“Căn cứ Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và dự kiến Chương trình công tác của Ủy ban Pháp luật năm 2022, trên cơ sở tổng hợp các đề xuất giám sát, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã thảo luận và thống nhất dự kiến Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022 trình Ủy ban xem xét, quyết định…”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết, khi trình bày Tờ trình về chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022 tại phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban để thảo luận, thông qua chương trình giám sát năm 2022 của Ủy ban với nhiều nội dung giám sát đáng chú ý, theo Văn phòng Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ giám sát nhiều nội dung “nóng”
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên trình bày Tờ trình về chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022. Ảnh Quốc hội

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban tán thành với nội dung tại Tờ trình. Có ý kiến cho rằng, năm 2022, dự báo đất nước tiếp tục đối mặt nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch covid-19, dự kiến chương trình giám sát của Ủy ban đã cơ bản dự liệu, bao quát được tình hình, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, phương thức giám sát cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như bối cảnh mới.

Một số ý kiến khác tán thành với đề xuất, tổ chức phiên giải trình về một số nội dung thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách được cử tri, dư luận quan tâm. Trong đó, có nội dung việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc bức xúc, dư luận chú ý thuộc thẩm quyền xử lý của Ủy ban Pháp luật; một số vấn đề nổi lên qua hoạt động giám sát chuyên đề về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ giám sát nhiều nội dung “nóng”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, năm 2022, Ủy ban Pháp luật sẽ giám sát nhiều nội dung. Ảnh: Quốc hội

Theo Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022, vừa được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong tới, Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành các hoạt động sau:

(1) Giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban Pháp luật phụ trách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành theo thẩm quyền; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra toàn diện hơn, sâu hơn đối với báo cảo của Chính phủ về ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật...

(2) Tổ chức phiên giải trình về một số nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Pháp luật, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

(3) Chủ trì tham mưu, giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan đến nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; cử thành viên tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thực hiện các hoạt động giám sát khác theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(4) Chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; các báo cáo khác theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(5) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách./.