Chặt hơn trong quản lý hoạt động của người hành nghề khám, chữa bệnh
“Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập…”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, khi trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 3 đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được xây dựng theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm (ảnh: Quốc hội) |
Nêu cụ thể những bất cập, ông Long cho hay, đã nảy sinh những vấn đề trong thực tiễn, nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: quản lý người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; kinh nghiệm từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Để khắc phục những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được xây dựng theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm, thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu tác động (ảnh: Quốc hội) |
Trình bày ý kiến thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật, nhưng đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, bổ sung đánh giá tác động đối với các nội dung sửa đổi, bãi bỏ so với Luật hiện hành; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu tác động…
Về thời hạn của giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với quy định Giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và đề nghị quy định thời hạn Giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này. |
Liên quan đến quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 9 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.
Liên quan đến kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội thống nhất về sự cần thiết của việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và thực hiện theo lộ trình đối với từng chức danh phải có Giấy phép hành nghề, nhưng đề nghị bổ sung lộ trình kiểm tra, đánh giá năng lực đối với chức danh y sỹ thuộc lực lượng vũ trang và cấp cứu viên ngoại viện; làm rõ căn cứ xác định thời điểm tiến hành chính thức tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ngay trong dự thảo Luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, dự án Luật quy định việc tổ chức lại hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản; cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu là cần thiết.
Tuy nhiên, bà Thuý Anh lưu ý cơ quan soạn thảo xác định rõ việc phân cấp này được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay phân loại hệ thống tổ chức; quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp, cách thức kết nối của các cấp và mối quan hệ giữa hạng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với các cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong chuỗi cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, cũng như lộ trình, chuẩn bị cho việc tổ chức lại hệ thống.../.
Bình luận