Sự trở lại đầy nội lực

Đã từng là địa phương luôn đứng trong nhóm Top đầu nhiều năm trong Bảng xếp hạng PCI hàng năm, sau đó lại sụt giảm khỏi vị trí Top 10, Vĩnh Phúc vừa đánh dấu sự trở lại đường đua PCI với sự thăng hạng mạnh mẽ trong Bảng xếp hạng PCI năm 2021, vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 27/4 tại Hà Nội. Kết quả trở lại Top 5 cùng các địa phương trong nhóm dẫn đầu của cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã đưa Vĩnh Phúc về đích sớm mục tiêu trở lại đường đua giữ vững vị trí Top 10 cả nước, cao hơn kế hoạch đưa Vĩnh Phúc vào nhóm 15 địa phương dẫn đầu PCI đặt ra cho giai đoạn 2021-2025.

Vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng năm nay được đánh giá là sự trở lại đầy hứng khởi của tỉnh Vĩnh Phúc. So với năm 2020, xếp hạng PCI năm 2021 của Vĩnh Phúc thể hiện sự bứt phá ngoạn mục, tăng 24 bậc từ vị trí 29 vượt lên trở lại vị trí thứ 5 nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, nhiều chỉ số thành phần của tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều cải thiện mạnh mẽ, đạt điểm cao, như: Chi phí thời gian (8,46); Chi phí không chính thức (8,05); Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,78)....

Vĩnh Phúc thăng hạng TOP 5, trở lại đường đua PCI đầy nội lực
Vĩnh Phúc bứt phá trở lại ngoạn mục với vị trí thứ 5 Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ năm 2020, chính quyền Tỉnh đã đề ra mục tiêu “3 tốt” gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt, và phục vụ doanh nghiệp tốt. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản về thủ tục. Cụ thể, Vĩnh Phúc cam kết cắt giảm thời gian kiểm tra trước hoàn thuế giá trị gia tăng tại trụ sở người nộp thuế xuống còn 40 ngày làm việc và cắt giảm thủ tục hành chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước xuống dưới 115 giờ/năm. Đồng thời, Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng bộ phận một cửa liên thông, hiện đại ở cả 3 cấp. Đặc biệt, hệ thống đường dây nóng của Tỉnh được thiết lập và vận hành hiệu quả với 5 ngôn ngữ: Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Vĩnh Phúc thăng hạng TOP 5, trở lại đường đua PCI đầy nội lực

Vĩnh Phúc cũng ghi dấu ấn là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò của Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong năm 2021, Tổ giúp việc đã tổng hợp được 97 nhóm ý kiến từ các doanh nghiệp trong Tỉnh và trực tiếp hướng dẫn các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, cũng như kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh. Chương trình “Cà phê doanh nhân” do Vĩnh Phúc triển khai gần đây cũng góp phần tháo gỡ khó khăn cho 1.794 lượt doanh nghiệp về nhiều vấn đề, như giải phóng mặt bằng, hoạt động vận tải – giao nhận, thủ tục xuất nhập khẩu và các vấn đề liên kết chuỗi giá trị...

Vĩnh Phúc thăng hạng TOP 5, trở lại đường đua PCI đầy nội lực

Với nhiều nỗ lực sáng tạo và thiết thực, cùng với các tỉnh nằm trong Top 5 là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng, VCCI nhận định, Vĩnh Phúc là địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2021. “Đây cũng là địa phương có chuyển biến rất tích cực trong phát triển kinh tế và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 theo đánh giá của các doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định.

Tăng cường minh bạch và nâng cao năng lực chính quyền, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Chia sẻ về các chỉ số mục tiêu ưu tiên trong năm 2022 mà chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh cải thiện nhằm bứt phá cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì thứ hạng cao và tiếp tục thăng hạng các chỉ số, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh vào 2 trọng tâm, đó là gia tăng minh bạch và nâng cao năng lực của chính quyền. “Chỉ số đầu tiên mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là chỉ số minh bạch. Là một địa phương cấp tỉnh, chúng tôi có thể làm minh bạch thể chế, hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp để họ tiếp cận và đồng hành trong những việc chấp hành thể chế, đó là chỉ tiêu quan trọng nhất và nó quyết định các chỉ tiêu khác". Với chỉ số thứ hai là chỉ số năng lực của chính quyền, ông Lê Duy Thành cho rằng, khi chính quyền hiểu doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp, chính quyền thực sự vào cuộc với doanh nghiệp sẽ xây dựng sự đồng hành và sẽ góp phần tạo ra một sức mạnh để đưa con tàu kinh tế của Vĩnh Phúc đi lên.

Vĩnh Phúc thăng hạng TOP 5, trở lại đường đua PCI đầy nội lực
Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định kết quả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn cổ vũ động viên, là phần thưởng cao nhất đối với chính quyền các cấp của Tỉnh

Với phương châm kết quả đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là nguồn cổ vũ động viên, là phần thưởng cao nhất đối với chính quyền các cấp, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng tái khẳng định, để nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính một cách toàn diện trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường cải thiện đồng bộ chỉ số PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh. Đồng thời, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế theo kết quả đánh giá chỉ số cải cách hành chính năm 2021; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách; chủ động đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm giải phóng mọi nguồn lực của xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo mọi điều kiện thuận để doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn địa phương làm bàn đạp cất cánh cho các dự án kinh doanh và đầu tư tiếp tục là trọng tâm ưu tiên của địa phương với mục tiêu trung tâm là các doanh nghiệp không chỉ quy mô lớn mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Năm 2022, chúng tôi sẽ phải quan tâm hơn, nghiên cứu kỹ hơn để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi cảm nhận trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì và tiếp tục cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh này", Chủ tịch Lê Duy Thành trăn trở.

Kết thúc quý I/2022, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù phải đối mặt với tác động nặng nề từ diễn biến dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng tính chung quý I/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (tăng 5,03%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đạt mức tăng 14,52%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,10%, khu vực dịch vụ tăng 1,17%, thuế sản phẩm tăng 1,64%. Đặc biệt, khu vực công nghiệp - xây dựng, giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,52 %, đóng góp 7,19 điểm % vào tăng trưởng của tỉnh. Trong đó, công nghiệp tăng 15,7%, đóng góp 7,04 điểm%.

Vĩnh Phúc thăng hạng TOP 5, trở lại đường đua PCI đầy nội lực
Năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước

Trên lĩnh vực thu hút vốn FDI, năm 2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc ước thu hút được 1,1 tỷ USD, trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt khoảng 900 triệu USD và vốn tăng thêm khoảng 200 triệu USD. Tính lũy kế đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc có 429 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nổi bật là các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Các dự án FDI vào Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như công nghiệp điện tử, ôtô, xe máy…

Năm 2022, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 25 đến 30 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD; 5 dự án trong nước mới, tổng vốn đăng ký từ 700 đến 1.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, Tỉnh sẽ linh hoạt tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch.

Cùng với đó, chính quyền Vĩnh Phúc sẽ đôn đốc tiến độ triển khai các dự án để có thêm khoảng 30 đến 35 dự án đi vào hoạt động và vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 330 triệu USD, bên cạnh các dự án đầu tư trong nước đạt khoảng 600 tỷ đồng./.