Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
“Nút thắt” về vốn
Có thể thấy, vốn là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp khởi nghiệp, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới.
“Tinh thần khởi nghiệp không dễ dàng bắt đầu ở bất cứ nơi đâu trên thế giới. Hầu hết doanh nghiệp rất khó để tiếp cận đồng vốn và không phải lúc nào bạn cũng có những cố vấn, hay một hệ thống kết nối ở bên cạnh, để giúp đỡ và hướng dẫn bạn không lạc bước” – là điều mà Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã nhận định tại buổi đối thoại với cộng đồng doanh nhân trẻ khởi nghiệp vào chuyến công du tới Việt Nam ngày 24/05/2016.
Tuy nhiên, với những đặc thù cố hữu của thị trường vốn Việt Nam, thì dường như tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khó khăn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nước khác, trong khi vốn được ví như “mạch máu” quyết định sự thành bại của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dẫn chứng khó khăn về vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, trên báo Đại Đoàn kết, ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc điều hành, Tập đoàn IDG Đông Nam Á khẳng định, ở Việt Nam 60% vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp phải tự thân vận động. Kết quả 70% doanh nghiệp thất bại trong năm đầu, 90% thất bại trong năm thứ 2.
“Không riêng doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn mà bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp song trong giai đoạn 2011–2015 tỷ lệ dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ khoảng 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế”, ông Tâm chia sẻ.
“Gỡ” như thế nào?
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2010, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” ngày 07/06/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam cần phải có quỹ của Chính phủ đầu tư cho doanh nghiệp ở giai đoạn đầu. Quỹ đầu tư Chính phủ không chỉ có ở Trung ương mà cả địa phương.
“Thể chế cho quỹ như thế nào, hoạt động ra làm sao thì cũng cần xác định rõ, tránh hiện tượng thành lập quỹ đầu tư có tính chất phong trào, không hiệu quả. Quỹ đầu tư của Chính phủ nhưng phải hoạt động trên nguyên tắc thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ hết lòng đồng hành với các doanh nghiệp. Chính phủ coi mình là một “nhà ươm mầm” và có vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp của các doanh nghiệp.
“Chính phủ đang chỉ đạo sát sao để đưa khởi nghiệp thành hoạt động thực chất, thành phong trào không chỉ có ở một địa phương mà là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia để phấn dấu trở thành quốc gia khởi nghiệp”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Vốn là vấn đề muôn thuở của các doanh nghiệp khởi nghiệp
Phó Thủ tướng yêu cầu trong 2-3 năm phải có sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt dành cho khởi nghiệp để huy động vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có thể tiên phong thực hiện, áp dụng thí điểm trước các loại quỹ kể cả Quỹ đầu tư của Chính phủ. TP. Hồ Chí Minh được thử nghiệm, xây dựng thể chế thu hút quỹ đầu tư của tư nhân, tạo lập giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho hoạt động đầu tư…
“Khởi nghiệp đi liền với đổi mới và sáng tạo, đi liền với nghiên cứu và phát triển. Muốn khởi nghiệp không chỉ có khát vọng là đủ, không chỉ có dũng cảm là được mà còn phải có đổi mới và sáng tạo, có sự tham gia đầu tư của các quỹ và các nhà đầu tư, đồng thời phải có điều kiện, thể chế để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng trả lời với báo chí xung quanh phương án xây dựng sàn chứng khoán chuyên biệt dành cho khởi nghiệp, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, cách đây 20 năm chỉ có những doanh nghiệp đạt được mức tiêu chuẩn rất cao mới được niêm yết, song triết lý đó đã thay đổi. Bây giờ thị trường chứng khoán không chỉ là “sân chơi riêng” của các doanh nghiệp tiêu chuẩn cao nữa mà còn là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Những doanh nghiệp này rất khó khăn trong việc vay ngân hàng, do vậy, cần phải tạo điều kiện cho họ huy động được vốn trên thị trường chứng khoán”, ông Nguyễn Thành Long lý giải.
Tuy nhiên, ông Long cho biết, với việc “cởi trói”, hạ tiêu chuẩn, tháo bỏ các rào cản phát hành, đồng nghĩa với hình thành một mảng thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được những yêu cầu thấp hơn, thì thực tế cũng đòi hỏi Nhà nước phải quản lý được thị trường đó./.
Tham khảo từ:
Thanh Giang (2016). Khởi nghiệp đang cần vốn, truy cập từ http://m.daidoanket.vn/kinh-te/khoi-nghiep-dang-can-von/104957
Bích Diệp (2016). Doanh nghiệp khởi nghiệp đang có cơ hội lên sàn, truy cập từ http://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-khoi-nghiep-co-co-hoi-len-san-20160608065953916.htm
Bình luận