Sự bùng nổ của Social Commere tại Việt Nam

Theo báo cáo từ Criteo, doanh thu từ Social Commerce tại Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng 35% trong năm 2023, cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong mua sắm qua mạng xã hội.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm từ 2018 đến 2023 đạt 22%, phản ánh sự mở rộng không ngừng của lĩnh vực này. Nghiên cứu của Statista dự đoán rằng vào năm 2024, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử qua mạng xã hội tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước.

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ từ những năm 2010, với sự xuất hiện của các nền tảng như: Lazada và Tiki. Tuy nhiên, sự phát triển thực sự của Social Commerce chỉ bắt đầu từ khi các mạng xã hội trở nên phổ biến. Facebook dẫn đầu trong việc áp dụng Social Commerce, với hàng triệu người dùng tại Việt Nam, đã giúp cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tận dụng các công cụ như fanpage và nhóm để quảng bá và bán hàng hiệu quả.

Không chỉ Facebook, các nền tảng khác như: Instagram, Zalo và gần đây là TikTok cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Instagram đã tích hợp tính năng “Shop” cho phép mua sắm trực tiếp trong ứng dụng, trong khi TikTok sử dụng video ngắn để tạo ra những cách thức sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm.

Nhiều tính năng mới đáp ứng nhu cầu

Các nền tảng mạng xã hội không ngừng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Facebook đã giới thiệu Facebook Shop, cho phép doanh nghiệp tạo cửa hàng trực tuyến ngay trên trang cá nhân hoặc fanpage. Instagram cung cấp tính năng “Checkout” để mua sắm ngay trong ứng dụng và TikTok ra mắt tính năng TikTok Shopping, tích hợp liên kết mua sắm trong các video.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) dẫn theo nghiên cứu từ Datareportal và Wearesocial, tính đến tháng 1/2024, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 72,7 triệu người, tương đương 73,3% dân số. Thời gian trung bình người dùng dành cho mạng xã hội là khoảng 2 giờ 25 phút mỗi ngày, cho thấy mức độ tham gia cao và mở ra cơ hội lớn cho Social Commerce.

Thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử qua mạng xã hội
Tính đến tháng 1/2024, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 72,7 triệu người, tương đương 73,3% dân số

Lợi ích đáng kể

Social Commerce mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người dùng. Doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp với khách hàng qua các tính năng tương tác như bình luận và tin nhắn, tạo ra mối quan hệ tin cậy và hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng. Việc tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng trên mạng xã hội, cùng với khả năng lan truyền thông tin, giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận và thu hút khách hàng mới. Đối với người dùng, Social Commerce mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và cá nhân hóa hơn, khi họ có thể mua sắm trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội quen thuộc.

Thách thức và xu hướng tương lai

Dù mang lại nhiều lợi ích, Social Commerce cũng đối mặt với những thách thức như bảo mật và quyền riêng tư. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo bảo vệ thông tin khách hàng và tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu. Chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng cần được đảm bảo để xây dựng uy tín thương hiệu.

Trong tương lai, việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (AR) và thực tế tăng cường (VR) sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm. AI sẽ giúp cá nhân hóa trải nghiệm, trong khi AR và VR tạo ra trải nghiệm mua sắm trực tuyến chân thực hơn. Các nền tảng thương mại xã hội chuyên biệt cũng sẽ phát triển mạnh mẽ, cùng với việc mở rộng ra thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Có thể nói, Social Commerce đang làm thay đổi cách thức mua sắm và kinh doanh tại Việt Nam. Với sự phát triển không ngừng của các nền tảng mạng xã hội và những lợi ích mà nó mang lại, Social Commerce hứa hẹn sẽ tiếp tục là một xu hướng quan trọng trong tương lai.

Để thành công trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng mới, đối mặt với thách thức và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Social Commerce không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là công cụ mạnh mẽ giúp xây dựng và phát triển thương hiệu trong thời đại số hóa./.