Vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 4,7%
Tính đến ngày 31/03/2023, theo Bộ Tài chính, chỉ số VN-Index đạt 1.064,64 điểm, tăng 3,9% so với cuối tháng trước và tăng 5,7% so với cuối năm 2022; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 207,5 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng trước và tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM tính đến ngày 31/03/2023 đạt 5.474.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022, tương đương 57,5% GDP ước tính năm 2022.
Vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến ngày 31/03/2023 đạt 5.474.000 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022 |
Về thị trường trái phiếu Chính phủ, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2023, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỷ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 97,1% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng). Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10/3/2023, mặt bằng lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm và nhu cầu mua trái phiếu Chính phủ tăng cao trở lại (tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3/2023 đạt 3,39 lần, tỷ lệ này trong tháng 2/2023 là 2,99 lần).
Liên quan đến diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, trong quý I/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 24.708 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành kể từ ngày 06/03/2023 khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỷ đồng, tương đương 96% khối lượng. Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân lần lượt là 7,75%/năm và 2,37 năm.
Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, với khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó 4 các ngân hàng chiếm 77%.
Đáng chú ý, trong quý I/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19,2 nghìn tỷ đồng; 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán)./.
Bình luận