Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản và kiến nghị giải pháp
Vẫn còn tình trạng thông đồng, khống chế giá trong đấu giá tài sản
Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, ngày 28/11, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Theo Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đắk Nông), hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như: Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, khống chế giá; còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập.
Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản |
Trước tình trạng trên, ông Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính; cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công; tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước. Đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến...
Theo góc nhìn của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn), trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, thì người đáp ứng yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá theo thông báo của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản quy định tại khoản 2a Điều 38 của Luật này nộp tiền đặt trước cho tổ chức hành nghề đấu giá tài sản chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc.
Như vậy, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ tham gia đấu giá (15 ngày trước ngày đấu giá) cho đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước (1 ngày trước ngày đấu giá) là một khoảng thời gian tương đối dài, hơn chục ngày. Quy định này có thể dẫn đến việc người tham gia đấu giá thông đồng, thỏa thuận với nhau. Khi nộp hồ sơ thì có thể rất đông người nộp hồ sơ, “tạo cơn sốt thị trường ảo”. Tuy nhiên, khi nộp tiền đặt trước thì lại chỉ một hoặc vài người nộp tiền đặt trước, để mua tài sản gây nên tình trạng hồ sơ "ảo" khó kiểm soát, “dìm giá” (trong đó có thể có những trường hợp mặc dù đủ điều kiện nhưng họ sẽ không nộp tiền đặt trước). Đặc biệt, việc quy định nộp tiền đặt trước chậm nhất đến trước ngày mở cuộc đấu giá 1 ngày làm việc là thời gian quá sát, gấp. Điều này sẽ gây khó khăn cho tổ chức đấu giá, cũng như đơn vị có tài sản và các đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ cho cuộc đấu giá đối với tài sản đông người đăng ký tham gia đấu giá.
Để thống nhất trong quy định, thuận lợi và dễ áp dụng trên thực tiễn, tránh việc mỗi trường hợp, mỗi loại tài sản lại quy định khác nhau, gây khó hiểu và khó áp dụng; đồng thời để hạn chế việc thông đồng, tình trạng “hồ sơ ảo”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu, không chia quá nhiều trường hợp như dự thảo mà quy định theo hướng: Tất cả các trường hợp đấu giá, không phụ thuộc loại tài sản, cứ nộp hồ sơ là nộp tiền đặt trước, trường hợp khi thẩm định, xét duyệt không đủ điều kiện thì sẽ được trả lại tiền đặt trước. Thời hạn nộp hồ sơ và tiền đặt trước quy định khoảng thời gian hợp lý, thống nhất với nhau...
Đề nghị bổ sung quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc
Góp ý kiến vào dự án, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đề cập về thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đặc biệt là tiền đặt cọc mua bán đất, quyền sử dụng đất. Cụ thể, về các quy định ở Điều 1 của dự thảo luật, tại Điểm c, khoản 8, chương I dự thảo Luật quy định thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Nếu quy định theo hướng này, thì người mua trúng đấu giá sẽ không ký hợp đồng ngay vì không có quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau khi cuộc đấu giá kết thúc. Do đó, đề nghị bổ sung quy định cụ thể thời hạn ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.
Tại Điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật cũng quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân phân tích, quy định như vậy chưa thống nhất với quy định tại Điểm c, khoản 1 và Điểm a, khoản 2, Điều 17a Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10 ngày 03/4/2023 của Chính phủ quy định về điều kiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Đó là tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều này. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định về mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật đất đai.
Tại Khoản 18, Điều 1 dự thảo luật quy định việc đấu giá theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 điều này không áp dụng đối với tài sản là quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và tài sản khác theo quy định của luật có liên quan. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không nói rõ về thời gian đấu giá theo thủ tục rút gọn là bao nhiêu ngày. Do đó, đề nghị quy định cụ thể về thời gian thông báo công khai việc đấu giá theo thủ tục rút gọn trước ngày mở cuộc đấu giá để việc tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận thực hiện việc đấu giá theo thủ tục rút gọn được thuận lợi.
Giải trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đặt vấn đề sửa đổi luật lần này trong bối cảnh pháp luật đấu giá hiện hành đang hoạt động bình thường. Qua tổng kết thi hành 5 năm qua, đấu giá khoảng 200.000 cuộc đấu giá với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Trong lần sửa đổi này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá, đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Thực tế phát sinh một số vấn đề cần phải được xử lý, hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Về chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, sẽ nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giải trình một số nội dung cụ thể về trình tự thủ tục nhằm hạn chế thông đồng, dìm giá, quân xanh – quân đỏ. Theo đó, dự thảo cố gắng công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, kéo dài thời hạn cần thiết, quy định chặt chẽ hơn về hồ sơ, quy trình xét duyệt… và các quy định về điều kiện tham gia đấu giá, tiền đặt trước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Đấu giá là luật hình thức, còn các quy định về giá khởi điểm hay xử lý thì tuân theo pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo quy định theo hướng cố gắng nâng tính chuyên nghiệp của tổ chức hành nghề và các đấu giá viên…/.
Bình luận