Bức tranh Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024

Danh sách Top 10 ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam uy tín năm 2024 do Vietnam Report đã cho thấy bức tranh tăng trưởng của các ông lớn ngành ngân hàng năm 2023, cũng như triển vọng tăng trưởng năm 2024 và thời gian tới.

Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng 5/2024.

Tổng quan ngành ngân hàng năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2024
Tổng quan ngành ngân hàng năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Nguồn: Vietnam Report, tháng 06/2024

Triển vọng tăng trưởng tích cực trên nền thấp của năm 2023

Ngành Ngân hàng khởi đầu năm 2023 với đỉnh lãi suất được xác lập nhằm kiểm soát lạm phát sau những thời kỳ dịch bệnh kéo dài. Nền kinh tế có những phản ứng tiêu cực trước mức lãi suất cao, các doanh nghiệp gặp áp lực trả lãi, lượng tiền gửi tại ngân hàng tăng cao và khó để giải ngân. Ngay trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa bình quân lãi suất tiền gửi và cho vay vào cuối năm giảm hơn 2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2022. Cùng với đó là sự phối hợp đồng bộ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về nới lỏng điều kiện cho vay, tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn trở lại sản xuất kinh doanh và những dự án đang vướng mắc. Tăng trưởng tín dụng đã bứt tốc vào cuối năm và đạt 13,8%, gần chạm ngưỡng 14,0% theo kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả có được, các ngân hàng cũng đã thấm mệt trước tốc độ tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế lớn vẫn chứng kiến lạm phát và duy trì lãi suất ở mức cao, căng thẳng chính trị tiếp diễn và mở rộng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển hàng hóa và an ninh khu vực. Những điều kiện bất lợi trên ảnh hưởng không nhỏ tới quốc gia hội nhập, có độ mở thương mại lớn như Việt Nam. Đơn hàng sụt giảm, tình hình tài chính khó khăn khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất hoặc có nhu cầu vay lại không đáp ứng đủ điều kiện. Xét nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng tăng trưởng khiêm tốn ở mức 3,32% so với năm 2022. Thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập hoạt động, nhưng kết quả năm 2023 chỉ tăng vỏn vẹn 2,24% so với năm trước đó. Ngoài ra, mảng thu nhập ngoài lãi bị ảnh hưởng nặng nề do hàng loạt diễn biến bất lợi trên thị trường bảo hiểm, khiến doanh thu phân phối bảo hiểm qua ngân hàng - bancassurance của nhiều ngân hàng sụt giảm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng có xu hướng giảm trong khi những lo ngại về nợ xấu đã hiện hữu. Điều này phần nào cải thiện mức lợi nhuận nhưng cũng làm giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Kết thúc năm 2023, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng yếu, gần như đi ngang, kết thúc thời kỳ tăng trưởng đều và liên tục của những năm trước đó.

Tổng quan ngành ngân hàng năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Nguồn: Vietnam Report tổng hợp

Bước sang năm 2024, mức đáy lãi suất đã được ghi nhận khi lạm phát cơ bản ổn định. Việc duy trì mức lãi suất thấp xuyên suốt năm nay là điều cần thiết để kích thích tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn luân chuyển, nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, thị trường đã có sự thích ứng với những chính sách cứng rắn để điều tiết thị trường phát triển lành mạnh, những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ bắt đầu cho thấy hiệu quả, ngành Ngân hàng đã có những kết quả lạc quan hơn trong quý I/2024. Tổng thu nhập hoạt động tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong khi giảm gần 3,3% so với quý IV/2023. Điểm tích cực nằm ở mức lợi nhuận sau thuế đã tăng 10,2% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý trước. Để có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất ổn định ở mức thấp, các ngân hàng cần có mức biên lãi ròng (NIM) đủ để chống đỡ khi lãi suất tiếp tục là công cụ để cạnh tranh nhằm tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp hoặc nguồn vốn dồi dào. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong thời kỳ trước cũng có thể làm giảm áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến mức lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, mức lợi nhuận cao còn có thể đạt được khi ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 lại khá xa con số mục tiêu. Đến cuối tháng 5, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay, nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm 2024. Tăng trưởng tín dụng yếu đang làm trầm trọng thêm áp lực suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những con số về nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất 5,25-5,5% liên tục từ tháng 7/2023 và bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, trung bình lãi suất huy động tại các ngân hàng trong nước đang thấp hơn con số trên làm tăng áp lực tỷ giá, có thể tạo hiệu ứng bán ròng của khối ngoại. Ngay trong tháng 5, khối ngoại bán ròng khoảng 19 nghìn tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán, nâng con số bán ròng từ đầu năm đến nay lên tới 36 nghìn tỷ đồng, đây là mức bán ròng kỷ lục. Lãi suất của FED là chỉ báo quan trọng về nhiều khía cạnh, nếu mức lãi suất FED neo ở mức cao, thì ngành Ngân hàng vẫn có thể phải đi tìm đáy trong năm nay.

Tổng quan ngành ngân hàng năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, cập nhật đến tháng 5/2024

Nhìn chung, theo đánh giá của các chuyên gia, dù thị trường có thể chưa hoàn toàn thuận lợi nhưng với mức nền thấp của năm 2023, ngành Ngân hàng vẫn sẽ có mức tăng trưởng tương đối tích cực. Theo kết quả khảo sát chuyên gia và các ngân hàng năm 2024 của Vietnam Report, triển vọng tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong 6 tháng cuối năm cao hơn so với cùng kỳ với tỷ lệ 67,8%, tăng vượt bậc so với mức 14,3% trong khảo sát tương tự vào năm 2023 và cao hơn những gì đã được ghi nhận ở năm 2021 và năm 2023.

Ngành Ngân hàng phát huy cơ hội tăng trưởng nhờ lực đẩy từ chính sách

Với những triển vọng và thách thức đã được nhận diện, các ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report chỉ ra top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành năm 2024, bao gồm: (1) Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam; (2) Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số; (3) Các bộ luật được sửa đổi gần đây; (4) Những chính sách mới của NHNN; (5) Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động.

Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam năm nay đứng đầu trong số những cơ hội cho sự tăng trưởng mà các ngân hàng lựa chọn với tỷ lệ 100%. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, vượt kịch bản đề ra và có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 từ 6-6,5%. Tỷ lệ bình chọn trên cũng cho thấy sự lạc quan hơn của các ngân hàng trước mức tăng trưởng GDP ấn tượng trong quý đầu năm. Tiếp theo, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, internet banking và mobile banking đã liên kết mật thiết tới hoạt động của ngân hàng. Trước những lo ngại về an toàn hệ thống, rủi ro an ninh mạng nổi cộm gần đây, ngân hàng có nền tảng công nghệ số được đầu tư bài bản, vận hành hiệu quả sẽ giúp ngân hàng hạn chế những sự cố không mong muốn, gây ảnh hưởng đến hoạt động và hình ảnh xấu trong mắt khách hàng.

Tổng quan ngành ngân hàng năm 2023 và triển vọng tăng trưởng
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, cập nhật đến tháng 5/2024

Theo phản hồi của các NHTM, 2 cơ hội tiếp theo đều liên quan tới những điều luật, quy định, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động của ngành Ngân hàng, bao gồm một số chính sách, quy định tiêu biểu tại các văn bản quy định sau:

(i)Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Thông tư 02 giúp các doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới (do được giữ nguyên nhóm nợ), giúp doanh nghiệp, bên vay có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh và đầu tư. Nhằm đảm bảo đánh giá sát tình hình nợ và có nguồn lực xử lý nợ xấu (nếu xảy ra), các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung theo lộ trình (tối thiểu 50% năm 2023 và đủ 100% đến hết năm 2024), có phần bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro. Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 06/2024, tuy nhiên, để có thêm thời gian giúp các doanh nghiệp trả nợ và các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ, Thông tư 02 đang được NHNN đề xuất gia hạn hết năm 2024.

(ii) Văn bản số 10167/NHNN-CSTT về việc NHNN giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các NHTM ngay từ đầu năm tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM triển khai các sáng kiến ​​cho vay nhằm đẩy mạnh giải ngân. Đây là bước thay đổi quan trọng trong chính sách điều hành của NHNN khi những năm trước đây, room tín dụng được NHNN chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị rồi xem xét nới room. Thay đổi trên cũng là cơ sở để các ngân hàng chủ động thiết lập kế hoạch kinh doanh dài hạn và linh hoạt hơn.

(iii) Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024. Việc sửa đổi, bổ sung Luật này là cần thiết nhằm ổn định thị trường, duy trì hoạt động lành mạnh của toàn hệ thống, tránh thao túng thị trường và gây thiệt hại nghiêm trọng. Theo đó, tỷ lệ sở hữu tối đa của các tổ chức/cá nhân đều bị giới hạn; cấp tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có. Ngoài ra, Luật tăng cường siết chặt quản lý hoạt động bancassurance - vốn đang trong gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin. Các ngân hàng phải thành lập công ty con, hoặc phải tạo ra liên kết, độc lập với hoạt động của ngân hàng thương mại, khi muốn kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, trên đà phục hồi của nền kinh tế hiện nay cùng với những cải cách đang từng bước được thực hiện, ngành Ngân hàng được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường, giải ngân tín dụng, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh. Song, với những khó khăn vẫn đang phải đối mặt, ngành Ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt hơn, tận dụng tốt hơn nền tảng tài chính, xây dựng hình ảnh thương hiệu, bồi đắp thêm niềm tin khách hàng, vươn mình khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường./.