Tín dụng toàn nền kinh tế tăng 17,19%
Tập trung tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên
“Đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng…”, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022, do NHNN vừa tổ chức.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh (ảnh: sbv) |
Cũng theo bà Giang, đối với chính sách miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 722.334 tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 157.746 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 92.425 tỷ đồng với gần 562.000 khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 16.465 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ NHNN đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần hơn 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.820 tỷ đồng.
Bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và xuất hiện nhiều thách thức sẽ khiến cho hoạt động điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới dự báo rất khó khăn, để vừa đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế. Từ thực tế này, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Điều hành lãi suất phải dung hoà nhiều mục tiêu
Liên quan đến định hướng điều hành lãi suất, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, bối cảnh lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu, áp lực lạm phát với Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Kinh tế Việt Nam với độ mở cao, vẫn chủ yếu là nhập siêu, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Do đó, để cho VND mất giá lớn sẽ tác động rất lớn đến nhập khẩu. Bởi vậy, thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát.
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, nếu chúng ta giữ ổn định mặt bằng lãi suất khá lâu sẽ tác động đến đến tỷ giá, có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô (ảnh: sbv) |
“Về nguyên lý, không thể cùng lúc đồng thời ổn định cả lãi suất và tỷ giá. Đây là nhiệm vụ bất khả thi…”, ông Quang nói.
Trong bối cảnh đó, đối với điều hành lãi suất, ông Quang cho rằng, giữ ổn định không có nghĩa là cố định, khi thời điểm ban hành Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11, điều kiện kinh tế trong nước và thế giới khác biệt rất nhiều so với thời điểm hiện nay. Mặt bằng lạm phát trên toàn cầu và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước thay đổi. Chiến tranh giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, dẫn đến giá dầu trên thế giới tăng, kéo theo lạm phát trên quy mô toàn cầu.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam). Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD gồm: JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%)... VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
“Điều kiện kinh tế đã thay đổi, nếu chúng ta giữ ổn định mặt bằng lãi suất khá lâu sẽ tác động đến đến tỷ giá, có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Điều hành chính sách lãi suất làm sao một mặt hóa giải cú sốc của thị trường thế giới, cũng như neo giữ tâm lý kỳ vọng lạm phát của người dân, đồng thời kiên định mục tiêu lạm phát của Chính phủ, góp phần ổn định tâm lý thị trường, ổn định thị trường và vĩ mô…”, ông Quang cho hay./.
Bình luận