Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022
Thông tin trên được ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2022 do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 12/10/2022.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi Họp báo thường kỳ quý III/2022 do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 12/10/2022 |
Năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam là 431 tỷ USD
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại thông tin, nếu như năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2021.
Về thứ hạng, bất chấp những hậu quả về đại dịch Covid-19 và những xung đột, bất ổn về địa chính trị đang diễn ra trên thế giới, nhiều nước đã không duy trì được thứ hạng của thương hiệu quốc gia nhưng theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.
Ngoài ra, về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá, Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam có mức tăng trưởng về giá trị cao là 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%).
Đặc biệt, trong số những doanh nghiệp có giá trị thương hiệu dẫn đầu có sự góp mặt của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam như: Viettel, Vinamilk, MB, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Hòa Phát, Vietnam Airlines…
“Điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển Thương hiệu Quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn” – ông Chiến nói.
Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, những kết quả tích cực trên là do chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín, cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hơn nữa, đây là sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, để góp phần gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
“Đặc biệt, trong trong 2 năm qua, với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, cùng với những xung đột kinh tế, địa chính trị của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng với tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường vốn có của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam các doanh nghiệp Việt đã giúp các sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam nâng tầm vị thế, khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Chiến cho biết.
Bên cạnh đó, các hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa và dịch vụ có chất lượng ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Qua đó thúc đẩy sự thăng hạng mạnh mẽ của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong thời gian qua, đưa Việt Nam lọt vào nhóm các quốc gia có thương hiệu mạnh trên thế giới. Hướng đến một Việt Nam hùng cường với những thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp có giá trị.
3 nhóm giải pháp xây dựng Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam
Về định hướng Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trong thời gian tới, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, căn cứ vào mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Quyết định số 1320/QĐ-TTg, ngày 8/10/2020 phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam giai đoạn 2020 đến năm 2030, định hướng trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thực hiện 3 nhóm giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đáp ứng hệ thống tiêu chí của thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ba là, tập trung các hoạt động tuyên truyền, quảng bá Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam và các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia, đặc biệt là ở thị trường ngoài nước và đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng./.
Bình luận