Thấy gì trong “bóng đen” của một số dự án đầu tư khủng - nghìn tỷ
Kể từ khi bắt đầu triển khai tái cơ cấu đầu tư công vào năm 2011, hàng loạt các văn bản chính sách được Chính phủ xây dựng và ban hành. Trong đó, Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ nhằm khắc phục tình trạng phê duyệt đầu tư vượt quá khả năng cân đối nguồn vốn, quyết định đầu tư một cách dàn trải, phân tán, tùy tiện như trước, góp phần chống thất thoát, lãng phí, phân tán nguồn lực và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công. Kết quả là hoạt động đầu tư công đã được cải thiện.
Một chỉ số quan trọng cho thấy sự tiến triển rõ rệt trong đầu tư công là ICOR. Từ nước có ICOR vào loại cao nhất thế giới, thời gian qua, ICOR của Việt Nam đã giảm đáng kể, cho thấy việc sử dụng nguồn lực đầu tư ngày càng hiệu quả.
Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM),từ năm 2012 đến nay, ICOR cả nước hàng quý đã giảm dần (nghĩa là hiệu quả đầu tư được cải thiện hơn). Quý IV/2014, ICOR chỉ khoảng 4,5 so với mức 12 của quý IV/2011. Chỉ số ICOR qua các năm cũng được cải thiện rõ ràng. Năm 2012 chỉ số ICOR là 5,9; năm 2013 là 5,6; năm 2014 là 5,18. ICOR giảm cho thấy hiệu quả đầu tư của nền kinh tế đã có những dấu hiệu được cải thiện (Quốc Huy, 2016).
Trong lúc nhiều dự án đầu tư đang được gấp rút hoàn thành và hoàn thành để đi vào sử dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế, các địa phương, các ngành đang quyết liệt tái cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả đầu tư, thì gần đây, dư luận bức xúc với những dự án khủng với "điệp khúc": Dàn trải, Chậm tiến độ, Đội vốn, Kém hiệu quả. Thậm chí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để rồi… " đắp chiếu". Có thể điểm qua các dự án nghìn tỷ đang tạo ra những bóng đen trên bức tranh đầu tư chung của cả nước, như :
- Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng được khởi công từ tháng 6/2009, nhà máy có diện tích hơn 50 ha này được khởi công và dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2012. Thế nhưng khi đã xong khoảng 80% khối lượng công việc, từ cuối năm 2011 đến nay dự án dừng thi công, toàn bộ hệ thống nhà xưởng đang từng ngày lâm cảnh hoang tàn. Thiếu vốn được cho là một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến dự án này chẳng thể hoàn thành việc xây dựng.
- Nhà máy bio ethanol Dung Quất, tổng mức đầu tư 80 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng), công suất 100.000 m3/năm, khởi công xây dựng tháng 9/2009. Ngày 03/02/2012, nhà máy chính thức cho ra sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, chưa đầy 3 năm sau, nhà máy buộc phải đóng cửa. Nguyên nhân là sản phẩm giá thành cao hơn thế giới lại đúng thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng E5 không thể cạnh tranh với các loại xăng khác khiến đầu ra bế tắc, buộc nhà máy phải ngừng hoạt động.
- Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ Hải Phòng với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá trị lên tới 1,6 tỷ USD/năm để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Nhưng ngay từ khi chạy thử rồi vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng và đã dừng sản xuất từ tháng 9/2015.
Nhà máy đạm Ninh Bình đã ngừng sản xuất do làm ăn thua lỗ
- Nhà máy đạm Ninh Bình có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, khởi công xây dựng từ năm 2008 và hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2012 đặt tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng lỗ thâm niên. Năm 2012, lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng; năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
- Dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 vốn đầu tư gần 4.000 tỷ, sau hai lần dang dở đã tăng lên hơn 8.000 tỷ nhưng không thể hoàn thành. Để tái khởi động dự án, chủ đầu tư đề xuất cho điều chỉnh tổng mức đầu tư và xin hưởng thêm một số chính sách ưu đãi… Sau đó, Bộ Công Thương có văn bản đề nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế nhà thầu, khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay trong thời gian dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên dừng thi công từ tháng 7/2012 đến hết tháng 3/2016 với số tiền ước tính khoảng 386 tỷ đồng… nhằm tạo điều kiện cho dự án này sớm tái hoạt động sau khoảng bốn năm “đắp chiếu”. Tuy nhiên, nhận thấy những kiến nghị này không khả thi, Bộ Tài chính đã từ chối những đề nghị trên.
Danh sách còn có thể kéo dài thêm nữa khi nói về các dự án chậm tiến độ, xin điều chỉnh, tăng vốn đầu tư…
Trước tình hình đầu tư công kém hiệu quả vừa dẫn đến các bất ổn vĩ mô, vừa làm giảm năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế trong ngắn và dài hạn. Với quyết tâm nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên để xác định chính xác tổng mức đầu tư cần thiết, bảo đảm đầu tư dự án tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Tài liệu tham khảo
1. Kim Dung (2016). Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng ở Dung Quất đóng cửa, truy cập từ http://vtv.vn/kinh-te/nha-may-gan-1900-ty-dong-o-dung-quat-dong-cua-do-thua-lo-20160331111711711.htm
2. Thu Anh (2016). "Trùm mền" những dự án ethanol ngàn tỉ, truy cập từ, http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160405/trum-men-nhung-du-an-ethanol-ngan-ti/1079212.html
3. Hà Duy, 2016, Nhà máy 2.400 tỷ ở Phú Thọ ‘chết yểu’, truy cập từ, http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/303804/nha-may-2-400-ty-o-phu-tho-chet-yeu.html
4. Quốc Huy (2016). Bước đột phá trong tái cơ cấu đầu tư công, truy cập từ http://baodauthau.vn/dau-tu/buoc-dot-pha-trong-tai-co-cau-dau-tu-cong-17656.html
Bình luận