Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian này, Bộ đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long; ban hành các Quyết định phê duyệt dự toán chi phí lập Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vẫn còn nhiều vướng mắc khiến công tác quy hoạch còn chậm
Để hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, còn rất nhiều việc phải làm.

Thực hiện Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Bộ đã có các báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội và Chính phủ, tham mưu Chính phủ báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội để tiếp thu, giải trình và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch. Trên cơ sở đó, ngày 27 tháng 5 năm 2022, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã ban hành Báo cáo số 166/BC-ĐGS về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2022 về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 trong thời gian tới.

"Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 61/2022/QH15 trên cơ sở góp ý của Bộ, ngành và trình Chính phủ xem xét ban hành", Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.

Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và và Hồ sơ trình xin ý kiến Bộ Chính trị (Theo Chương trình công tác của Ban cán sự Đảng Chính phủ, nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia” sẽ được Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến trong tháng 9/2022). Bên cạnh đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030.

Về triển khai lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch 05 vùng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030; Bộ đã ban hành các Quyết định phê duyệt dự toán chi phí lập Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về triển khai lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Trên cơ sở theo dõi, tổng hợp của Bộ, hiện nay đã có 37/38 quy hoạch ngành quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch. Trong đó, có 04/38 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt và 15/38 quy hoạch ngành quốc gia đã lập xong, đang lấy ý kiến và trình thẩm định (trong đó, có 06 quy hoạch đã được tổ chức thẩm định xong; 01 quy hoạch đang trình thẩm định).

Về triển khai lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Trong đó, đã có 31 quy hoạch tỉnh được lập (bao gồm 01 quy hoạch đã được phê duyệt, 07 quy hoạch tỉnh đã thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, 23 quy hoạch đã gửi xin ý kiến và chuẩn bị thẩm định. Các địa phương còn lại đang tích cực triển khai và phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 (riêng Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đồng Nai dự kiến hoàn thành trong năm 2023).

Mặc dù vậy, để hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, còn rất nhiều việc phải làm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, "khung định hướng thì chúng ta xong rồi, nhưng mà đó chỉ là dự kiến, đang lấy ý kiến trong Chính phủ, nhưng chưa xong. Quy hoạch của các vùng thì mới chỉ là đề xuất, không phải văn bản pháp lý. Ngày 20/10 khai mạc kỳ họp Quốc hội, trước đó, theo quy định, phải trình trước. Muốn trình được sang Quốc hội, Chính phủ, Bộ Chính trị phải phê thông qua".

Xác định khó khăn và thời hạn rất gần phải hoàn thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các đơn vị cần chủ động bám sát và kịp thời tham mưu Chính phủ triển khai thực hiện các bước tiếp theo ngay sau khi Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến đối với nội dung “Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia”.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nội dung cần thiết về quy hoạch 5 vùng còn lại ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đôn đốc các các địa phương còn lại hoàn thiện hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch tỉnh trước ngày 31/12/2022.

Một vướng mắc lớn hiện nay được Bộ trưởng đề cập đến đó là tình trạng chậm trình Chính phủ sau khi được thẩm định của các quy hoạch tỉnh.

“63 quy hoạch của địa phương, hiện nay chúng ta đã thẩm định được 9 quy hoạch rồi, thế nhưng vừa rồi 8 địa phương không trình lại Chính phủ, còn 1 địa phương trình lại và được thông qua là Bắc Giang. Bây giờ tăng tốc lập và thẩm định quy hoạch, nhưng về rồi các địa phương lại không hoàn thiện ngay và trình Chính phủ vì đang vướng chỉ tiêu đất công nghiệp", Bộ trưởng cho biết và băn khoăn, "Vậy thì bây giờ chờ cái đó để hoàn thiện quy hoạch hay cứ hoàn thành quy hoạch rồi điều chỉnh chỉ tiêu đất công nghiệp sau, là một vướng mắc rất lơn hiện nay”./.