Trả lời phóng viên báo chí, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong phiên họp Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình 2 vấn đề:

Một là thời gian thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Chính phủ kết luận sẽ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51 ban hành ngày 21/11/2017. Theo lộ trình này, Nghị quyết ghi rõ, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất là vào năm 2020-2021 với lớp đầu tiên của cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu tiên của cấp THCS; năm 2022-2023 với lớp đầu tiên của cấp THPT. Chỉ đạo của Chính phủ rất rõ là Bộ thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết 51.

Hai là, liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chính phủ cũng đã kết luận yêu cầu Bộ khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn đọng của Kỳ thi năm học 2017-2018, thực hiện tốt kỳ thi này theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

Bộ đã trình theo tinh thần kỳ thi phải bảo đảm giảm những áp lực, khó khăn và cũng bảo đảm đánh giá đúng độ tin cậy cũng như chất lượng năm học của học sinh. Phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh và đánh giá năng lực học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông và có độ phân hóa phù hợp để có thể là cơ sở xét tuyển đại học.

“Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong cuộc họp Quốc hội cũng đã đưa ra 3 nhóm giải pháp để khắc phục: (1) Làm tốt ngân hàng đề sao cho đề thi phù hợp, có sự phù hợp vừa đánh giá được tốt nghiệp, đại học; (2) Bảo đảm tính bảo mật để học sinh có một kỳ thi tốt hơn; (3) Chấm thi bảo đảm an toàn sao cho giáo viên chấm thi, nhất là trắc nghiệm, không phải giáo viên của tỉnh mình trực tiếp chấm thi học sinh của mình.

Về hai vấn đề lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm, về đổi mới kỳ thi THPT quốc gia, trách nhiệm và thẩm quyền thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo song phải thực hiện đúng Nghị quyết số 29 của Trung ương ban hành ngày 4/11/2013, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Riêng vấn đề sách giáo khoa, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 51 của Quốc hội. Trong Nghị quyết ghi rõ lộ trình năm 2020-2021 bắt đầu thực hiện đổi sách giáo khoa tiểu học, chậm nhất là năm 2021 với lớp đầu cấp tiểu học; năm 2021-2022 với lớp đầu của THCS; năm 2022-2023 lớp đầu của THPT.

“Tinh thần Thủ tướng kết luận là yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội, còn việc tổ chức như thế nào thì thực hiện theo đúng yêu cầu của Thủ tướng. Thủ tướng không kết luận phải làm trước hay làm sau, mà yêu cầu thực hiện đúng như vậy, tránh đùn đẩy đưa ra trình Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói./.