ThS. Hà Thị Phương Mai

Học viện Tài chính

Tóm tắt

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp công nghệ cao là quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp có áp dụng những tiến bộ và thành tựu khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất và chất lượng cao hơn các phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Bài viết tập trung làm rõ: (i) Vai trò của thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao; (ii) Thực trạng thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam và (iii) Kiến nghị chính sách.

Từ khóa: thu hút FDI, nông nghiệp công nghệ cao, FDI nông nghiệp

Summary

Attracting foreign direct investment (FDI) in high-tech agriculture is the process of attracting FDI into the agricultural sector that applies scientific and technological advances and achievements in agricultural production to create agricultural products that have higher productivity and quality than traditional agricultural production methods. However, in Vietnam, FDI capital invested in high-tech agriculture accounts for a very low proportion of the total FDI capital invested in agriculture and other fields. The article focuses on clarifying: (i) The role of attracting FDI in developing high-tech agriculture; (ii) The current status of attracting FDI into high-tech agricultural development in Vietnam and (iii) Policy recommendations.

Keywords: attracting FDI, high-tech agriculture, agricultural FDI

MỞ ĐẦU

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao trở thành xu hướng tất yếu, là tương lai của ngành nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp công nghệ cao có thể được hiểu là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn; quy trình trồng trọt, chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ; xây dựng các mô hình nông nghiệp kiểu mới; ứng dụng công nghệ mới; tối ưu hóa nhân lực, giảm rủi ro thiên tai và phát triển các nguồn năng lượng mới, phân bón hữu cơ. Để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc thu hút FDI vào lĩnh vực này được các quốc gia, trong đó có Việt Nam chú trọng.

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn vốn này vào FDI nông nghiệp công nghệ cao cũng không hề dễ dàng tại Việt Nam. Bối cảnh này đòi hỏi cần có những giải pháp để khơi thông “điểm nghẽn”.

VAI TRÒ CỦA THU HÚT FDI VÀO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao là quá trình thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp có áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao (như: công nghệ sinh học, giống cây con, vật nuôi…).

Thu hút FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của ngành nông nghiệp

Doanh nghiệp FDI có tiềm lực vốn lớn, công nghệ cao, kỹ năng quản lý tốt, khi đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần cải tiến các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại, góp phần tăng quy mô, tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp công nghệ cao trong GDP của ngành, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, thay đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị …

Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh, tích hợp đa giá trị trên cùng một đơn vị diện tích

Thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI sẽ góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn các nguồn lực đầu vào - những nguồn lực đang ngày càng khan hiếm hơn (như: nước, tài nguyên đất, vốn đầu tư). Trên thế tế, một số tập đoàn nước ngoài như Nestle đã đánh giá: ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã góp phần giảm tiêu hao 40% lượng nước tưới, 20% thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo tăng năng suất cây trồng, giúp người nông dân tăng thu nhập từ 30%-100%. Đồng thời, công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cũng góp phần phát hiện những nguồn tài nguyên mới, năng lượng mới có khả năng tái tạo nhằm bổ sung sự thiếu hụt của các tài nguyên đất, tài nguyên nước.

Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần bổ sung sự thiếu hụt nguồn lực vốn đầu tư vào nông nghiệp ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam

Đồng thời, thông qua việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mới, thúc đẩy các quốc gia chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống gây ô nhiễm môi trường cao sang nền nông nghiệp phát triển dựa trên công nghệ. Từ đó, góp phần hiện đại hóa quá trình sản xuất, hạn chế tiêu tốn tài nguyên nước, đất, giảm ô nhiễm môi trường.

Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu về lương thực ngày càng cao, hạn chế đói nghèo.

Nếu vẫn áp dụng phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, mùa vụ có nguy cơ mất trắng rất cao do các tác động của ngoại cảnh dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lương thực. Một trong những biện pháp hiệu quả để cấu trúc lại ngành nông nghiệp cũng như giải quyết vấn đề an ninh lương thực đó chính là hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua hoạt động thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao, nền nông nghiệp trong nước sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn với chất lượng cao hơn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm ngày càng cao của con người. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện dân số tăng nhanh (dân số thế giới đạt ngưỡng 8 tỷ dân vào năm 2024, nhu cầu đảm bảo an ninh lương thực trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong khi đất đai bị hoang hóa do hạn hán, biến đổi khí hậu gây mất đất canh tác, khả năng cung ứng lương thực giảm trong khi nhu cầu lại tăng nhanh).

Thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần khai thác tốt hơn các lợi thế của ngành nông nghiệp, tạo việc làm, góp phần thực hiện các chính sách an sinh xã hội và ổn định xã hội, đồng thời tạo áp lực để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Các doanh nghiệp FDI vào các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thường sử dụng lao động địa phương, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo ngắn để nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo áp lực để đầu tư phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

THỰC TRẠNG THU HÚT FDI VÀO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO Ở VIỆT NAM

Từ chủ trương “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương”[1], Việt Nam tích cực thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Dự thảo Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút vốn FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030, Việt Nam cũng nhấn mạnh sẽ ưu tiên thu hút FDI vào ngành nông nghiệp công nghệ cao. Định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới.

Trong những năm qua, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI nhờ các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thóang cho các thành phần kinh tế hoạt động và cạnh tranh bình đẳng. Quy mô FDI vào Việt Nam không ngừng tăng lên, năm sau nhiều hơn năm trước, cơ cấu FDI thay đổi theo hướng những dòng vốn có chất lượng đã chuyển dịch sang những ngành kinh tế có năng suất lao động cao, sử dụng nguồn năng lượng có khả năng tái tạo, giảm phát thải ra môi trường, ngành kinh tế xanh.

Số lượng và quy mô dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng thấp (chỉ chiếm khoảng 18%) trong tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác.

Cơ cấu đầu tư FDI vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Phân theo đối tác đầu tư: Trong các đối tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, Nhật Bản là nước có mức đầu tư cao nhất, đứng thứ hai là Hàn Quốc. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nhật Bản có khoảng 21 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam.

Phân theo lĩnh vực đầu tư: Các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam chủ yếu tập trung ở một số lĩnh vực cơ bản như: trồng rau, trồng hoa và chế biến nông sản, chăn nuôi. Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm tháng 4/2024, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực chăn nuôi tại Việt Nam lên tới 2,2 tỷ USD, với 81 dự án tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: thức ăn, chăn nuôi heo, gà, bò, chế biến thịt...

Phân theo trình độ phát triển địa phương: Phần lớn các dự án FDI về nông nghiệp công nghệ cao đều tập trung ở những địa phương có lợi thế về cơ sở hạ tầng, nguồn lực, các loại nông sản, điều kiện tự nhiên thuận lợi và có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào lĩnh vực này.

Tác động của thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Một là, bổ sung nguồn vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

FDI đã góp phần quan trọng vào bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tiếp nhận kỹ thuật tiên tiến và kinh nghiệm cho phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách dành cho nông nghiệp ngày càng hạn chế. khu vực FDI ngành nông nghiệp cũng đã góp phần tích cực trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Hai là, tạo việc làm cho người dân. Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2021 của Tổng cục Thống kê, khu vực FDI ngành nông nghiệp đã tạo việc làm cho 65.547 lao động.

Ba là, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc hình thành các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, thu hút FDI vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản, hải sản và thực phẩm đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Việc hình thành các khu công nghiệp mới không chỉ tạo điều kiện thu hút lực lượng lao động ở nông thôn, mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.

Bốn là, thu hút FDI vào nông nghiệp công nghệ cao góp phần nâng cao vị thế của hàng hóa nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (Giá trị nông - lâm - thủy sản xuất siêu tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao, đạt 5,14 tỷ USD nhờ đóng góp của tất cả các nhóm hàng đều tăng: lâm sản 1,49 tỷ USD, tăng 72,5%; thủy sản 730 triệu USD, tăng 60,8%; nông sản 2,71 tỷ USD, tăng 93,8%; chăn nuôi 36 triệu USD, tăng 3,5%; đầu vào sản xuất 177 triệu USD, tăng 49,2%)[2]. Doanh nghiệp FDI chủ yếu hướng vào thị trường xuất khẩu, vì thế, thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa nông sản, từ đó nâng cao vị thế của nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Khoa học - công nghệ được ứng dụng vào nông nghiệp từ FDI và các khu vực kinh tế khác đã đóng góp trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua.

Tuy nhiên, mặc dù là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng dòng vốn FDI vào ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành. So với các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp nước ta chiếm tỷ trọng rất thấp và không ổn định. Bên cạnh đó, chất lượng các dự án FDI trong nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ... Số lượng dự án đăng ký so với nhu cầu còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Cơ cấu vốn FDI hiện chưa phù hợp theo định hướng phát triển các lĩnh vực trong nông nghiệp, đầu tư FDI tập trung nhiều vào các lĩnh vực chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, chăn nuôi, thu mua và xuất khẩu cà phê, hồ tiêu... Trong khi đó, các lĩnh vực trồng lúa và xuất khẩu gạo, chế biến thủy sản, chế biến nông sản, thực phẩm... vẫn rất ít doanh nghiệp FDI[3].

Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về số dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.

KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Với mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt ra đến năm 2030, vốn FDI đăng ký trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 25 tỷ USD. Trong đó, tập trung vào các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; các ngành hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh…[4], thời gian tới, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ các giải pháp để tăng cường mở rộng quy mô, số lượng các dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao

Vì nông nghiệp là ngành đầu tư rủi ro cao, có tỷ suất lợi nhuận thấp do chịu ảnh hưởng nhiều của tự nhiên, thời tiết, do đó không khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Do vậy, để đẩy mạnh thu hút FDI vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, trước hết cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi rót vốn vào ngành này, đồng thời thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, cần xem xét các chính sách hướng đến cho tích tụ đất đai, cũng như chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp. Riêng về ưu đãi đầu tư, cần có chính sách ưu đãi thuế, có cơ chế hỗ trợ đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, như: miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, khu nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, ưu tiên các nguồn lực đầu tư công, hoặc hợp tác công tư để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, có như vậy mới có thể thu hút được FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông thôn là giải pháp quan trọng để thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bởi sẽ góp phần giảm bớt chi phí logistic và các chi phí khác trong tiếp cận đầu vào và mở rộng thị trường đầu ra. Điều này sẽ tạo nên lợi thế so sánh để thu hút FDI vào phát triển nông nghiệp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Để có thể thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động đào tạo, dạy nghề. Đặc biệt, cần chú trọng cung cấp thông tin cho người nông dân qua các chương trình ứng dụng, các trang tin điện tử giúp người nông dân chủ động trong việc đổi mới./.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2021-2024), Báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp các năm, từ năm 2021 đến 2023 và tháng 1/2024.

3. UNCTAD, based on information from The Financial Times, FDI Markets (www.fdimarkets.com), and Refinitiv SA.

4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, ngày 02/6/2022.

5. https://vneconomy.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-thu-hut-FDI-vao-nong-nghiep.htm

6. https://kinhtevadubao.vn/fdi-nam-2022-chat-luong-cao-hon-25085.html


[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2021, tập 1, tr. 124

[2] Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 1/2024

[3] https://vneconomy.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-thu-hut-fdi-vao-nong-nghiep.htm

[4] https://vneconomy.vn/tao-moi-truong-thuan-loi-thu-hut-fdi-vao-nong-nghiep.htm

Ngày nhận bài: 06/6/2024; Ngày phản biện: 20/6/2024; Ngày duyệt đăng: 24/6/2024