Chiều 21/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 3 câu hỏi cần giải đáp để đạt các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, dù kết quả nửa đầu năm 2023 chưa đạt được như kế hoạch, nhưng khái quát chung thì kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, cân đối lớn được đảm bảo, vừa xử lý được các vấn đề trong ngắn hạn, vừa xử lý được các vấn đề trong dài hạn. Ảnh: Đức Thanh

Bộ trưởng cũng chia sẻ những lo lắng trước những diễn biến vô cùng phức tạp của nền kinh tế thế giới trong năm bản lề 2023. Đó là những biến động nhanh, khó lường của nền kinh tế thế giới. Tình hình xung đột Nga – Ukraine; chính sách tiền tệ thì thắt chặt, chính sách bảo hộ thì gia tăng… đã tác động ngay tới kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rất lớn, nên khi những biến động bên ngoài như vậy, thì tác động rất lớn tới kinh tế trong nước. Đặc biệt là tác động tới thị trường bất động sản, thu hút đầu tư khó khăn rất nhiều, cạnh tranh nhau rất lớn.

Hệ thống văn bản luật được hoàn thiện rất nhiều, nhưng vẫn chưa đáp ứng được, vẫn chồng chéo; thủ tục rườm rà, rào cản cho nền kinh tế; thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi.

Theo Bộ trưởng, dù kết quả nửa đầu năm 2023 chưa đạt được như kế hoạch, nhưng khái quát chung thì kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, cân đối lớn được đảm bảo, vừa xử lý được các vấn đề trong ngắn hạn, vừa xử lý được các vấn đề trong dài hạn. Trong bối cảnh hiện nay, những kết quả trên là đáng khích lệ.

Bộ trưởng nhận định, những tháng cuối năm còn rất nhiều khó khăn dù Quốc hội rất ủng hộ Chính phủ trong các quyết sách, nhằm phục hồi kinh tế - xã hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, người dân là rất lớn.

"Chúng ta bám sát thực tiễn, tình hình để dự báo và tham mưu các chính sách cho các cấp, các ngành một cách kịp thời, mau lẹ và chính xác. Khối lượng công việc thì rất nhiều, tính chất công việc phức tạp, yêu cầu phải nhanh. Nhiều khi chỉ đi họp cũng không đủ thời gian", Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rất nỗ lực mới đáp ứng được các yêu cầu của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội cũng như các cấp liên quan khác. Đồng thời, những vấn đề phát sinh không nằm trong kế hoạch được giao cho Bộ cũng rất nhiều.

"Nhiều cái không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đơn cử, Nghị quyết đặc thù của TP. Hồ Chí Minh cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi có nhiều nhiệm vụ thuộc các bộ, ngành khác", Bộ trưởng nói và khẳng định, những yêu cầu, nhiệm vụ ấy Bộ không thoái thác, luôn bám sát để hình thành các luận cứ, cơ sở thực tiễn.

Nói vui rằng, "có khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đăng đàn ở Quốc hội nhiều nhất", Bộ trưởng chia sẻ "mỗi kỳ họp Quốc hội, tôi phải đăng đàn khoảng 10 lần, đọc báo cáo, tiếp thu, giải trình, tham gia trả lời chất vấn".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng vui mừng chia sẻ rằng, công tác kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm tốt, nhất là đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ...

"Gần đây chúng ta triển khai Nghị quyết về các vùng kinh tế, giờ mới làm được vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng… 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về các vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thường trực các hội đồng điều phố vùng. Tới đây để duy trì hoạt động của các tổ công tác, các hội đồng điều phối vùng là nhiệm vụ rất lớn", Bộ trưởng nói.

Về quy hoạch, theo Bộ trưởng, đây là một nhiệm vụ lớn, được triển khai nhanh từ đầu năm 2023. Đến nay đã thẩm định được quy hoạch của 44 địa phương.

"Bất kể lúc nào các địa phương đủ điều kiện là họp thẩm định ngay", Bộ trưởng khẳng định. Quy hoạch ngành đã phê duyệt được 11, 17 quy hoạch khác đang hoàn thiện, 10 quy hoạch khác đang lập và lấy ý kiến. 6 quy hoạch vùng đã phê duyệt được 1, còn 5 quy hoạch khác đang tư vấn, hoàn thiện lần đầu, phấn đấu báo cáo lần đầu vào cuối tháng 8 để tất cả các quy hoạch hoàn thành đồng bộ trước 31/12/2023.

"Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ nhưng không xem nhẹ chất lượng, không phó mặc cho tư vấn. Đây là cơ hội để sắp xếp, phân bổ, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả", Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế chia sẻ, ban đêm, tuần hoàn, số, xanh, phát triển bền vững.

Khẳng định, các kết quả như vậy là do tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, trên dưới một lòng nên công việc trôi chảy.

"Năng lực tổ chức công việc của các cấp trong Ngành đều “thiện chiến, chuyên nghiệp”", Bộ trưởng nêu thêm lý do.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng một Nhà nước kiến tạo, Chính phủ kiến tạo vượt qua giai đoạn khó khăn này để phát triển trong thời gian tới.

"Năm nay việc đạt 6,5% tăng trưởng mà 6 tháng mới đạt 3,72%, thì nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, chưa kể nhiệm vụ tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ", Bộ trưởng nêu vấn đề và lo lắng, nếu năm nay không đạt thì khó cho các năm sau, cho cả nhiệm kỳ và cả giai đoạn đến năm 2030, năm 2045, mà mục tiêu là trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Vì thế, Bộ trưởng khẳng định, Hội nghị này là cơ hội kiểm điểm lại 6 tháng. "Chúng ta cần xem xét những gì đã làm được, chưa được, làm rõ những khó khăn, thách thức hiện nay", Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng đề nghị Hội nghị phải tập trung trả lời ba câu hỏi để thực hiện các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm: Một là, khó khăn thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp là gì? Hai là, phản ứng chính sách thích ứng với tình hình thế giới là gì? Ba là, đâu là động lực đột phá cho tăng trưởng hiện nay và các chính sách nào thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn?./.