Tiền lớn tìm cơ hội nơi lãi suất 1-2%/năm
Lãi suất thấp, tiền vẫn đặt thầu gấp đôi, gấp ba lượng chào bán
Tháng 12/2020, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội gọi thầu tổng cộng 63.325 tỷ đồng, thì lượng tiền đăng ký tham gia đấu giá lên tới trên 161.000 tỷ đồng. Các trái phiếu được phát hành trong tháng này đều có kỳ hạn dài, 10-30 năm, nhưng lãi suất trúng thầu dao động từ 2,28% đến 3,31%/năm.
Tháng 1/2021, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 26.000 tỷ đồng, nhưng giá trị đăng ký tham gia đấu giá lên tới 78.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm được phát hành trong tháng này chỉ có lãi suất 1,07%. Kỳ hạn 10 năm lãi suất thấp nhất rơi về 2,15%, còn kỳ hạn 30 năm có lãi suất 3-3,1%.
Tháng 2/2021, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 18.000 tỷ đồng, nhưng giá trị đăng ký tham gia đấu thầu lên tới 43.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu loại kỳ hạn 5 năm chỉ còn 1,03%.
Tháng 3/2021, tuần giao dịch gần nhất (8 - 12/3), Kho bạc Nhà nước gọi thầu 6.000 tỷ đồng, nhưng giá trị đăng ký gấp gần 3 lần con số đó. Lãi suất trái phiếu 5 năm là 1,06%, loại 7 năm về mức 1,46%, còn 10 - 15 năm, lãi suất chỉ nhỉnh hơn 2%/năm.
Vùng lãi suất trúng thầu ngày càng giảm, nhưng lượng tiền dồn vào đặt thầu trái phiếu ngày càng tăng cho thấy, các kênh đầu tư dường như gặp khó trong việc sinh lợi. Thực tế này dẫn đến việc dòng tiền lớn ngày càng dồn vào kênh đầu tư an toàn nhất là trái phiếu chính phủ.
Một diễn biến đáng chú ý nữa là dường như phía huy động (Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội là chủ đạo) cũng không mặn mà với việc huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ, khi kết quả cho thấy, tính tới ngày 12/3/2021, tổng lượng trái phiếu chính phủ được phát hành mới chỉ đạt 31% kế hoạch quý I/2021. Việc chào thầu của các tổ chức này được thực hiện theo kế hoạch, nên các con số chào thầu công bố hàng tuần vẫn lớn. Tuy nhiên, khi Nhà nước chỉ chấp nhận vay trong vùng lãi suất thấp thì dòng tiền lớn dồn vào đấu thầu trái phiếu chính phủ cũng không “tiêu thụ” được bao nhiêu. Cả bên đi vay cũng chỉ vay dè dặt, bên sẵn sàng cung ứng vốn cứ đặt thầu rồi lại về không là chuyện bình thường.
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất liên ngân hàng đang duy trì ở mức dưới 1% cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện ở trạng thái dồi dào. Thực tế này khiến Công ty Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Trung Quốc (xem đồ thị) và Philippines (2,819%/năm).
Trong khi đó, tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương ECB đã có cuộc họp ch nh sách vào ngày 11/3/2021, quyết định tiếp tục giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đều được duy trì, cho đến khi giai đoạn khủng hoảng do đại dịch gây ra được đánh giá là kết thúc. Các loại lãi suất điều hành chính của ECB sẽ tiếp tục nằm tại mức thấp kỷ lục, trong khoảng từ âm 0,5% - 0,25%.
Tiền nhỏ vướng chuyện nghẽn lệnh khi đầu tư cổ phiếu
Tại Việt Nam, nếu như nhiều tổ chức dồn tiền vào trái phiếu chính phủ để giữ sự an toàn và chấp nhận lãi suất thấp, thì dòng tiền lỏng trong dân vẫn hướng đến kênh đầu tư cổ phiếu.
Bốn tháng gần đây, kênh đầu tư cổ phiếu gặp phải nút cổ chai “nghẽn lệnh” mỗi khi thanh khoản vượt trên 15.000 đồng/phiên. Phương án xử lý nghẽn lệnh đang chờ Bộ Tài chính trình lên Chính phủ xem xét. Ông Nguyễn Văn Tình, chuyên gia tư vấn đầu tư chứng khoán, người đang hỗ trợ cách đánh giá cơ hội đầu tư cho rất nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng, dù tiền lỏng có nhiều nhưng không thể mong thị trường dễ tăng điểm. Nhà đầu tư phải thận trọng, không vay để “đánh”, mà chỉ có thể mạnh dạn rót tiền vào cổ phiếu nếu tình trạng nghẽn lệnh được xử lý và VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm hiện nay.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett chia sẻ triết lý đầu tư mang đến thành công cho ông ở khắp nơi, nhưng mấy ai học được? Thành công của ông không chỉ đến từ việc mua cổ phiếu tiềm năng đang bị thị trường định giá thấp, mà quan trọng hơn là ở can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, vun trồng cho doanh nghiệp lớn lên./.
Bình luận