Thống đốc làm rõ 3 vấn đề dư luận quan tâm về ngành Ngân hàng
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng |
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững ngày 30/7/2022, Thống đốc cho biết, tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam là 124% (theo GDP mới), tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Do đó, nếu nới room tín dụng thì có thể nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại. Tại cuộc thảo luận này, Thống đốc đã chia sẻ thông tin về một số nội dung, ý kiến dư luận quan tâm liên quan đến ngành Ngân hàng.
Thứ nhất, về lãi suất, lãi suất trên thế giới đang tăng rất mạnh, có 196 lượt tăng lãi suất của NHTW các nước trên thế giới. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất của Việt Nam tương đối ổn định, chỉ tăng 0,2% so với đầu năm. Thời gian vừa qua, lãi suất đang chịu áp lực tăng. Tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ.
Thống đốc cho biết, vừa qua, NHNN phải điều tiết lãi suất ngắn hạn cũng như là tiền tệ phù hợp, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Thời gian tới, NHNN sẽ theo sát diễn biến để kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn với liều lượng hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đây là điểm tạo niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam được củng cố trong thời gian vừa qua. NHNN điều tiết hợp lý, sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới, khi thị trường cải thiện, NHNN sẽ điều tiết và có thể tiếp tục mua.
Thứ hai, về vấn đề tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là vấn đề nới room tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 15, 16%. Thống đốc cho biết, năm 2022, khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, lúc đó là thời điểm nền kinh tế chưa phục hồi nhanh, NHNN đã đưa chỉ tiêu 14%, cao hơn 13,6% năm 2021 và 12,17% của năm 2020, như vậy đã là để tạo dư địa để thúc đẩy phục hồi. Đến nay, diễn biến rất khác, nền kinh tế nước ta đã phục hồi khá mạnh mẽ, riêng tăng trưởng quý 2 tăng 7,72%, tính chung 6 tháng tăng là 6,42%. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các gói phục hồi, cũng như đẩy mạnh đầu tư công. Như vậy, tới đây sẽ có dòng tiền ra để hỗ trợ kinh tế. NHNN cho rằng với điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lạm phát này thì không thể chủ quan được, nên trước mắt, NHNN vẫn điều hành theo chỉ tiêu 14%.
Ngoài ra, Thống đốc cũng thông tin thêm, tỉ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam theo đánh giá của WB là cao nhất thế giới, 124% (theo GDP mới), tỉ lệ tín dụng trên huy động vốn đã là 99%, nghĩa là huy động 100 đồng đã cho vay 99 đồng. Do đó, nếu nới room tín dụng thì có thể nguy cơ cuộc đua lãi suất sẽ quay trở lại.
Thứ ba, thị trường bất động sản đang gặp phải vấn đề ách tắc dòng tiền. Quan điểm của NHNN là nguồn vốn cho thị trường bất động sản có rất nhiều kênh khác nhau, từ nguồn FDI, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…, tín dụng chỉ là một kênh huy động vốn. Hơn nữa, bản chất của thị trường bất động sản là vay trung dài hạn, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn là chủ yếu, chiếm đến 80%. Cho nên nếu giải quyết ách tắc dòng tiền của bất động sản bằng việc nới room tín dụng thì chỉ được trước mắt, về dài hạn là rủi ro cho ngân hàng.
Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chuyên đề về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế |
Thống đốc nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là ở bối cảnh diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay là việc điều hành chính sách tiền tệ, vĩ mô, bao gồm tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, chính sách quản lý giá… đều phải đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu chung vì an toàn quốc gia. NHNN sẽ tiếp tục cố gắng phối hợp các bộ, ngành để thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Bình luận