Thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh ở Việt Nam
Trên cơ sở Nghị quyết số 24-NQ/TƯ, ngày 03/06/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ngày 20/10/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2183/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, nêu rõ việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh.
Các chính sách về thị trường vốn xanh, bao gồm: Thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và trong giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); Huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh…
Hướng tới phát triển một thị trường trái phiếu mở, tiếp cận với chuẩn quốc tế, ngày 14/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định đề ra quan điểm: Phát triển thị trường trái phiếu cả về chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo an toàn hệ thống, từng bước tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế và hiện đại hóa hạ tầng thị trường, đưa thị trường trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế với chi phí vốn hợp lý; Tiếp tục tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu; Đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, góp phần tăng cường quản trị và công khai thông tin doanh nghiệp.
Mục tiêu phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu đạt khoảng 45% GDP vào năm 2020 và 65% GDP vào năm 2030; dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và 20% GDP vào năm 2030.
Trên cơ sở những chính sách của Nhà nước, tháng 10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Việc phát hành trái phiếu xanh được thực hiện theo quy định của thị trường trái phiếu thông thường; nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng để đầu tư cho các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường.
Hai địa phương triển khai thí điểm trái phiếu xanh là TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, với loại trái phiếu phát hành là trái phiếu chính quyền địa phương, thời gian từ năm 2016-2017, kỳ hạn từ 3-5 năm. Và, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, trong đó, lập danh mục 11 dự án dựa trên “Danh mục dự án xanh” do Ngân hàng Nhà nước ban hành; Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu xanh, với kỳ hạn 5 năm cho 8 dự án.
Việc phát hành trái phiếu xanh chính thức ở nước ta vẫn chưa được thực hiện
Để đẩy mạnh việc phát triển thị trường trái phiếu xanh, Nhà nước đã đồng loạt triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh, như: Hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thường niên đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) đã và đang tích cực xây dựng các biện pháp để hiện thực hóa việc thu hút vốn đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh. Đồng thời,Việt Nam cũng chủ động phối hợp với một số tổ chức quốc tế phát hành thí điểm trái phiếu xanh.
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh chính thức ở nước ta vẫn chưa được thực hiện do khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn báo cáo nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững chưa đầy đủ, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế, thiếu tổ chức độc lập có đủ năng lực để đánh giá về các chỉ số phát triển bền vững cho các công ty.
Để đẩy mạnh phát triển trái phiếu xanh, trong thời gian tới, theo các chuyên gia, Nhà nước cần thiết lập một khung tài chính xanh, như: Ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo và giám sát theo các tiêu chí tài chính xanh. Xây dựng Đề án phát triển các sản phẩm của thị trường vốn xanh, trong đó có Bộ chỉ số xanh (chỉ số bền vững, chỉ số các bon…) để theo dõi, đánh giá và giao dịch trên thị trường vốn; các chứng chỉ đầu tư xanh do các quỹ đầu tư phát hành cho các dự án, lĩnh vực xanh…
Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai các chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua phát hành, niêm yết trái phiếu, cổ phiếu xanh. Có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong thủ tục, cơ chế đầu tư thuận lợi khi phát hành trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh; nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và rà soát lại hệ thống các chính sách hiện hành để đảm bảo tập trung, tránh dàn trải.
Với Ngân hàng Nhà nước, để thúc đẩy thanh khoản cho trái phiếu xanh cần có cơ chế chấp nhận sử dụng trái phiếu xanh trong hoạt động thị trường mở với tỷ lệ chiết khấu cao hơn các trái phiếu cùng loại; cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng TPX (trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh...) làm dự trữ bắt buộc. Đồng thời cần có định hướng cho việc phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế nhằm thu được nguồn ngoại tệ lớn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế xanh./.
Bình luận