Tháng 10/2022, Hoa Kỳ sẽ ra kết luận điều tra chống bán phá giá gỗ dán cứng của Việt Nam
Mới đây, Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam.
Theo đó, DOC dự kiến ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 17 tháng 10 năm 2022 thay vì ngày 20 tháng 4 năm 2022 như thông báo trước đây. Đây là lần gia hạn thứ ba của DOC đối với nội dung này.
Việt Nam đang là đối tác cung ứng lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ |
Vụ việc được DOC khởi xướng điều tra vào ngày 17 tháng 6 năm 2020 trên cơ sở đề nghị của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) với 02 nội dung, cụ thể:
(1) Điều tra về phạm vi sản phẩm (scope inquiry): Để xác định gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có thuộc phạm vi sản phẩm bị áp thuế hay không, DOC sẽ xem xét 5 yếu tố trong quá trình sản xuất gỗ dán cứng của các nhà xuất khẩu, bao gồm: (i) mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; (ii) mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) quá trình sản xuất tại Việt Nam; (iv) quy mô của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam; và (v) phần giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở Việt Nam.
(2) Điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (anticircumvention): Mục tiêu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam chứng minh được mình không lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc sẽ không bị áp dụng thuế chống lẩn tránh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã phối hợp trả lời các bản câu hỏi do DOC đưa ra để xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời cũng có các hình thức trao đổi, đối thoại để phía Hoa Kỳ hiểu rõ về ngành sản xuất, chế biến gỗ của Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng đã hợp tác với DOC để chứng minh hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình không nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Để đảm bảo lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ dán cứng sang Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp:
- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc, thường xuyên cập nhật thông tin từ DOC, Cục Phòng vệ thương mại và đối tác nhập khẩu tại Hoa Kỳ;
- Hợp tác đầy đủ với DOC trong quá trình điều tra;
- Liên hệ với Cục PVTM để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp với các bên liên quan làm việc với các cơ quan của Hoa Kỳ nhằm đảm bảo vụ việc được điều tra một cách khách quan, công bằng với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, thị trường Mỹ còn nhiều dư địa cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất Việt Nam. Dù gặp nhiều trở ngại do dịch COVID-19 và tình trạng ách tắc trong chuỗi logistics, song thị trường Hoa Kỳ vẫn còn nhiều dư địa dành cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất Việt Nam trong thời gian tới.
Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới và đang phục hồi rất nhanh sau thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 năm 2020. Đối với ngành đồ gỗ nội thất, trong 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ đã nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 7,2 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đang là đối tác cung ứng lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, một điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ là, sản phẩm đồ gỗ từ Trung Quốc đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tiếp tục bị đánh thuế nhập khẩu sẽ đẩy một số đơn hàng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam./.
Bình luận