VASEP: Nhiều bất cập trong việc xác định trị giá hải quan
Theo quy định, nếu doanh nghiệp ký hợp đồng mua hàng với các điều kiện đã bao gồm cước, phí vận tải như: CFR, CIF… Có nghĩa là tất cả các cước, phí liên quan đến lô hàng là người bán đã tính hết vào giá bán của lô hàng đó để người mua thanh toán, và người bán đã thanh toán toàn bộ cước, phí có liên quan đến việc vận chuyển lô hàng đó đến cảng Việt Nam.
Nếu cơ quan hải quan cộng thêm 1 lần nữa các loại phí này vào trị giá hải quan thì vô hình chung phí này đã được cộng vào giá 2 lần, không phản ánh đúng giá thực tế thanh toán.
Trong trường hợp doanh nghiệp mua hàng với điều kiện đã bao gồm cước, phí (CFR, CIF….), nhưng vẫn phải thanh toán cước, phí đó tại đầu Việt Nam thì khi tính trị giá hải quan, cơ quan Hải quan phải trừ ra phần cước, phí mà doanh nghiệp phải thanh toán tại đầu Việt Nam. Đây là các khoản phải trừ theo qui định tại điểm c, khoản 2 điều 15 Thông tư 39/2015/TT-BTC.
VASEP cho rằng, các phí CIC, DO, vệ sinh container đều là các phí phát sinh sau khi hàng về cảng và thanh toán tại Việt Nam, không phải là phí mà doanh nghiệp trả khi hàng còn chưa đến cảng. Chỉ khi doanh nghiệp làm thủ tục nhận container thì hãng tàu mới thu các phí này.
Do đó, căn cứ theo khái niệm trị giá hải quan là các chi phí phải thanh toán trước khi hàng đến cửa khẩu nhập đầu tiên như các quy định nói trên thì các phí này không phát sinh trước khi đến cửa khẩu nhập đầu tiên mà phát sinh sau khi hàng đã đến cửa khẩu nên không phù hợp để tính vào trị giá hải quan của lô hàng đó.
|
Nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong việc xác định trị giá hải quan |
Bên cạnh đó, về mặt thực tiễn, các loại phí này khi thu, hãng tàu đều phát hành hoá đơn VAT.
Như vậy, nếu cơ quan Hải quan yêu cầu cộng thêm phí này vào trị giá tính thuế thì sẽ khiến số thuế VAT của phí này bị nhân đôi lên vì khi cộng vào trị giá tính thuế trên tờ khai hải quan thì số thuế VAT trên tờ khai sẽ đội lên tương ứng. Nhiều trường hợp, các loại phí này doanh nghiệp chỉ biết chính xác khi làm thủ tục nhận container tại hãng tàu, như vậy trước đó doanh nghiệp không thể biết chính xác trị giá các phí này là bao nhiêu để khai vào tờ khai và nếu có khai cũng như không có chứng từ đính kèm để chứng minh giá trị mà doanh nghiệp khai là đúng. Do đó, hậu quả là doanh nghiệp sẽ phải khai đi khai lại rất nhiều lần.
Các doanh nghiệp cho rằng, phí CIC/EIS đa phần chỉ phát sinh khi doanh nghiệp nhập hàng từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, không phải hãng tàu nào cũng có phí này. Các hãng tàu lớn có lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu ở các nước cân đối thì không xảy ra trường hợp mất cân bằng container nên không phát sinh phí này.
Như vậy, nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu (tức là thuế VAT = 0%). Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%.
Đối với phí vệ sinh container thông thường, doanh nghiệp xác định được số tiền trước khi khai hải quan. Nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phí này phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu (tức là thuế VAT = 0%). Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%.
Đối với phí vệ sinh container chuyên dụng (hay còn gọi là phí vệ sinh container công nghiệp), doanh nghiệp chỉ biết mức phí sau khi đã dỡ hàng và trả container rỗng (tức là sau khi hàng đã đến cảng nhập khẩu rồi).
Liên quan đến phí D/O, nếu phí này liên quan đến vận chuyển thì phải thuộc diện không chịu thuế VAT giống như cước tàu (tức là thuế VAT = 0%). Nhưng trong thực tế, phí này đang chịu mức thuế VAT 10%.
Để đảm bảo công bằng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tháo gỡ các vướng mắc bất cập của doanh nghiệp, nhất là khi các chi phí của doanh nghiệp đang ngày càng tăng cao như hiện nay, VASEP kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét: Đối với phí CIC/EIS, hiện tại phí này có thuế VAT, cho nên nếu chưa có hướng dẫn quy định thuế VAT 0% cho loại phí này thì đề nghị Tổng cục Hải quan không truy thu và không kiểm tra sau thông quan đối với phí này.
Đối với phí vệ sinh container, doanh nghiệp kiến nghị các quy định cần phân biệt rõ nếu các loại phí này đã nằm trong giá mua với điều kiện bao gồm cước, phí thì không cộng thêm vào trị giá hải quan. Trong đó, đối với phí vệ sinh container nếu chưa có hướng dẫn nào đồng ý VAT bằng 0% cho loại phí này thì không truy thu và không kiểm tra sau thông quan phí này như quy định trong công văn số 1237/TCHQ-TXNK.
Đối với phí vệ sinh chuyên dụng, VASEP đề nghị không đưa vào trị giá tính thuế mà áp dụng theo luật thuế VAT như hiện nay. Đối với phí DO, đề nghị không cộng phí này vào trị giá tính thuế vì không liên quan đến cước tàu và phí này cũng đang áp dụng mức VAT 10%./.
Bình luận