Về với Tây Nguyên
Không cần am tường lắm, nhưng nói tới Tây Nguyên, người ta có thể hình dung một nơi xa xăm, diệu vợi, mênh mông, huyền bí. Đúng là Tây Nguyên xa thật, gần như cách biệt với đồng bằng; Tây Nguyên diệu vợi, bởi đó là núi và rừng, thăm thẳm; Tây Nguyên mênh mông, bởi đó là dãy cao nguyên trải dài suốt miền Tây Trung bộ; Tây Nguyên huyền bí, bởi gắn liền với biết bao sử tích; tiếng cồng, tiếng chiêng còn, thì Tây Nguyên còn huyền bí.
Vũ điệu Tây Nguyên - Ảnh: Đỗ Nam
Tây Nguyên, hay cao nguyên miền Trung, hay cao nguyên phía Tây, ngay tên gọi của nó đã chỉ rõ tính chất và vị trí địa lý: cao nguyên miền Trung, phía Tây đất nước. Chạy dài từ vĩ tuyến 15 xuống đến vĩ tuyến 11, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía nam giáp tỉnh Bình Phước, đông giáp các tỉnh ven biển miền Trung Trung Bộ, tây giáp nước Lào và CamPuChia với biên giới chung dài khoảng 700 km. Bao gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắknông, Lâm Đồng. Là nơi sinh sống của các dân tộc anh em như Ba na, Ê đê, Gia rai, Giẻ chiêng, Xê đăng, Mơ nông, Cờ ho…
Đất Tây Nguyên thường là màu đỏ Bazan, rất màu mỡ. Người ta nói đó là do con rồng lửa hung ác phun lửa nên đất mới có màu như vậy. Sau thì con rồng đó cũng bị một người anh hùng tiêu diệt, xác nó rơi xuống và tan hòa vào đất Tây Nguyên, vốn đã đỏ, còn đỏ hơn.
Người anh hùng tiêu diệt rồng lửa, vốn là con cháu dòng dõi Lạc - Hồng. Tích xưa kể rằng, bà Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm tràng trai khỏe mạnh. 50 người anh theo cha là Lạc Long Quân xuống biển, 50 người em theo mẹ lên rừng, làm ăn sinh sống. Trải qua nhiều đời, người Ba na, Ê đê, Gia rai, người Dao, Tày, Mường… ngày nay, là con cháu của 50 người con lên rừng, còn người Kinh, là con cháu của những người xuống biển. Nghĩa là anh em một nhà, cùng dòng giống con Lạc, cháu Hồng cả. Vậy nên, người Việt trong một nước, mới gọi nhau là đồng bào, ngụ ý là sinh ra từ một bọc.
Cha ông ta thật thâm trầm, sâu sắc, ngay từ thời mở nước đã truyền dạy cho con cháu lễ nghĩa căn bản của cuộc đời. Đó là nguồn gốc giống nòi, ân đức tổ tiên, sức mạnh đoàn kết, mà thiếu những điều này, thì làm người chẳng đặng, dân tộc diệt vong. Chính vì vậy, trải hàng ngàn năm, qua đời đời, nước Việt nhỏ bé vẫn đứng vững giữa phong ba bão táp, giữa những cuộc chiến điêu tàn do ngoại xâm cường địch. Các dân tộc anh em đùm bọc, thương yêu, dựa vào nhau mà sống, thiếu muối thì người anh dưới biển đưa lên, thiếu thịt rừng thì em mang biếu tặng, khi giặc đến thì cùng nhau cố kết, rừng biển đất trời ta thành thiên la địa võng vây bổ, tiêu diệt quân thù. Sức mạnh trăm họ một nhà, anh em đoàn kết đã trở thành thứ vũ khí vô địch, chiến thắng hết thảy mọi âm mưu cường bạo.
Và mai sau nữa, anh em dưới xuôi, trên ngược, sẽ mãi chung tay xây dựng một Tây Nguyên xanh, thêm xanh. Xây dựng cơ đồ nước Việt giàu đẹp, thêm đẹp giàu.
***
Tây Nguyên có một vị trí địa - chính trị hết sức quan trọng, bởi xuất phát từ thế đứng “nóc nhà Đông Nam Á”. Tây Nguyên như cái vòng xoay giao lộ, nhìn sang hai phía bên kia là Lào và Campuchia, hai bạn láng giềng. Tây Nguyên cũng như ải trấn, chia cắt duyên hải trung bộ ra làm hai phần. Đứng chân ở Tây Nguyên, có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, cả biển, cả trời, cả núi cả rừng.
Chính vì có vị trí quan trọng như vậy, những thế lực ôm mộng xâm chiếm nước ta luôn luôn dòm ngó Tây Nguyên. Có kẻ đã nói, khống chế Tây Nguyên, là làm chủ Đông Nam Á. Gần đây, trong hai cuộc kháng Pháp và Mỹ, kẻ địch đều dùng sức mạnh, cố chiếm và giữ cho được Tây Nguyên, phục vụ cho mưu đồ thống trị của chúng.
Trong kháng Pháp, quân dân ta đã cùng chiến hào với quân dân hai nước láng giềng, anh dũng đánh cho địch tơi tả trên chiến trường cao nguyên. Các trận đánh lớn ở Atôpơ, cao nguyên Bôlôven, Thượng Lào, đã phối hợp với Tây Nguyên liên tục làm quân Pháp bối rối, liên tục tiêu hao sinh lực chúng; làm cho chúng chiếm không được, bỏ không được, giữ không xong, phối hợp chặt chẽ với chiến trường cả nước, với chiến trường Đông dương, làm cho địch bị động, phải chia quân đối phó ở nhiều nơi, phá tan ý đồ tập trung quân chủ lực của “kế hoạch Nava”, chia lửa và góp phần thắng lợi trên chiến trường Điện Biên phủ - trận đánh quyết định cục diện chiến tranh, cuối cùng đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của giặc Pháp, buộc chúng phải cuốn gói về nước.
Còn trong kháng chiến chống Mỹ, một lần nữa Tây Nguyên lại chứng tỏ được vị thế quan trọng của mình. Bước vào chiến cuộc Đông - Xuân 1975, dựa trên thực tế tình hình, so sánh thế, thời, lực giữa ta và địch, Bộ Thống soái tối cao đã xác định quyết tâm chiến lược là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong hai năm 1975, 1976, trong đó đưa ra phương án thời cơ là nếu gặp thuận lợi, có thể dốc toàn lực giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Quyết tâm chiến lược đã có, vấn đề là chọn đột phá điểm ở đâu. Cuối cùng Tây Nguyên được chọn là chiến trường chính, tiến hành chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng công kích, Tổng tiến công, Tổng nổi dậy mùa Xuân 1975.
Việc chọn Tây Nguyên làm nơi tiến hành chiến dịch mở màn, là kết quả phân tích thấu đáo, phân tích toàn diện tình hình chiến trường; kết quả của mưu kế và bố trí thế trận chiến lược. Phương châm của chúng ta là: đánh vào nơi có vị trí chiến lược quan trọng, có thể đi đến quyết định cục diện, nhưng cũng phải là nơi địch tương đối yếu, tương đối sơ hở, ta có thể phát huy ưu thế bất ngờ, chủ động.
Thực hiện mưu kế chiến lược đó, ta đã thực hiện ghìm địch ở hai đầu Nam - Bắc chiến tuyến là Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, bằng cách áp sát các quân đoàn chủ lực của ta (Quân đoàn 1 ở bờ bắc sông Bến Hải, Quân đoàn 2 ở tây Huế, Quân đoàn 4 ở đông bắc Sài Gòn), buộc địch phải căng ra đối phó ở cả hai đầu, tập trung cả hai sư đoàn dự bị chiến lược vào giữ Sài Gòn và Huế - Đà Nẵng, để sơ hở quãng giữa là Tây Nguyên.
Chọn Tây Nguyên là chiến trường chính, tiến hành chiến dịch mở màn, lại đặt ra vấn đề trận then chốt, trận đánh mở đầu ở đâu? Buôn Mê Thuột được chọn, và từ đây lại diễn biến hàng loạt các mưu kế chiến dịch, nghi binh lừa địch rất tài tình (trước khi ta nổ súng đánh Buôn Ma Thuột, tướng giặc còn không biết ta đánh ở đâu, chúng nghiêng về giả thuyết ta sẽ đánh PleiKu - Kon Tum và đã buông lỏng Buôn Ma Thuột làm mồi ngon cho ta).
Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã làm rung chuyển bộ máy của địch, làm cho chúng hoang mang mắc phải từ sai lầm này tới sai lầm khác, từ mất Buôn Ma Thuột tới mất toàn bộ Tây Nguyên; từ bỏ chạy khỏi Tây Nguyên dẫn tới sự hoảng loạn ở Huế - Đà Nẵng, Nha Trang - Khánh Hòa; Tây Ninh - Xuân Lộc; từ thất bại chiến dịch dẫn tới thất bại chiến lược; từ thua đau về quân sự đến hoảng loạn về tư tưởng chính trị; từ suy sụp và sụp đổ cục bộ dẫn tới suy sụp, và sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Sòn.
Có thể nói, địch thua trận Buôn Ma Thuột giống như sự sụp đổ của quân cờ domino, sụp đổ dây chuyền không gì cứu vãn nổi. Sự sụp đổ đó phản ánh một chân lý: không thể đảo ngược lại tiến trình của cách mạng, của chính nghĩa.
Tây Nguyên là mảnh đất thiêng, là mái nhà chung của đồng bào Việt Nam, không có kẻ nào có thể ôm mộng bá chủ vùng đất thiêng này, cũng như không thể nào chia cắt những người anh em chung một bọc, cùng một cha mẹ sinh ra.
***
Sau giải phóng, người dưới xuôi muốn lên Tây Nguyên, có thể tới ga Diêu Trì - Bình Định, dừng lại và đi xe đò, ngược về phía Tây, theo đường 19, hoặc đường 14, tức là đi lên Tây Nguyên. Cũng có thể bắt đầu từ Phú Yên, theo đường 7 thẳng tiến.
Còn bây giờ có thể đi theo một con đường mới, con đường gắn liền với Tây Nguyên, đó là con đường huyền thoại, đường Hồ Chí Minh.
Quê em hai mùa mưa nắng, câu ca này rất đúng với Tây Nguyên. Mùa khô gió lồng lộng, bụi đỏ bám hàng lớp dầy trên lá cây. Mùa mưa trời xầm xì, đường lầy nhão nhoẹt, đất đỏ bám lấy chân người.
Nhưng những khắc nghiệt của thiên nhiên, đã dần bị bàn tay con người chế ngự. Về Buôn Ma Thuột hôm nay, mới thấy hết sự náo nhiệt của thủ phủ cao nguyên. Náo nhiệt mà cũng hết sức thơ mộng. Sáng sớm trời se lạnh, sương mờ giăng giăng, rất đặc trưng cao nguyên. Gần trưa nắng đỏ chói mặt, ngựa xe tấp nập. Chiều tối man mác, những quán cà phê dập dìu nam thanh nữ tú, thương hiệu càphê Trung Nguyên vốn nổi tiếng toàn quốc, người Tây Nguyên cũng nổi tiếng chịu chơi.
Dạo nào người ta so sánh: Tây Nguyên còn ăn chơi hơn cả Sài Gòn. Vác một bì cà phê lên thành phố, có thể tiêu xài thoải mái. Xong rồi còn có thể dắt thêm một cô bạn gái về nhà…
Sang Pleiku, thậm chí còn náo nhiệt hơn. Thành phố trẻ uốn lượn theo thế núi, mua bán tấp nập. Nhiều người cứ nghĩ Tây Nguyên nắng gió, nhưng thực ra ở đây, Pleiku cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng khí hậu vùng cao, như kiểu Đà Lạt, nên con gái da trắng mịn màng, rất đẹp, nhìn thấy thoả con mắt.
Du lịch là một trong những thế mạnh của Tây Nguyên
Nhưng, sự náo nhiệt chỉ ở các thành phố lớn, về vùng xa, thấy đồng bào còn nghèo khó lắm. Dừng chân ở một bản, vùng Đức Cơ, Gia Lai, ăn ở một quán nhỏ ven đường. Buổi tối chủ quán mở tivi, thấy bà con mình thậm thò đứng ngó. Nhớ lại cách đây ít năm, ở dưới xuôi còn ít tivi lắm, người lớn, trẻ con cứ tối tối lại phải đi xem nhờ. Bây giờ, ở trên này cũng có điện rồi, nhưng hiếm gia đình đồng bào nào có tivi, cũng phải như mình ngày xưa, tức là còn thiếu thốn, còn nghèo văn minh lắm.
Nhà sàn của bà con bây giờ, thường không lợp lá, mà lợp tôn, do chính phủ cho. Tôn thì tránh được mưa, nhưng không tránh được nóng. Chính phủ còn lo làm đường, mắc điện, đào giếng cho bà con. Nhưng khổ nổi, tập quán lâu rồi, quen rồi, nước giếng bà con ít dùng, mà lại thích dùng nước suối, nước máng, không ít người đau bụng, kinh niên.
Tây Nguyên mùa lễ hội
Có dịp đi theo bà con, “nao hoa”, tức là đi nương, mới thấy hết sự vất vả. Có khi nương nằm chênh vênh trên triền núi dốc, đá lởm chởm. Chọc lỗ xong rồi thì tra hạt, rồi thì cắm lều canh giữ cả tháng trời. Đi nương thường là 5, 6 ngày, khi nào hết lương thực lại về. Có khi một mình ở giữa rừng núi, cui cút làm bạn với chim thú rừng.
Ngạc nhiên vì ở gần nơi ở, đất tốt lại không trồng tỉa. Hỏi thì bà con đáp rằng, sợ trâu bò nó phá. Ôi chao, con người nhỏ bé trước thiên nhiên, chẳng nhẽ lại bất lực trước muông thú, kể cả thú nuôi nữa hay sao?
Tới nhà, ngỏ ý muốn xin bữa ăn, người con gái lấy tay chặn nắp nồi cơm lại, miệng nói: “pi mo nhâm”, hỏi ra mới biết là: không có thịt. Lại nhớ đến mình, trước kia, hồi thiếu thốn, bữa cơm có thịt mới được gọi là đầy đủ, tiếp khách phải có đĩa thịt, dù là thịt gà, thịt heo, mới gọi là sang. Hồi đó, ăn uống đạm bạc tức là không có thịt, chỉ rau củ, quả, muối vừng, muối lạc, bát canh, quả cà. Còn bây giờ, thịt cá thừa mứa, chẳng buồn ăn, có khi còn sợ nữa (sợ thịt tăng trọng). Thế mà bà con, giống như mình ngày trước, còn thiếu thốn lắm. Tấm lòng hiếu khách, muốn mời ăn, nhưng ngại vì “không có thịt”, nghĩ mà thương. Đồng bào vùng cao, vùng sâu, bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi hơn, đi sau mình.
Người con gái vùng cao, khi mến thương ai, có chiếc vòng trao tay, gọi là gửi thương, gửi nhớ. Chiếc vòng, thường là vòng đồng, rất giản dị, có khi xấu xí thô mộc nữa, nhưng là vật quí của đôi trai gái, là biểu hiện trao gửi tình cảm thiêng liêng. Chiếc vòng đồng xấu xí, nghĩ mà thương. Bao giờ một người con gái vùng cao, nhiều người con gái vùng cao, mới có nhẫn vàng, vòng bạc trao tay?
Những đêm trăng sáng, thấy đồng bào lũ lượt ra đường. Hỏi thì bảo đi chơi. Càng lạ. Sau này mới biết, thành lệ rồi, buổi tối trăng sáng như ánh đèn, thú vị lắm, hay lắm. Bởi vậy mới đi chơi. Ồ, con người gần gũi với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm bạn. Nhưng cũng khổ, bao giờ điện mới sáng khắp buôn làng, đồng bào mới khỏi phụ thuộc vào thiên nhiên?
Binh đoàn 15 Tây Nguyên, sau những năm tháng cùng đồng bào tranh đấu nơi chiến trường, giờ đây lại cùng đồng bào chung tay xây dựng bản làng. Những cánh rừng cao su tít tắp, những nương cà phê xanh um, những khoảnh tiêu mỡ màng. Giờ đây đồng bào tham gia công trường nhiều, làm công nhân chung nhau, vui lắm. Có tiền rồi, ta sẽ mua ti vi, mua cái nhạc về vui cửa vui nhà, mua cái nồi cơm điện. Nhất định phải đuổi cái nghèo, cái khổ đi thôi, như trước kia ta xua lũ giặc vậy.
Xuân sắp về rồi. Mùa xuân này, tiếng cồng, tiếng chiêng, lễ hội đâm trâu, như mời gọi về với Tây Nguyên huyền bí.
Bình luận