Đây là quy định của Bộ Tài chính tại dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Dự thảo nêu rõ, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản, 1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp chủ xe cơ giới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

Về thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường, dự thảo quy định: Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp./.