TKV đề xuất loạt giải pháp gỡ khó, nhằm đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện năm 2022
Theo báo cáo của TKV, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cộng với căng thẳng địa chính trị thế giới gia tăng, ngay từ đầu năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn đặc thù, ảnh hưởng nghiêm trọng đến SXKD than của TKV, trong đó có việc cung cấp than cho sản xuất điện.
Hoạt động sản xuất kinh doanh than ảnh hưởng nghiêm trọng
Cụ thể, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phố phía Bắc đầu năm 2022 đã xâm nhập với tốc độ rất nhanh vào lực lượng lao động của TKV. Tính từ thời điểm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ cho đến đến ngày 14/3/2022, TKV đã có 36.253 người lao động bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0), chiếm 38% tổng số lao động toàn Tập đoàn. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh là nơi tập trung các mỏ than của TKV, số ca F0 là 32.613 người, chiếm 42% tổng số lao động, số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh rất nhiều, nhất là giai đoạn cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022. Thậm chí có thời điểm nhiều đơn vị chỉ còn khoảng 20% lao động đi làm, hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày, do thiếu hụt lao động trầm trọng.
Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh khiến các đơn vị khai thác than thiếu hụt nhân lực trầm trọng |
Bên cạnh đó, các khó khăn tồn tại lâu nay và các vấn đề mới nảy sinh như giá thành than khai thác ngày càng tăng cao trong bối cảnh các chi phí sản xuất đều gia tăng, nhu cầu sử dụng than trên thị trường thế giới tăng mạnh từ cuối năm 2021 trong khi đầu năm 2022 lại xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraina, tác động lớn đến kinh tế thế giới làm cho giá dầu, giá sắt thép tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm, làm giảm hiệu quả SXKD của TKV.
Đặc biệt, giá thành khai thác than ngày càng tăng do các mỏ than ngày càng khai thác xuống sâu, một số đơn vị điều kiện địa chất biến động phức tạp, sai khác so với tài liệu thiết kế ban đầu, mức độ rủi ro trong quá trình khai thác gia tăng, cung độ vận chuyển ngày càng xa, tiền lương và các loại thuế phí tăng cao. Trong một thời gian dài (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021) giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng nên lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm, một số dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo Quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện.
Theo ước tính của TKV, trường hợp giá dầu tăng lên 120 USD/thùng, dự kiến giá trong nước đạt 21.100 đ/lít, tăng 40,7% so kế hoạch và tăng 48,9% thực hiện năm 2021, nếu không được điều chỉnh tăng giá bán than (bao gồm cả than bán cho các hộ điện) thì Tập đoàn có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và/hoặc mất cân đối tài chính. Trong trường hợp này, dự kiến lợi nhuận của TKV giảm còn 1.264 tỷ đồng, riêng sản xuất than lỗ 1.386 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung, các hộ trong nước không nhập khẩu được than lại gia tăng quay trở lại sử dụng than trong nước, nên nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng rất cao; gây ra tình trạng khan hiếm than mặc dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây.
TKV cho biết tình hình than tồn kho đầu năm 2022 hiện ở mức thấp, chỉ còn 7,77 triệu tấn, giảm 6,15 triệu tấn so với tồn kho than đầu năm 2021. Trong đó: than nguyên khai và than bán thành phẩm chưa chế biến là 2,31 triệu tấn; các loại than sẵn sàng cấp cho các hộ điện còn tồn không nhiều 2,6 triệu tấn (đầu năm 2021 là 4,5 triệu tấn) và phân bố rải rác nhiều kho, do đó sản lượng có thể huy động ngay rất thấp. Đây là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt than cung ứng cho sản xuất của các nhà máy điện trong những ngày gần đây.
Khó khăn khách quan và chủ quan ảnh hưởng cung ứng than cho điện
Báo cáo cụ thể về tình hình cung cấp than cho sản xuất điện, TKV cho biết, tính đến 15/3/2022, lượng than nhập khẩu đạt 325 nghìn tấn, bằng 7% kế hoạch năm, than tiêu thụ cho các nhà máy điện đến hết ngày 14/3/2022 là 6.342 nghìn tấn, bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng. Dự kiến 3 tháng đầu năm, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8.505 nghìn tấn, bằng 23% sản lượng theo hợp đồng ký năm 2022. Theo đánh giá của TKV, 3 tháng đầu năm, các nhà máy nhiệt điện đăng ký nhu cầu 9.737 nghìn tấn, bằng 26,61% khối lượng theo hợp đồng đã ký với TKV (trong đó không tính Nhà máy An Khánh, Ninh Bình, Sơn Động). TKV bố trí kế hoạch cấp cho các nhà máy nhiệt điện 9.080 nghìn tấn, bằng 24,82% khối lượng theo hợp đồng và bằng 26% khối lượng kế hoạch của TKV.
Tính đến ngày 15/3/2022, khối lượng thực hiện đạt được 38% kế hoạch điều hành tháng 3/2022. Hiện nay, các đơn vị khai thác, chế biến đã ổn định sản xuất, do đó, TKV chi đạo các đơn vị kho vận cân đối đảm bảo hoàn thành kế hoạch tiêu thụ tháng 3/2022.
Tính lũy kế đến 14/3/2022, các nhà máy nhiệt điện BOT đã nhận than đạt 19,06% số lượng theo hợp đồng; các nhà máy thuộc điện lực EVN đạt 16,93%, riêng Nhiệt điện Quảng Ninh đã nhận than đạt 22,2% khối lượng hợp đồng; một số nhà máy có tỷ lệ nhận than thấp dưới 10% khối lượng hợp đồng là Ninh Binh (4,7%), Duyên Hải 1 (8,1%), Vũng Áng (7,0%).
Lý giải việc cung ứng than quý I chưa đạt tiến độ theo Hợp đồng ký với các nhà máy điện, TKV cho biết, bản chất việc đảm bảo sản lượng 35 triệu tấn than cung ứng cho sản xuất điện phụ thuộc lớn vào cả khối lượng và chất lượng than nhập khẩu. Tuy nhiên, dự kiến 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhập được 325 nghìn tấn; theo đó sản lượng than phụ thuộc nhập khẩu (PTNK) cấp cho các NMNĐ quý I/2022 khoảng 1,1 triệu tấn - bằng 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than PTNK quý I/2022.
TKV và các đơn vị đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước, nhưng vẫn không bù đắp được khối lượng than nhập khẩu bị thiếu |
Trong điều kiện này, mặc dù, TKV và các đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như huy động than tồn kho ra để chế biến, pha trộn than sản xuất trong nước giữa các vùng, khuyến khích các đơn vị đang có điều kiện khai thác thuận lợi tổ chức khai thác với sản lượng tăng cao, tập trung nhân lực để khai thác than... để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước, nhưng vẫn không bù đắp được khối lượng than nhập khẩu bị thiếu.
Bên cạnh đó, theo TKV, ngoài nguyên nhân khách quan của thị trường thế giới còn do đến ngày 02/3/2022, Tập đoàn Điện lực mới chấp thuận cơ chế giá than pha trộn TKV kê khai theo Luật giá, dẫn tới TKV phải đẩy lùi và bỏ lỡ nhiều cơ hội nhập khẩu đủ than về pha trộn theo kế hoạch. Hiện nay, sau khi Tập đoàn Điện lực chấp thuận cơ chế giá thì việc tìm được nguồn nhập khẩu than là vô cùng khó khăn và không nhập được các loại than có chất lượng phù hợp để pha trộn, kèm theo giá than thế giới tăng đột biến. Trước đó, TKV đã triển khai mở 4 gói thầu quốc tế mua than nhập khẩu để pha trộn trong quý I/2022. Tuy nhiên do giá than thế giới tăng vượt giá đề xuất, cộng thêm ảnh hưởng chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm khan hiếm nguồn cung dẫn tới khả năng không có đơn vị trúng thầu.
Sản lượng than giao cho hộ điện quý I/2022 chưa cao do các nhà máy chậm xác nhận ký hợp đồng mua bán than năm 2022, đa số đến ngày 05, 06/01/2022 mới xác nhận ký hợp đồng và gửi qua thư điện tử cho TKV, nên mất khoảng 7-10 ngày đầu tháng I/2022 không có căn cứ pháp lý hợp đồng để giao than.
Nỗ lực đảm bảo hoàn thành kế hoạch và cung ứng than cho sản xuất
Theo dự tính của TKV về tình hình sản xuất quý I, than nguyên khai sản xuất ước đạt 10,37 triệu tấn, đạt 26,5% kế hoạch năm, bằng 104,5% so với cùng kỳ. Than sạch thành phẩm đạt: 10,7 triệu tấn, bằng 27,6% kế hoạch và bằng 111% so cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu: 325 nghìn tấn đạt 6,9% kế hoạch năm. Than tiêu thụ: dự kiến thực hiện 11,46 triệu tấn, bằng 26,66% kế hoạch và bằng 119% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: Trong nước đạt 11,2 triệu tấn, đạt 27,2% kế hoạch năm và bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021, riêng than cung ứng cho các các hộ sản xuất điện là 8,5 triệu tấn, đạt 24,3% kế hoạch, bằng 102,5% cùng kỳ; hộ sản xuất xi măng là 478 nghìn tấn, bằng 26,8% kế hoạch, hộ sản xuất phân bón, hóa chất 510 nghìn tấn, bằng 23,24%; hộ khác 1,7 triệu tấn, bằng 76,8% kế hoạch năm); than xuất khẩu 265 nghìn tấn bằng 14,72% kế hoạch và bằng 112,9% cùng kỳ 2021.
Tổng than tồn kho các đơn vị thời điểm 12/3/2022 khoảng 6,46 triệu tấn; trong đó các loại than cấp cho các nhà máy điện tồn khoảng 1,65 triệu tấn. Than tồn kho giảm 2,3 triệu tấn so với than tồn kho đầu năm và giảm hơn 7 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Về dự kiến thực hiện cả năm 2022, TKV đặt mục tiêu tổng lượng tiêu thụ than đạt 43 triệu tấn; trong đó, than xuất khẩu 1,8 triệu tấn; than bán trong nước 41,2 triệu tấn, riêng than bán cho các hộ điện 35 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 4,756 triệu tấn, than nguyên khai sản xuất 39,1 triệu tấn, than sạch sản xuất trong nước 38,85 triệu tấn.
Tuy nhiên, tình hình thực hiện thực tế quý I/2022 cho thấy, than sản xuất, chế biến trong nước đạt và vượt tiến độ kế hoạch; nhưng than nhập khẩu thực hiện đạt rất thấp, chỉ đạt 6,9% kế hoạch năm nên than phụ thuộc nhập khẩu cấp cho các NMNĐ giảm rất nhiều so với tiến độ kế hoạch. Với tình trạng này, TKV sẽ tính toán tăng sản lượng khai thác than nguyên khai lên mức tối đa, song dự báo nếu không có than nhập khẩu, than nhập về chậm hoặc chất lượng không đảm bảo như kế hoạch, thì khó có khả năng cung cấp được 35 triệu tấn than cho các hộ điện như kế hoạch mục tiêu đề ra, theo đó lượng than tiêu thụ cũng sẽ giảm so với kế hoạch.
TKV sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá bán than trong nước |
Để khắc phục khó khăn ổn định điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh than cũng như đảm bảo đủ nguồn cung ứng về sản lượng và chất lượng than cho các hộ sản xuất điện, TKV sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm điều hành SXKD. Theo đó, tiếp tục đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới của Chính phủ và các địa phương, xây dựng và triển khai phương án bố trí lao động, tổ chức sản xuất nhằm đảm bảo ổn định hoạt động khai thác sản xuất. Đẩy mạnh sản xuất than trong nước theo phương án điều hành sản lượng than khai thác 41 triệu tấn, có các giải pháp để đảm bảo nhập khẩu than theo kế hoạch đề ra, huy động tối đa than tồn kho để chế biến, pha trộn và tiêu thụ cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết. Đẩy mạnh tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành. Tiếp tục đẩy mạnh khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khai thác than, chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistic phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than…
TKV cũng tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (sản lượng than bán cho các hộ điện chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV) để đảm bảo hiệu quả SXKD than của TKV trong điều kiện giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao và chi phí phòng chống dịch làm tăng giá thành sản xuất than.
Bên cạnh đó, để khắc phục các tồn tại bất cập trong việc thực hiện cung ứng than, đảm bảo cung cấp đủ, ổn định than cho các nhà máy điện theo các văn bản cam kết/hợp đồng mua bán than đã ký, trong tình hình thị trường than diễn biến phức tạp, bất ổn, khó dự báo được như hiện nay, TKV đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện tôn trọng và thực hiện nghiêm túc việc nhận than theo hợp đồng dài hạn đã ký kết với TKV, đăng ký nhu cầu than hàng năm với khối lượng không chênh lệch quá khối lượng bình quân theo hợp đồng dài hạn và thực hiện tiếp nhận đúng khối lượng than đã đăng ký để TKV có kế hoạch đầu tư các dự án và chủ động sản xuất than cung cấp cho sản xuất điện bền vững. Đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp phù hợp trong điều độ hệ thống điện quốc gia, điều tiết hợp lý việc huy động các nhà máy thuỷ điện, điện năng lượng tái tạo (điện khí, mặt trời...) và các nhà máy nhiệt điện sử dụng than để khối lượng than cung cấp cho sản xuất điện hàng năm không dao động quá lớn./.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được một số văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng đã ký. Số liệu báo cáo Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 2 vừa qua, tổng khối lượng than thực cấp của Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN chỉ tương đương 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 cũng không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013 và như vậy có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu. Trước tình hình này, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký (nhất là với các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu). Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không được để thiếu than cho sản xuất điện theo cam kết tại hợp đồng mua bán/cung cấp than đã ký. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia có giải pháp điều độ phù hợp với tình hình thực tế cũng như thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than để kịp thời thu xếp nguồn than cho sản xuất điện. |
Bình luận