Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề

Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các khu vực trong Tỉnh từ đêm 2/8 và sáng 3/8 đã có mưa to kèm theo gió lốc. Huyện Na Rì là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với 275 ngôi nhà bị tốc mái; 7 nhà họp thôn bị hư hỏng; 6 phòng học, 1 nhà để xe, 1 phân trường bị tốc mái; 3 cột điện bị nghiêng đổ. Ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, vào chiều tối và đêm 2/8 đã xảy ra trận gió lốc kèm theo mưa đá gây thiệt hại nặng tại các xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang, Mường Giôn, Nậm Ét. Gió lốc mưa đá còn làm tốc mái 24 ngôi nhà, đánh chìm 13 tàu thuyền, 2 nhà nổi, 43 lồng cá, 34.400 m2 trồng ngô; thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng.

Ở huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Huyện, tính đến 16h ngày 3/8, toàn Huyện đã có 144 nhà bị tốc mái và hư hại; hơn 10 ha thông và cây keo bị gió giật gãy đổ; một nhà văn hóa thôn, 1 phân trường tiểu học bị tốc mái và sạt taluy đường xuống mương hồ Khun Cát với khối lượng 50m3.

Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc các huyện Sa Pa, Bát Xát, tỉnh Lào Cai, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, đêm ngày 04, sáng ngày 05/08/2016 xảy ra mưa, lũ lớn, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà cửa và kết cấu hạ tầng. Theo báo cáo sơ bộ của Chủ tịch UBND Tỉnh, lũ quét, sạt lở đất đã làm chết, mất tích 10 người, hiện nay một số người còn đang bị vùi lấp.

Có thể thấy, Cơn bão số 1 vừa đi qua chưa lâu với những thiệt hại nặng nề về người và của, thì cơn bão số 2 tiếp tục khiến người dân nhiều địa phương lao đao không kém.

Lũ quét, sạt lở đất ở Lào Cai đã khiến 10 người chết và mất tích

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa bão

Trước những thiệt hại nặng nề về người và của khi cơn bão số 2 đi qua nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi, chia sẻ đối với đồng bào và chính quyền địa phương, chia buồn sâu sắc đến thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.

Để khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống và chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp, đặc biệt là nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn người dân mất tích trong mưa bão ở tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lào Cai huy động mọi lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm, cứu nạn những người còn đang mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa, cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng.

Đồng thời, Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo Quân khu 2 và các lực lượng đóng chân trên địa bàn triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn đối với những người còn mất tích và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai theo đề nghị của địa phương.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho từng bộ phải tích cực, tập trung trợ giúp người dân sau mưa bão.

Theo đó, Bộ Y tế chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở tập trung cứu chữa miễn phí đối với những người bị thương, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, kịp thời khắc phục các điểm bị sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là trên các trục giao thông chính. Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục các sự cố điện, thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.

Ngoài ra, UBND các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục rà soát, chủ động di dời các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó cụ thể, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời chủ động triển khai phương án khắc phục khi xảy ra sự cố do mưa lũ.

Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng tần suất, thời lượng phát sóng, cung cấp đầy đủ, kịp thời cho người dân nắm được thông tin về thiên tai, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp đối phó với mưa lũ./.