Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Bức tranh các "Sếu đầu đàn" thị trường chứng khoán - Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024
Bảng xếp hạng VIX50 – Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024 được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố mới đây đã cho thấy bức tranh toàn diện về các "Sếu đầu đàn" của TTCK Việt Nam năm 2024. Đây là kết quả nghiên độc lập của Vietnam Report, kế thừa thành quả nghiên cứu từ bảng xếp hạng top 10 Doanh nghiệp niêm yết uy tín đã được công bố thường niên từ năm 2016, dựa trên phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí) trên truyền thông, kết hợp nghiên cứu chuyên sâu các ngành trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao như: Bất động sản – Xây dựng, Ngân hàng, Bảo hiểm, Dược, Thực phẩm – Đồ uống, Bán lẻ, Du lịch, Logistics...
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2024
Nguồn: Vietnam Report, Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả, tháng 5/2024 |
Dấu ấn TTCK Việt Nam giai đoạn 2023-2024
Với độ nhạy cao trước các thông tin về chính sách tiền tệ, cũng như những biến động trong và ngoài nước, TTCK Việt Nam diễn biến giằng co trong suốt năm 2023, song nhìn chung, xu hướng chính là hồi phục. Trong khi đà giảm mạnh của mặt bằng lãi suất cùng chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được xác định là yếu tố nâng đỡ chính cho thị trường, thì sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, xung đột địa chính trị bùng lên tại nhiều khu vực trên thế giới, diễn biến bán ròng của khối ngoại và lợi nhuận sụt giảm mạnh của các doanh nghiệp lại khiến thị trường “rung lắc” với những đợt điều chỉnh mạnh.
Dưới tác động từ các yếu tố trái chiều, thị trường vận động phân hóa theo 4 giai đoạn, phản ánh rõ nét qua nhịp dao động của chỉ số VN-Index. Sau giai đoạn tích lũy, trầm lắng trong những tháng đầu năm, TTCK chuyển pha tích cực, “nóng” dần từ đầu tháng 5 cho tới giữa quý 3 nhờ thông tin tạm dừng nâng lãi suất của FED và 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). VN-Index ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong năm 2023 là 1.245,5 điểm vào ngày 06/9. Thanh khoản thị trường thời gian này cũng cải thiện đáng kể, đánh dấu các phiên có giá trị giao dịch lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, từ cuối quý 3 – giữa quý 4/2023, khi NHNN hút tiền qua kênh tín phiếu để ổn định tỷ giá, khối ngoại tiếp tục duy trì động thái bán ròng và nền kinh tế phục hồi chậm hơn kỳ vọng, VN-Index đã bước vào đà giảm, lùi về gần mốc 1.000 điểm vào cuối tháng 10. Trong 2 tháng cuối năm, thị trường trở lại nhịp hồi phục. Dù chưa đủ để về đỉnh cũ nhưng đã kịp đưa chỉ số VN-Index lên 1.129,93 điểm vào kết phiên ngày 29/12, tăng 12,2% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường trong năm lại giảm sút với tổng giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn chỉ đạt 17.630 tỷ đồng/phiên.
Hình 1: Diễn biến VN-Index và giá trị giao dịch TTCK trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp |
Năm 2023 cũng đánh dấu nhiều điểm nhấn đáng chú ý với TTCK Việt. Đầu tiên là (1) Sự gia tăng về quy mô của TTCK khi tổng vốn hóa thị trường đến hết năm đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56,4% GDP; (2) Số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng khi mặt bằng lãi suất thấp và kênh đầu tư chứng khoán dần hấp dẫn và phổ cập hơn với nhiều tầng lớp nhà đầu tư – đặc biệt là thế hệ trẻ. Năm 2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước tăng lên mức 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7% dân số. Liên quan đến tài khoản giao dịch, năm qua cũng chứng kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hoàn thành việc làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán trong tháng 11, loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo nhằm thanh lọc, phát triển TTCK theo chiều sâu và chất lượng. Bên cạnh đó, dòng tiền trong nước là điểm tựa vững chắc giúp TTCK Việt Nam đứng vững trước áp lực bán ròng của khối ngoại trong năm qua khi nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn chiếm nhiều giá trị giao dịch nhất trên toàn thị trường với tỷ lệ 88,3%; (3) Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận sự cải thiện kể từ sau khi Nghị định số 08 sửa đổi Nghị định số 65 có hiệu lực từ 05/3/2023 và hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động từ ngày 19/7/2023. Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị TPDN phát hành đạt 333.988 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2022. Nhìn chung, sau những bước tiến trên công cuộc thanh lọc, làm minh bạch thị trường, hiện nay, số liệu TTCK được đánh giá sát hơn với thực tế, không còn ghi nhận hiện tượng tăng trưởng nóng như trước.
Với đà hồi phục từ 2 tháng cuối năm ngoái, TTCK có khởi đầu tích cực trong quý đầu năm 2024. Môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì bên cạnh những tín hiệu khả quan hơn ở nhiều lĩnh vực: xuất nhập khẩu, FDI, đầu tư công… và những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những nút thắt hướng đến mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam vào năm 2025 đã tạo sự hưng phấn cho thị trường. Sau 5 tháng đi lên liên tiếp, VN-Index đạt đỉnh vào cuối tháng 3 (chinh phục mốc 1.290 điểm) và thiết lập mặt bằng thanh khoản vượt 30 nghìn tỷ đồng, thị trường sau đó đã chuyển sang trạng thái diễn biến giằng co quyết liệt và điều chỉnh giảm khi áp lực bán hiện diện thường xuyên trong nửa đầu tháng 4, đi kèm với sự sụt giảm mạnh về giá trị giao dịch. Trong bối cảnh tâm lý thị trường bị tác động bởi lo ngại FED trì hoãn giảm lãi suất khi lạm phát tại Mỹ chưa hạ nhiệt đủ như kỳ vọng, khối ngoại rút ròng, biến động tăng của tỷ giá đi kèm các biện pháp can thiệp của NHNN, căng thẳng địa chính trị leo thang và rủi ro an ninh mạng gia tăng, TTCK Việt Nam có nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng, sau đó phục hồi trong tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5.
Nhận diện xu hướng và triển vọng TTCK
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, theo góc nhìn của các doanh nghiệp đại chúng, năm 2024 vẫn là “vùng giao tranh” giữa các nhịp điều chỉnh và phục hồi của thị trường. Có tới 88,9% số doanh nghiệp đánh giá diễn biến tăng, giảm đan xen là trạng thái chủ đạo xuyên suốt năm. Dù có nền tảng hỗ trợ từ các yếu tố tích cực như: (1) Mặt bằng lãi suất thấp - thúc đẩy nhiều người gia nhập thị trường và tạo ra lực cầu tích cực giúp TTCK không giảm quá sâu; (2) Kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp được kỳ vọng qua đáy và bước vào chu kỳ tăng trưởng tích cực và (3) Tâm lý tích cực đối với tín hiệu lạc quan về khả năng nâng hạng từ FTSE, song các chuyên gia vẫn thận trọng cho rằng câu chuyện của TTCK năm 2024 vẫn phụ thuộc vào nhiều biến số cần theo dõi như: (1) Chính sách tiền tệ của FED, (2) Thanh khoản hệ thống và thị trường TPDN, (3) Diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại, (4) Biến động tỷ giá và giá vàng (khi giá của kim loại quý này liên tục lập đỉnh phân tán sự quan tâm đến các kênh đầu tư khác).
Để phác thảo bức tranh thị trường và xây dựng những định hướng rõ ràng nhằm vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, xây dựng thành công lâu dài và bền vững, một loạt các yếu tố được phân tích dưới đây có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn trên TTCK Việt Nam trong năm nay, cũng như chiều hướng tác động của chúng đã được chỉ ra trong khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp của Vietnam Report. Trong đó, việc UBCKNN triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK bao gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của TTCK Việt Nam đang là trọng tâm chú ý khi đã vươn lên ở vị trí số 1 trong số các yếu tố ảnh hưởng, với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 77,8%, đồng thời cũng là yếu tố được kỳ vọng có tác động tích cực nhất đối với TTCK theo bình chọn của 66,7% số doanh nghiệp.
Hình 2: Các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến TTCK năm 2024 từ góc nhìn của các doanh nghiệp đại chúng
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp đại chúng, tháng 4-5/2024 |
Lãi suất ngân hàng
Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới được kỳ vọng đã đến chặng cuối, do đó, diễn biến tiếp theo của mặt bằng lãi suất sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi diễn biến chính sách tiền tệ của FED. Nếu chính sách tiền tệ đảo chiều tại FED, điều này sẽ giúp giảm sức ép tỷ giá, qua đó NHNN sẽ có thêm dư địa để duy trì chính sách nới lỏng. Môi trường thanh khoản dư thừa, lãi suất tiền gửi thấp có thể khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, để tìm kiếm suất sinh lợi cao hơn.
Trong tháng 4/2024, sau biện pháp can thiệp để kiểm soát tỷ giá của NHNN, lãi suất huy động đã gia tăng từ vùng đáy. Tuy nhiên, giữa bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn chưa cải thiện đáng kể, mức thanh khoản hệ thống vẫn còn khá dồi dào và chênh lệch lãi suất VND/USD hiện vẫn âm, theo đánh giá của chuyên gia và doanh nghiệp trên sàn, định hướng của chính sách tiền tệ Việt Nam nhiều khả năng vẫn giữ nguyên trong năm nay và lãi suất sẽ có thể gia tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp.
Lợi nhuận doanh nghiệp
Câu chuyện của TTCK năm 2024 phụ thuộc vào yếu tố tiên quyết là sự phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường tiếp tục phục hồi trong quý 1/2024 với mức tăng 6,5% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý trước. Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương, kéo mặt bằng lợi nhuận lên mức cao nhất trong 7 quý (chỉ thấp hơn hai quý đầu năm 2022). Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện ở hầu hết các nhóm ngành trong quý đầu năm. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi chung đang chậm lại so với quý 4/2023 với sự mờ dần của hiệu ứng mức nền thấp – hay nói cách khác, nền so sánh cùng kỳ cao dần lên. Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế của 787 doanh nghiệp niêm yết trong quý đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 48,6% trong quý 4/2023. Về cơ bản, lợi nhuận doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến TTCK khi ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, tâm lý nhà đầu tư, định giá cổ phiếu, chính sách cổ tức, quyết định đầu tư của doanh nghiệp và có thể tạo ra các tác động lan tỏa đến ngành công nghiệp và thị trường rộng lớn hơn. Do đó, để có nền tảng vững chắc cho xu hướng tăng bền vững của TTCK, tăng trưởng lợi nhuận phục hồi bền vững trên diện rộng trong các quý tiếp theo là điều cần thiết.
Diễn biến thanh khoản của TPDN
Diễn biến thanh khoản của thị trường trái phiếu có mối liên hệ chặt chẽ với TTCK ảnh hưởng đến chi phí vay vốn, dòng vốn đầu tư, tâm lý nhà đầu tư, đánh giá rủi ro và khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sự biến động của thị trường trái phiếu có thể tạo ra những tác động lan tỏa đến TTCK, ảnh hưởng đến giá cả và hoạt động giao dịch. Đầu năm 2024, kể từ khi các quy định nới lỏng điều kiện phát hành và tiêu chuẩn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp của Nghị định số 08 hết hiệu lực từ đầu năm, hoạt động phát hành trái phiếu diễn ra có phần ảm đạm hơn so với 2 quý cuối năm 2023. Trong khi đó, sau hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu diễn ra trong năm ngoái, thời gian đáo hạn điều chỉnh phần lớn kéo dài thêm đã đẩy lùi áp lực trả nợ sang năm 2024, 2025 và 2026. Đặc biệt, thời điểm năm 2024 sẽ là thời điểm quan trọng đối với thị trường trái phiếu khi áp lực đáo hạn rất lớn vào tháng 12. Mặt khác, thời gian phân phối của từng đợt phát hành, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bắt đầu được thực hiện trở lại kể từ năm 2024 cũng là vấn đề quan trọng cần lưu ý.
Hình 3: Giá TPDN đáo hạn
Nguồn: Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện trong tháng 4-5/2024, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp vẫn đưa ra quan điểm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 sẽ dao động trong khoảng 5,0-6,0%, với trọng tâm chính là mức 5,0-5,5%. Với rào cản lớn từ bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 xác định đối diện với nhiều khó khăn song vẫn có cơ hội cho sự cải thiện khi được kỳ vọng là “vùng đệm” mở đường cho sự thay đổi của các năm tiếp theo. Tất nhiên, kịch bản tăng tốc một cách chóng vánh sẽ khó xảy ra. Động lực và thời cơ mới dẫn dắt nỗ lực phục hồi của nền kinh tế nói chung sẽ song hành rủi ro và thách thức tiềm ẩn.
Trong tháng 4, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global công bố đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50. Với chính sách tài khóa mở rộng, và nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực như y tế, bất động sản, thị trường vốn, du dịch, đầu tư công…, các động lực tăng trưởng truyền thống tương đối ổn định, dòng vốn FDI tiếp tục đổ bộ mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam còn chứng kiến cơ hội đến từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, sau những nỗ lực nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế cũng cần thận trọng trước tình trạng số doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường, cầu tiêu dùng trong nước 4 tháng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019 cũng như áp lực lạm phát. Sau 4 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ, gần cận dưới của mục tiêu cả năm là 4 - 4,5% trong khi lạm phát đang chịu tác động của biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải thế giới...
Về cơ bản, sự tăng trưởng kinh tế tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực giữa lợi nhuận doanh nghiệp, niềm tin của nhà đầu tư và hoạt động của TTCK. Do đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới sẽ là yếu tố cần đặc biệt chú trọng để năm bắt nhịp dao động trên TTCK.
Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp. Áp lực về tỷ giá nhích dần trong những tháng đầu năm và rõ rệt trong tháng 4, gây sức ép lên lạm phát và lãi suất, áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng đồng USD và tác động đến dòng vốn ngoại trên thị trường. Trước sự gia tăng sức nóng của tỷ giá, NHNN đã can thiệp thông qua kết hợp kênh phát hành tín phiếu - điều hành thị trường mở linh hoạt nhằm điều tiết lượng tiền trong lưu thông, tăng lãi suất mua kỳ hạn và bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để cân đối nguồn cung và giá ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá. Ngoài ra, để ứng phó với biến động khó lường của tỷ giá, NHNN đã dự thảo sửa đổi Thông tư 02/2021/TT-NHNN về tỷ giá kỳ hạn USD/VND nhằm tạo ra mức độ linh hoạt để chủ động hơn trong việc đưa ra giá bán USD kỳ hạn nhằm can thiệp thị trường ngoại hối hiệu quả hơn. Sau hàng loạt biện pháp, tính đến ngày 16/5, tỷ giá trung tâm ở mức 24.240 VND/USD. Dù đã có dịu hơn so với giai đoạn tháng 4/2024, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, câu chuyện tỷ giá vẫn còn yếu tố tác động từ khả năng neo lãi suất ở mức cao của FED, do đó, vẫn đang là ẩn số cần được theo dõi và có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt để hạ nhiệt trong thời gian tới.
Diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại
Diễn biến dòng vốn đầu tư của khối ngoại luôn là một yếu tố có tác động mạnh mẽ đến TTCK thông qua nhiều khía cạnh. Trong năm vừa qua, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang bán ròng bắt đầu từ quý 2/2023 và có xu hướng gia tăng trong các tháng cuối năm với lũy kế giá trị bán ròng cả năm đạt 600 triệu USD.
Năm 2024, khối ngoại đã bán ròng mạnh liên tiếp kể từ tháng 3 trong bối cảnh dòng tiền đầu tư vào các tài sản tài chính trên quy mô toàn cầu tỏ ra thận trọng trong tháng 4 khi TTCK toàn cầu điều chỉnh mạnh (trừ Trung Quốc và Ấn Độ) và rủi ro về việc FED sẽ neo mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Bốn tháng đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng khoảng 20.000 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Mặc dù tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện nay đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng động thái từ khối ngoại vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư. Xu hướng của dòng vốn ngoại hiện đang bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị vẫn còn kéo dài và khó dự báo, rủi ro lệch pha chính sách tiền tệ giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ ảnh hưởng và việc nền kinh tế Việt Nam cũng vừa trải qua một giai đoạn khó khăn, Do đó, nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi thêm những tín hiệu phục hồi chắc chắn hơn trước khi thực hiện phân bổ vốn.
Diễn biến địa chính trị trên thế giới
Thế giới đa cực hiện tại với sự cạnh tranh địa chiến lược giữa các quốc gia mang lại cả cơ hội và thách thức lớn đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam và qua đó lan tỏa tác động đến TTCK. Năm 2023, địa chính trị trên thế giới tiếp tục có những diễn biến mới bất ngờ với xung đột leo thang ở một số khu vực. Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt giữa Nga – Ukraine kéo dài, cuộc xung đột giữa Israel – Hamas bùng phát vào đầu tháng 10/2023 đã khiến thế giới tiếp tục rơi vào trạng thái căng thẳng đáng báo động. Việc định tuyến lại các tuyến đường vận chuyển do khủng hoảng leo thang ở Biển Đỏ bắt đầu vào tháng 12/2023 tiếp tục làm trầm trọng thêm vấn đề chi phí, sự chậm trễ và sự phức tạp về an ninh. Trước bùng lên của xung đột địa chính trị, giá cả hàng hóa, đặc biệt là giá dầu chịu áp lực về một làn sóng tăng giá tiếp theo, làm nảy sinh lo ngại về lạm phát tiếp tục kéo dài và có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.
Địa chính trị đã trở thành một yếu tố quyết định của thương mại quốc tế. Xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ với số lượng các hạn chế thương mại toàn cầu mới mỗi năm đều tăng đều đặn, từ khoảng 650 hạn chế mới vào năm 2017 lên hơn 3.000 vào năm 2023. Sự phân mảnh của thế giới, xu hướng thay đổi trong toàn cầu hóa với hình thái liên kết kinh tế theo khu vực, khối trở nên phổ biến hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nhanh nhạy thích ứng, chớp các thời cơ. Hơn nữa, trong năm 2024 - năm bầu cử toàn cầu lớn nhất trong lịch sử với hơn 50 quốc gia chiếm hơn 60% GDP toàn cầu diễn ra các cuộc bầu cử sẽ thay đổi chính trường các nước và góp phần tạo nên sự phức tạp về địa chính trị. Do đó, gần hai phần ba số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá rằng, diễn biến địa chính trị trên thế giới là một yếu tố có khả năng tạo ra những tác động sâu sắc tới TTCK trong năm nay./.
Bình luận