Bức tranh Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024

Ngày 14/6/2024, Vietnam Report công bố danh sách Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín năm 2024. Top 10 Công ty Bảo hiểm uy tín được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về doanh nghiệp trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2024.

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2024

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2024

Ngành Bảo hiểm đối mặt thách thức kép, lần đầu tăng trưởng âm

Trong năm 2023, kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những yếu tố không thuận lợi đó đã tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và bảo hiểm cũng không ngoại lệ. Năm 2023 đánh dấu một năm sóng gió và “rất khó quên” đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), cũng như những người làm nghề bảo hiểm. Một năm mà ngành Bảo hiểm phải chịu tác động kép từ cả các yếu tố khách quan, lẫn nội tại.

Thách thức lớn nhất của ngành Bảo hiểm trong năm 2023 là kênh bán hàng chủ lực - bancassurance, đã gặp phải nhiều thông tin tiêu cực, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu lần đầu tiên sau một thập kỷ tăng trưởng ổn định. Sự suy giảm này đã ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin của khách hàng và đối tác, gây khó khăn trong việc duy trì thị phần và thu hút khách hàng mới.

Thách thức thứ hai là thách thức khách quan, những biến động kinh tế toàn cầu và sự bất ổn tài chính đã làm tăng rủi ro cho các công ty bảo hiểm, khiến họ phải đối diện với nhiều khiếu nại bồi thường hơn. Những yếu tố này đã đặt ngành Bảo hiểm vào một tình thế khó khăn.

Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2023 giảm 8,3% so với năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể lên tới 12,5%; lĩnh vực phi nhân thọ chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường bảo hiểm nhân thọ, nên ghi nhận mức độ tăng trưởng khiêm tốn 2,4%. Đây là năm đầu tiên trong 20 năm lịch sử phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ ghi nhận tăng trưởng âm.

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm

Theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các DNBH nhân thọ đã có sự suy giảm so với năm 2022 (-20,3 nghìn tỷ đồng). Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi xét đến những thách thức mà ngành bảo hiểm phải đối mặt trong năm vừa qua. Năm 2023, số lượng hợp đồng khai thác mới của lĩnh vực nhân thọ đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái và sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất với 60,7%, sụt giảm 41,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường năm 2023 cũng ghi nhận sự suy giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 28.179 tỷ đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trung bình ở thị trường Việt Nam sau năm thứ nhất khá cao, được ước tính vào khoảng 20-30%. Đáng chú ý, với số liệu Bộ Tài chính công bố gần đây về tỷ lệ hủy hợp đồng được bán qua kênh ngân hàng, có trường hợp lên đến 73%. Đây là con số rất đáng báo động, tỷ lệ hủy cao ở những năm đầu ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng lẫn DNBH, nhìn xa hơn là tiêu cực cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Đối với lĩnh vực phi nhân thọ, theo kết quả tổng hợp của Vietnam Report, doanh thu cung cấp dịch vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp này vẫn duy trì ở mức như năm 2022 (51,5 nghìn tỷ đồng) với lợi nhuận sau thuế duy trì tăng trưởng mạnh ở mức 59,3% so với năm 2022. Các nghiệp vụ có tỷ lệ tăng doanh thu cao so với năm 2022 lần lượt là: bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, tăng 11,5%; bảo hiểm tài sản thiệt hại, tăng 11,1%; bảo hiểm tàu, tăng 5,9%; bảo hiểm nông nghiệp, tăng 0,7%; bảo hiểm sức khỏe, tăng 0,3%. Năm 2023, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc khoảng 23.906 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%… Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là: bảo hiểm xe cơ giới (52,5%), bảo hiểm sức khỏe (34,6%), bảo hiểm tàu (35,7%).

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp từ Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ những chỉ đạo kịp thời từ phía các cơ quan quản lý, sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm (2023) đi kèm với đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà ngành bảo hiểm vẫn có những bước tiến đáng kể. Sau khi cuộc khủng hoảng truyền thông nổ ra, các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ và minh bạch trong quy trình bán hàng, đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn viên thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu. Thêm vào đó, chính sách bảo hiểm mới được ban hành đã góp phần làm tăng niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm, cải thiện môi trường kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Các quy định mới đã giúp thắt chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro hủy hợp đồng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường. Nhờ vào những nỗ lực này, nhiều DNBH đã ghi nhận lợi nhuận, bất chấp sự suy giảm doanh thu từ phí bảo hiểm khai thác mới. Điều này chứng tỏ rằng, với chiến lược kinh doanh đúng đắn và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể vượt qua thách thức và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả.

Kỳ vọng vực dậy thị trường Bảo hiểm

Năm 2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá có những tín hiệu phục hồi khả quan, các chuyên gia dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5%, đây cũng là kỳ vọng của 31,8% doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát của Vietnam Report. Khi nền kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác cũng được kỳ vọng sẽ có sự phát triển tích cực. Điều này có thể tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, ổn định và thuận lợi cho các DNBH, với việc tăng cường niềm tin và sự ổn định trong thị trường. Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn về triển vọng kinh tế, họ có thể có xu hướng đầu tư và chi tiêu nhiều hơn, điều này có thể dẫn đến nhu cầu mua bảo hiểm tăng lên.

Theo kết quả khảo sát chuyên gia, DNBH của Vietnam Report trong giai đoạn tháng 5-6/2024, 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành Bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024. Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành được ước tính đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh một sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023. Dự kiến năm 2024, ngành bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%). Mục tiêu trên là hết sức khả quan khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản ước đạt 942,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 781,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% Sự tăng trưởng này là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành sau những khó khăn của năm 2023.

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, tháng 5-6/2024

Những thách thức của DNBH trong năm 2024

Bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn đặt ra nhiều thách thức trong việc đưa ngành Bảo hiểm lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt là tăng trưởng dương đối với BHNT. Theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm của Vietnam Report, những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt, bao gồm: (1) Khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023; (2) Người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm; (3) Phát hiện nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance; (4) Cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; (5) Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm; và (6) Vấn đề trục lợi bảo hiểm.

Cuộc khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 đã gây ra nhiều tác động tiêu cực trong đó ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp khi doanh thu phí bảo hiểm lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm. Thách thức này dự báo vẫn sẽ còn ảnh hưởng lớn trong năm 2024 khi mà uy tín thương hiệu của các DNBH bị giảm sút nghiêm trọng, khách hàng mất niềm tin và có sự thận trọng hơn trong việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm.

Trong những năm gần đây mức độ cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng được phản ánh qua nhiều yếu tố. Trước hết, số lượng các công ty bảo hiểm tham gia vào thị trường không ngừng tăng, bao gồm cả những doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ và các giải pháp số hóa ngày càng được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư để mang lại sự tiện lợi tối đa cho khách hàng, điều này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm của khách hàng mà còn gián tiếp gia tăng tính cạnh tranh trong việc thu hút và giữ chân khách hàng. Thêm vào đó, trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin như hiện nay, thông qua internet khách hàng dễ dàng so sánh và lựa chọn những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của họ. Chính vì vậy, các DNBH buộc phải nâng tầm chất lượng, không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện liên tục để không tụt hậu so với đối thủ. Ngoài ra, các chính sách và quy định cũng đóng vai trò định hình mức độ cạnh tranh khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa các DNBH.

Cơ hội phục hồi từ chính sách mới của Nhà nước

Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các DNBH tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra 3 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm: (1) Công nghệ phát triển mạnh mẽ và áp dụng trong tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị ngành Bảo hiểm; (2) Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP thấp; và (3) Thông tư hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 đã chính thức được ban hành.

Cơ hội, thách thức và triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát DNBH, tháng 5-6/2024

Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP tại Việt Nam hiện nay dao động ở mức 2,3-2,8%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới. Điều này cho thấy thị trường bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển và mở rộng. Nguyên nhân của tỷ lệ thâm nhập thấp này phần lớn là do nhận thức về bảo hiểm trong dân chúng chưa cao, cùng với thu nhập trung bình của người dân vẫn còn thấp so với các nước phát triển.

Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Theo dự báo của Bộ Tài chính, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam sẽ đạt 3,5% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Với sự tăng trưởng kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng được cải thiện, khả năng chi trả cho các sản phẩm bảo hiểm của người dân cũng tăng lên. Mặc dù năm 2022 một người Việt Nam chỉ chi ra khoảng 2,5 triệu đồng cho bảo hiểm mỗi năm nhưng so với năm 2017, mức phí này đã tăng gấp 2 lần. Với cơ cấu nhân khẩu học đang trong thời kỳ hoàng kim, có thể dự báo rằng phí bảo hiểm bình quân đầu người tại nước ta sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, khi một bộ phận ngày càng lớn dân số già đi, dẫn đến mức phí cao hơn.

Thêm vào đó, Chính phủ và các DNBH đang nỗ lực nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về vai trò và lợi ích của bảo hiểm thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ thông tin và các nền tảng số đang góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 được 59,1% doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report đánh giá là một trong những cơ hội quan trọng thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Một trong những điểm nổi bật của Thông tư số 67/2023 là quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, điều kiện tham gia bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm, giúp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn. Bên cạnh đó, thông tư còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet, triển khai các dịch vụ số hóa, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Với những điểm nổi bật và cải tiến quan trọng, Thông tư số 67/2023 được kỳ vọng sẽ tạo ra những động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo./.