Thu hồi cho ngân sách và siết chặt chi tiêu công

Cũng theo Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 4,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan, xử lý tăng thu cho ngân sách 1,1 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó thực hiện thu hồi và xử lý được 259 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31/12/2015. Trong 8 tháng đầu năm đã bắt giữ, xử lý trên 11,9 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 100 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 31 vụ, chuyển các cơ quan khác điều tra 42 vụ.

Song song với nỗ lực thu các khoản nợ, xử lý tăng thu, Bộ Tài chính cũng tăng cường quản lý chi qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn địa phương thực hiện việc giao kế hoạch chi tiết vốn đầu tư từ niên độ 2016... Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ, theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt.

Theo Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình các cơ quan của Quốc hội dự án Luật quản lý tài sản công (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.

Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp xe ô tô phục vụ công tác chung hiện có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg.

Trong nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ xây dựng báo cáo Chính phủ về tình hình và giải pháp quản lý, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng xe ô tô và kết quả rà soát, sắp xếp xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương, đơn vị thực hiện và giải đáp vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài sản công và chính sách tài chính đất đai; Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP; Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg.

Tích cực cải cách thủ tục hành chính

Đây là một trong những nỗ lực của ngành Tài chính kể từ đầu năm. Trong lĩnh vực Hải quan, ngành Tài chính tiếp tục triển khai mở rộng Cơ chế một cửa Quốc gia và một cửa ASEAN, qua đó đã kết nối chính thức với 10/14 bộ. Ngoài thủ tục thông quan hàng hóa, 33 thủ tục hành chính của 10 bộ còn lại đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa Quốc gia. Về cơ chế một cửa ASEAN, đã thành lập 9 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại 07 địa phương.

Đối với lĩnh vực thuế, tính đến ngày 19/8/2016, hệ thống khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử đã được triển khai trên toàn quốc. Trên 550 nghìn doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 552 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,6%, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận đến nay là trên 33,4 triệu hồ sơ. Đối với dịch vụ nộp thuế điện tử, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là gần 530 nghìn doanh nghiệp trên 552 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 95,7%.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã tổ chức triển khai thí điểm thực hiện thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước theo Quyết định số 2704/QĐ-BTC ngày 17/12/2015 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2016.

Thực hiện nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2016, ngành Tài chính sẽ tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN; Mở rộng phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại và nâng cấp các hệ thống CNTT; Triển khai Kế hoạch phát triển, vận hành hệ thống cổng thông tin điện tử ngành hải quan giai đoạn 2016-2020 và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cung cấp, sử dụng thông tin tờ khai hải quan điện tử; Ký kết hợp đồng “Nâng cấp Hệ thống thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu để kết nối với Hệ thống VNACCS/VCIS”./.