Tăng trưởng kinh tế trông chờ vào đầu tư công và xuất nhập khẩu
Trông đợi vào “cỗ máy” đầu tư công
Tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội đang diễn ra, ý kiến từ nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự chia sẻ với Chính phủ về những khó khăn, thách thức trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm. Cùng với đó, nhiều đại biểu Quốc hội hiến kế, bên cạnh nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là tập trung nguồn lực cho kiểm soát và đẩy lùi dịch Covid-19, cần linh hoạt, sáng tạo, phát huy tối đa các nguồn lực để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mức khả quan nhất trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường.
Dưới góc nhìn của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể trông đợi nhiều vào việc kích cầu tiêu dùng trong nước, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới. Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ phải trông chờ vào đầu tư công và xuất nhập khẩu. Do đó, mục tiêu là phải tập trung, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tạo nền tảng thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển...
Cũng nhìn nhận thành công trong thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, giải pháp căn cơ là Chính phủ cần quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, cắt giảm, thu hồi vốn với những bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn chưa tốt để bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân tốt...
Theo Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, cần có những giải pháp mạnh để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Quốc hội |
“Các cấp, các ngành cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cũng như các gói hỗ trợ sao cho đúng và đủ đối tượng...”, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề xuất.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) quan ngại, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công đang vấp phải hai khó khăn lớn là: dịch bùng phát, tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Điều này khiến cho ngân quỹ nhà nước bị ứ đọng tại hệ thống ngân hàng lên đến tương đương 26 tỷ USD...
Liên quan đến thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, Chính phủ cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Triển khai hợp lý, hiệu quả các giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu, thương mại hàng hóa, cũng là giải pháp được nhiều đại biểu hiến kế cho Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến đề xuất cần tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ảnh: Quốc hội |
“Cần chủ động điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hợp lý, có trọng tâm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Tập trung nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh giảm bớt khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài...”, Đại biểu Trần Văn Tiến đề xuất.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: Cơ quan quản lý cần chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế, tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người dân. Đây cũng được xem là giải pháp căn cơ... |
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá cao Chính phủ đã tập trung rà soát những điểm bất hợp lý để kiến nghị với Quốc hội thành lập các tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy, hỗ trợ triển khai cho các dự án FDI, cũng như các dự án tư nhân, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, đưa các dự án vào sản xuất kinh doanh. Đây là biện pháp rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.
Với tinh thần “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ cần có giải pháp duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, các hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp (chi phí logistics, giá nguyên vật liệu). Chuẩn bị cho khả năng phục hồi các ngành, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ quan trọng, xây dựng phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng.../.
Bình luận