Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh tại Việt Nam: Thực trạng và một số hàm ý
Tóm tắt
Sản xuất nông nghiệp xanh dựa trên tiền đề tôn trọng tự nhiên, với mục tiêu phối hợp các lợi ích kinh tế - xã hội và sinh thái, dựa trên việc sử dụng các công nghệ hiện đại khác nhau để tích cực tham gia vào quá trình phát triển và nhân giống khoa học và hợp lý để phát triển bền vững. Hiện nay, thúc đẩy sản xuất xanh trong nông nghiệp mở ra cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng đứng trước một số khó khăn, thách thức. Bài viết đánh giá thực trạng sản xuất nông nghiệp xanh tại Việt Nam, từ đó đề xuất một số hàm ý thúc đẩy hoạt động này trong thời gian tới.
Từ khóa: sản xuất xanh, nông nghiệp, Việt Nam
Summary
Green agricultural production is based on the basis of respecting the nature, with the goal of combining the socio-economic benefits and ecological benefits, using various modern technologies to actively participate in the scientific and rational process of development and propagation for sustainable development. Currently, promoting green production in agriculture opens up great opportunities, but at the same time faces some difficulties and challenges. The article assesses the current status of green agricultural production in Vietnam, thereby proposing some implications to promote this activity in the coming time.
Keywords: Green production, agriculture, Vietnam
GIỚI THIỆU
Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Mô hình tăng trưởng của nông nghiệp dựa vào sản lượng và năng suất đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết.
THỰC TRẠNG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM
Trong những năm gần đây, nông nghiệp xanh được xác định là chủ trương quan trọng nhằm hướng đến một mô hình nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Nhìn chung, hệ thống chính sách, thể chế liên quan đến nông nghiệp xanh của Việt Nam khá đầy đủ với sự phối hợp của nhiều loại công cụ có các chức năng khác nhau.
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/2013/ QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhấn mạnh 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển nông nghiệp.
Để triển khai Quyết định số 899/2013/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra 3 nhóm chính sách: (i) Quy định trực tiếp liên quan đến nông nghiệp xanh bao gồm quy hoạch và phân vùng sử dụng đất, các yêu cầu về đánh giá môi trường, giám sát và kiểm soát việc sử dụng phân bón thuốc trừ sâu, giám sát các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các chế tài xử phạt vi phạm môi trường; (ii) Các công cụ thị trường để giúp người sản xuất nông nghiệp thực hiện các thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường. Các công cụ của nhóm chính sách này gồm giấy phép khí thải các-bon, trợ cấp hỗ trợ việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ xanh, chi trả dịch vụ môi trường, hình thành các quỹ bảo vệ môi trường, áp dụng các loại phí bảo vệ môi trường và thuế sử dụng tài nguyên; (iii) Liên quan đến công nghệ và giáo dục nâng cao nhận thức, bao gồm việc xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp xanh, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xanh, công bố các trường hợp gây hại môi trường đối với cộng đồng, giáo dục và nâng cao nhận thức, hình thành các nhãn hiệu sinh thái dựa trên các quy trình thân thiện môi trường (VietGAP, UTZ...).
Ảnh minh họa |
Việt Nam đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững của quốc gia. Đối với ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về Phát triển bền vững vào năm 2013 để xây dựng các chương trình/kế hoạch hành động cho phát triển bền vững trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020 và lồng ghép nội dung chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 vào quá trình hoạch định chính sách.
Tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là tiền đề thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững: (i) Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; (ii) Việt Nam cùng 141 quốc gia tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu. Nằm trong nỗ lực thực hiện tiến trình đó, tháng 01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” nhằm “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính…
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ. Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được xây dựng trên cơ sở từ chính thực tiễn, phương thức và định hướng chung của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế đã nêu ra, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, bao gồm: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy… [4]. Trong thời gian qua, trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, quy trình nuôi trồng quy chuẩn, thân thiện với môi trường: mô hình “Rau hữu cơ Gò nổi” của nhóm 12 thành viên Điện Phong, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; dự án “Vườn nhiệt đới Kapi” của chị Bùi Thị Thanh Sương ở Điện Ngọc, Điện Bàn, với diện tích hơn 1.000 m2 theo phương pháp thủy canh đã và đang chiếm được lòng tin của khách hàng bởi các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng [1]. Bên cạnh đó, chị Bùi Thị Thanh Sương cũng đang nghiên cứu mô hình kết hợp triển nông nghiệp sạch với du lịch sinh thái. Một số tỉnh phía Nam cũng tích cực phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm cung cấp cho các nhà nhập khẩu sản phẩm hữu cơ phục vụ thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Có thể kể đến tỉnh Cà Mau đã triển khai dự án nuôi thủy sản hữu cơ kết hợp với bảo tồn rừng ngập mặn; tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch nuôi cá tra hữu cơ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận 15% so với nuôi cá truyền thống, hay hợp tác xã trồng rau Vietgap tại Đông Anh… [4]. Theo FIBL và IFOAM, năm 2014 diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 43.000 hecta, đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, thứ 3 trong ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Đến năm 2022, cả nước có khoảng 240.000 hecta canh tác hữu cơ, với sự tham gia của gần 20.000 lao động tại 46 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, có khoảng 160 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông nghiệp hữu cơ, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt khoảng 335 triệu USD (tăng gần 15 lần so với năm 2010), đứng thứ 8 trong 10 nước có diện tích nông nghiệp hữu cơ tại châu Á. Sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế lớn, như: Nhật Bản, Anh, Mỹ, Hàn Quốc... [2].
Cùng với đó, đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Sự phát triển của các mô hình canh tác lúa bền vững (3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, 1 phải 6 giảm, SRI, ICM…) trong những năm gần đây tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân trồng lúa tại Việt Nam. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi... [3].
Có thể thấy, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số điểm cần được tháo gỡ, đó là: Chưa có các quy hoạch về sản xuất hữu cơ hay chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ; Chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ “made in Vietnam”, đa phần việc chứng nhận đều phải thuê các tổ chức nước ngoài với mức phí cao; Nông nghiệp vẫn hoạt động dựa trên nền tảng quy mô nhỏ lẻ, nên việc áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh là khá khó khăn; Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác; nguồn nhân lực tinh thông trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế so với nhu cầu; chưa có các chương trình trọng điểm và đầu tư nguồn lực tương xứng để tạo đột phá nông nghiệp xanh...
Bên cạnh đó, công tác truyền thông và nâng cao nhận thức chưa có những bước chuyển đáng kể trong việc thay đổi quan điểm và nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Tình hình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao còn rất hạn chế, do lĩnh vực này vốn chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; Việt Nam còn đang thiếu một chiến lược rõ ràng (hoặc chỉ là một danh sách ưu tiên) cho công nghệ nông nghiệp xanh để tận dụng lợi thế về sức mạnh của nông nghiệp và nắm bắt thị trường cho sản phẩm nông nghiệp xanh trong tương lai.
MỘT SỐ HÀM Ý THÚC ĐẨY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP XANH TẠI VIỆT NAM
Từ các phân tích thực trạng sản xuất nông nghiệp xanh tại Việt Nam, nhóm tác giả đề xuất một số hàm ý thực tiễn sau:
Một là, tận dụng triệt để đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện mạng mới khác để phổ biến rộng rãi ô nhiễm môi trường nông nghiệp và an toàn sản phẩm nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức xanh của nông dân về sức khỏe môi trường thông qua dạy nghề tập huấn và các bài giảng kiến thức sức khỏe. Mục đích cơ bản của những thực hành này là làm cho nông dân hiểu sâu sắc về mối liên hệ giữa sản xuất xanh, bảo vệ hệ sinh thái, an toàn và sức khỏe thông qua việc tăng cường công khai và giáo dục về sản xuất xanh của nông dân, từ đó nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất xanh.
Hai là, khuyến khích các doanh nghiệp hàng đầu tích cực tham gia sản xuất xanh quy mô lớn trong thực tế để bù đắp những khiếm khuyết trong sản xuất nông nghiệp phân tán của nông dân, nhận ra lợi ích kinh tế quy mô lớn của sản xuất xanh của nông dân, từ đó thúc đẩy hơn nữa sự sẵn lòng của nông dân để tham gia vào sản xuất xanh.
Ba là, tiếp tục tăng cường các chính sách khuyến khích để giảm rủi ro chi phí cho nông dân, đây phải là một cách tiếp cận hợp lý. Ví dụ, nông dân có thể được đảm bảo thực hiện đầu tư vốn cần thiết cho sản xuất xanh bằng cách tăng cường trợ cấp nông nghiệp, khuyến khích môi trường hoặc các chính sách ưu đãi khác, để chính phủ và nông dân có thể chia sẻ chi phí của sản xuất xanh.
Bốn là, khuyến khích nông dân tham gia hợp tác xã và mở rộng phạm vi áp dụng các phương pháp sản xuất xanh trong hoạt động của hợp tác xã. Đồng thời, cũng cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho các hợp tác xã để giúp họ trở thành tổ chức nông nghiệp hiệu quả, đồng thời tích cực thực hiện nhiệm vụ cải thiện tình trạng tiêu thụ quá mức tài nguyên và ô nhiễm môi trường./.
TS. Nguyễn Thị Thanh Dần, Phạm Ngọc Thọ, Triệu Mai Nương, Nguyễn Văn Thịnh
Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Hà An (2021), Những nhà nông trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp hữu cơ, truy cập từ http://dienban.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=107&NewsViews=16684&language=en-US.
2. Nguyễn Đình Đáp, Phạm Thị Trầm (2022), Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và triển vọng của Việt Nam, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/xu-huong-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-tren-the-gioi-va-trien-vong-cua-viet-nam.htm
3. Thanh Song (2022), Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững từ nền nông nghiệp xanh, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/bao-ve-moi-truong-phat-trien-ben-vung-tu-nen-nong-nghiep-xanh.html.
4. Thuận Nguyễn (2023), Thúc đẩy nền nông nghiệp xanh tại Việt Nam, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/thuc-day-nen-nong-nghiep-xanh-tai-viet-nam-610377.html.
Bình luận