Theo VPBank (mã chứng khoán VPB niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh), khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35,9 nghìn tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng (trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam).

Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022, nhằm tăng cường năng lực tài chính dài hạn và giúp ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng chiến lược trong 5 năm tới.

VPBank bán 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank (bên phải) và ông Masahiro Yoshimura, Giám đốc Điều hành, Tổng trưởng Quản lý Đầu tư, Ngân hàng SMBC ký kết thỏa thuận (nguồn: VPB)

Trước đó, vào tháng 5/2022, hai bên đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác Kinh doanh. Cuối năm 2021, Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của SMFG đã mua lại 49% cổ phần tại FE Credit, công ty con của VPBank.

Ở vai trò là một nhà đầu tư chiến lược, SMBC sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á. Quá trình chuyển đổi số cũng là một trong những yếu tố được kỳ vọng đẩy nhanh sau khi SMBC tham gia vào hoạt động của VPBank, nhằm mang đến những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới đáp ứng đúng nhu cầu và hành vi của khách hàng.

Đối với SMBC, thông qua một ngân hàng bản địa như VPBank, tập đoàn này có thể tăng cường sự hiện diện và mở ra cơ hội cung cấp vốn cho các dự án đầu tư lớn trong nước, đặc biệt ở những lĩnh vực như: xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kinh doanh tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, phát triển bền vững mà tập đoàn đang có sự quan tâm.

VPBank hiện có sự hoạt động mạnh trong các phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến ngày 31/21/2022, tổng tài sản của VPBank đạt xấp xỉ 27 tỷ USD, với hệ số CAR gần 15%. Chốt phiên giao dịch ngày 27/3, cổ phiếu VPB có giá 21.250 đồng/cổ phiếu.

SMBC đang gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu với mạng lưới mở rộng tại 39 quốc gia và khu vực, bao gồm ở châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương./.