, Thống đốc chỉ rõ: “tinh thần phối hợp này cần phải được quán triệt trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2014”.

Để phục hồi tăng trưởng, Quốc hội đã chấp nhận để Chính phủ nới bội chi ngân sách lên 5,3% và tăng phát hành trái phiếu chính phủ với khối lượng phát hành cao hơn năm 2013. Với những động thái này, vấn đề điều hành chính sách sẽ rất khó khăn.

Vì thế, “Hai ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng nhưng tôi cho rằng không thể chỉ là sự phối hợp cơ học mà đòi hỏi sự phối hợp nghệ thuật. Phối hợp ở thời điểm nào thì đưa trái phiếu ra phát hành, thời điểm nào thì bổ sung bằng nguồn tín dụng, phối hợp như vậy mới duy trì được mặt bằng lãi suất thấp”, Thống đốc phát biểu.

Bởi, nếu mặt bằng lãi suất vừa được thiết lập trong năm 2013 bị phá vỡ sẽ đẩy lãi suất cao trở lại làm khó cho sản xuất, kinh doanh, thì nguy cơ không thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát đặt ra cho năm 2014 và cũng làm khó cho cả việc phát hành trái phiếu.

“Hai ngành cũng còn phải bối phợp tốt để hệ thống tài chính bao gồm thị trường vốn và thị trường bảo hiểm là công cụ hữu hiệu để Chính phủ điều hành. Tránh kiểu Ngân hàng chỉ lo chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính chỉ lo chính sách tài khóa. Phối hợp tốt sẽ đảm bảo chính sách tài khóa và tiền tệ đều thắng lợi”, người đứng đầu ngành Ngân hàng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa

Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong thành quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước có sự đóng góp trực tiếp, hiệu quả, thiết thực của ngành Tài chính.

Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương ngành Tài chính và các địa phương đã có hành động quyết liệt và trách nhiệm đảm bảo thu ngân sách trong điều kiện khó khăn.

“Chỉ còn hai ngày nữa là hết năm và tính đến hết năm, có thể thu ngân sách vượt dự toán được 1% đó là điều rất đáng mừng”, Thủ tướng phát biểu. Trong tình hình khó khăn, tưởng chừng như ngân sách hụt thu, nhưng kết quả đã vượt dự toán được 16.000 tỷ đồng trong khi đó đã tiết kiệm, cắt giảm chi khoảng 22.700 tỷ đồng.

Thủ tướng cũng đã biểu dương sự phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ để giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Sự phối hợp đã góp phần để tăng trưởng GDP cả năm đạt mức 5,42%, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, lãi suất giảm mạnh, thị trường ngoại tệ và tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán thặng dư lớn và dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm,quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Tuy nhiên, tình hình trước mắt còn nhiều thách thức, vì thế, “muốn ổn định xã hội phải kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô…. Năm 2014 nếu cần chỉ điều chỉnh tỷ giá ở mức 1-2% như năm 2013 và đặc biệt 2014 phải giữ mặt bằng lãi suất như hiện nay”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà ngành Tài chính cần tập trung thực hiện tốt trong năm 2014, như:

- Phối hợp chặt chẽ hiệu quả chính sách tài khóa tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và phục hồi tăng trưởng. “Nếu phối hợp thiếu chặt chẽ sẽ khó đạt các mục tiêu đề ra. Trong thực tiễn điều hành của Chính phủ đã luôn luôn gắn chặt hai chính sách, đã chủ động phối hợp năm qua.Tôi mong phối hợp tốt hơn hiệu quả hơn”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu phải có sự phối hợp cụ thể và sự phối hợp phải cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế. Ngành Tài chính phải thực hiện nghiêm túc việc thu đúng, thu đủ thuế, phí, đi đôi với đó là thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế, đảm bảo được vốn cho đầu tư phát triển, cũng như đảm bảo an ninh tài chính quốc gia nhưng phải phối hợp với chính sách tiền tệ để có mức lãi suất phù hợp. Lãi suất thấp cũng là một yếu tố giúp khôi phục sản xuất kinh doanh phục hồi tăng trưởng.

- Hai Bộ phải phối hợp để huy động vốn, năm 2014, nếu muốn thực hiện ba đột phá chiến lược cần có vốn, để đầu tư phát triển cũng cần có vốn. Bội chi được nới đến 5,3% và khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2014 sẽ cao hơn năm 2013, vậy phải phối hợp để huy động được vốn đầu tư nhưng không làm mất ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát cao trở lại và không ảnh hưởng đến lãi suất, tỷ giá.

“Sự phối hợp giữa hai Bộ không chỉ là tinh thần mà cần sự phối hợp nghệ thuật”, Thủ tướng chỉ rõ. Đồng thời, Thủ tướng cũng đặc biệt yêu cầu nâng cao kỷ luật kỷ cương tài chính./.