Thị trường mua bán, sáp nhập ở Việt Nam năm 2017 có lập kỷ lục mới?
Đây là một trong những thông tin được đưa ra thảo luận tại buổi họp báo Diễn đàn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2017) được tổ chức vào sáng 20/07 tại Hà Nội.
Không dễ để lập kỷ lục mới
Theo Báo cáo thị trường M&A Việt Nam 2016-2017, trong năm 2016 giá trị các thương vụ M&A đạt 5,8 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2015 với 5,2 tỷ USD. Như vậy, hoạt động M&A trong năm 2016 đã ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 11,92% khi đạt con số kỷ lục trên.
Điểm sáng của hoạt động M&A Việt Nam năm 2016 đến từ các thương vụ lớn trong ngành bán lẻ, như: thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C và Metro, các thương vụ thoái vốn nhà nước mà điển hình là SCIC thoái tiếp vốn nhà nước tại Vinamilk cho F&N.
Tuy nhiên, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bắt đầu có những dấu hiệu chững lại khi ít các thương vụ lớn, có chất lượng được công bố. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam trong quý 1/2017 mới đạt 1,1 tỷ USD, tương đương với 75,6% mức bình quân quý của năm 2016.
Đánh giá về các hoạt động M&A trong những năm gần đây, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, cho rằng: hoạt động M&A nổi lên như một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Hoạt động M&A cũng góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều DN Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2018 thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ hai với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế... là động lực quan trọng của làn sóng này.
Quang cảnh buổi họp báo vào sáng 20/07 tại Hà Nội
Tuy nhiên, ông Minh nhấn mạnh, hiện tại, hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và Chính phủ để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ.
Cùng quan điểm này, Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM thông tin thêm, trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư ngoại đang chiếm đa số trong danh sách các thương vụ có giá trị lớn. Tổng số M&A của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 77% tổng giá trị M&A toàn thị trường. Hai thương vụ lớn nhất là F&N mua cổ phần Vinamilk và SCG mua lại nhà máy xi măng Holcim đều có giá trị 500 triệu USD. Trong năm 2017-2018, các thương vụ M&A tiếp tục sẽ tập trung vào lĩnh bán lẻ và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Hai kịch bản cho thị trường M&A
Tại buổi họp báo, nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A 2017 đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường M&A 2017. Cụ thể, đối với kịch bản thận trọng, giá trị M&A tại Việt Nam dự báo sẽ đạt 5 tỷ USD (tương đương với mức suy giảm 14% so với năm 2016).
Nhìn vào kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt nam duy trì ở mức trên 5 tỷ USD liên tục trong 3 năm 2015–2017. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại để chờ đợi những thương vụ mới xuất hiện, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp.
Còn kịch bản thứ 2 là trong trường hợp có sự đột biến ở những thương vụ lớn từ thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thì giá trị M&A năm 2017 hoàn toàn có thể đạt mốc 6,2-6,5 tỷ USD hoặc cao hơn (tương đương tăng trưởng thị trường 6,5-10%).
Diễn đàn thường niên mua bán, sáp nhập doanh nghiệp năm 2017 (M&A Việt Nam 2017) được Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào thứ Năm, ngày 10/8/2017 tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM). Đây là sự kiện thường niên có quy mô lớn thu hút sự quan tâm của các cơ quan Chính phủ, đông đảo các chuyên gia hàng đầu và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A 2017 với chủ đề "Tìm bước đột phá - Seeking a big push", Báo Đầu tư sẽ xuất bản Đặc san “Toàn cảnh thị trường Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2017 - Vietnam M&A Outlook 2017”. Đặc san được xuất bản bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, phát hành rộng rãi qua các kênh phát hành của Báo Đầu tư ở trong nước và nước ngoài và là tài liệu chính thức của Diễn đàn M&A Việt Nam 2017. |
Thực tế, trong 2017–2018, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng được kỳ vọng sẽ xuất hiện những thương vụ lớn, đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt nam trong giai đoạn tới.
Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhận diện thách thức của M&A Việt Nam trong thời gian tới
Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn. Nhưng để bùng nổ thật sự, thị trường đang cần những bước đột phá lớn.
Ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, sắp tới M&A sẽ vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó lĩnh vực bất động sản, bán lẻ sẽ là lĩnh vực chủ đạo. Các quỹ đầu tư, nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến tiến trình thoái vốn tại Sabeco, Habeco…, nhưng làm thế nào để các công ty trở thành mục tiêu hấp dẫn, nhiều tiềm năng và đạt chuẩn để hoàn thành các thương vụ mới là vấn đề trọng yếu hiện nay.
Bởi lẽ, thời gian qua một thực tế tồn tại ở Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp, dự án muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên không thực hiện được do còn một số hạn chế. Cụ thể, chất lượng của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn, còn tiềm năng phát triển.
Vốn điều lệ của đa số các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới ở mức 50 - 80 tỷ đồng, tương đương 2-4 triệu USD, vốn hóa khoảng 5-10 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn và có sức cạnh tranh yếu, mô hình kinh doanh thiếu bền vững, cũng không phải là đối tượng được quan tâm của các nhà đầu tư.
Thêm vào đó, một nguyên nhân khác là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch. Đây là vấn đề lớn nhất ảnh hưởng đến thu hút vốn ngoại. Một thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hình thức kế toán hai sổ, khiến cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính.
Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng (bên bán, chuyển nhượng) cũng không phải dễ dàng, thậm chí khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài, một phần do tính thiếu minh bạch trong thực tiễn quản trị, một phần do tính nhạy cảm của tiết lộ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài trước khi thương vụ được thực hiện.
Chưa kể, yếu tố văn hóa gây trở ngại cho các giao dịch M&A. Sự khó khăn trong việc hòa nhập văn hóa là vấn đề lớn quyết định đến thương vụ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với việc có cổ đông ngoại hoặc có thêm sự quản lý bởi người nước ngoài.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Cố vấn cao cấp của Diễn đàn cho biết, có những yếu tố rất quan trọng cần khơi thông để tạo đột phá cho M&A Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất là về cơ chế chính sách, vẫn còn những trở ngại nhất định trong thực hiện chủ trương nới rum tín dụng, giải quyết các món tài sản bảo đảm mà hiện nay đang thế chấp tại ngân hàng liên quan đến nợ xấu. Vẫn còn những rào cản trong sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án tại Việt Nam do thiếu sự minh bạch về thông tin, rào cản về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, diễn đàn được tổ chức vào ngày 10/08 tại TP. Hồ Chí Minh tới đây sẽ có lời giải, đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy được quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt phải tìm kiếm được các đối tác chiến lược một cách thực thụ.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, có khá nhiều lý do thúc đẩy hoạt động M&A trong môi trường hiện nay, từ thôn tính đối thủ, mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, đa dạng hóa ngành nghề khác nhau….Tuy nhiên, tựu chung của việc M&A là tìm kiếm giá trị cộng hưởng về vốn, về quản trị doanh nghiệp, về bộ máy nhân sự, mạng lưới phân phối.
Với mục tiêu như vậy, trong vài năm trở lại đây, nhất là khi tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, hoạt động M&A liên tục tăng trưởng và mở rộng. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, giá trị thương vụ M&A từ các nhà đầu tư ngoại thực sự chưa tương xứng với kỳ vọng của doanh nghiệp nội.
Điều này phần nào phản ánh bức tranh của thị trường, cho thấy các hoạt động "mua bán và sáp nhập" của các nhà đầu tư ngoại với doanh nghiệp nội còn nhiều vướng mắc. Trong đó, theo ông Hiếu, từ sự chênh lệch khá lớn về tầm nhìn, năng lực quản trị, năng lực tài chính…, đến những vướng mắc về thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nội và đặc biệt là tiến trình cổ phần hóa vẫn đang được đánh giá khá chậm chạp./.
Bình luận