Theo Bộ Công Thương, ngày 3 tháng 11, Ủy ban châu Âu đã đăng công báo Quy định số 2021/1900, ban hành ngày 27/10/2021, sửa đổi Quy định (EU) 2019/1793 về việc áp dụng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số thực phẩm được nhập khẩu vào EU.

Theo đó, đối với Việt Nam, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với các loại rau thơm và hoa quả như sau: Rau mùi: 72%; Húng quế: 20%; Bạc hà: 30%; Rau mùi: 40%; Đậu bắp: 20- 30%; Hạt tiêu: 20%; Thanh long: 10%.

Quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 15/11/2021.

Theo định kỳ, cứ 6 tháng một lần, Ủy ban sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ ngày 15/11/2021, xuất khẩu rau, quả vào EU sẽ theo quy định mới
An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực thực phẩm ở EU

EU nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển. Các sản phẩm được người tiêu dùng EU ưa chuộng và nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường này gồm: bơ, xoài và khoai lang. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra cơ hội lớn cho rau quả Việt xuất khẩu vào thị trường này.

Thời gian qua, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Tính riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả, trái cây của nước ta sang EU đạt 88,5 triệu USD.

Các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam gồm xoài, chanh leo, nhãn, vải, măng cụt, mít, ổi, rau gia vị, khoai lang… Tuy nhiên, hiện kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào EU hiện mới chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, tương đương 0,36% lượng nhập khẩu của EU. Xuất khẩu rau quả sang EU vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Đánh giá về thị trường này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mặt hàng rau quả xóa bỏ 100% dòng thuế xuất khẩu.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với xuất khẩu cung không hề nhỏ. Cụ thể, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng; cam kết FTA không giúp gỡ bỏ hay giảm bởi các TBT, SPS…

Bên cạnh đó là những thách thức từ nội tại của trái cây Việt, như sức cạng tranh ở các khía cạnh phi cam kết gồm: chất lượng, mẫu mã, giá cả, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực thực phẩm ở EU. Hầu hết người mua đều yêu cầu có sự bảo đảm thêm từ người bán dưới dạng chứng nhận.

Theo đó, tất cả người mua trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thương nhân, nhà chế biến thực phẩm và nhà bán lẻ yêu cầu triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên phân tích mối nguy và các điểm kiểm soát quan trọng (HACCP)./.