Xây dựng chuỗi cung ứng du lịch xanh: Nhìn từ thế giới và một vài đề xuất với Việt Nam
Sự cần thiết của chuỗi cung ứng du lịch xanh
Nhìn tổng thể, du lịch có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hoặc tàn phá các hoạt động kinh tế khác trên nhiều lĩnh vực. Thực tế dễ quan sát trực tiếp nhất là sự di chuyển của hàng đoàn dài khách du lịch khắp mọi nơi trên thế giới kèm theo sự gia tăng rác thải, khí thải, tắc nghẽn giao thông làm cho chất lượng cuộc sống của người dân địa phương giảm sút. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và liên lạc, ngày càng nhiều khách du lịch thám hiểm nhiều khu vực xa xôi của trái đất, gián tiếp tạo nên sự mất cân bằng hệ sinh thái.
Ví dụ, sự khai thác san hô vô tội vạ cùng với các dịch vụ du lịch thám hiểm vùng biển Thái Bình Dương phục vụ nhu cầu khách du lịch đã phần nào tạo dao động khí quyển gây ra El Nino - Southern Oscillation.
Một ảnh hưởng tiêu cực khác của hoạt động du lịch đối với nền kinh tế là việc mua bán, vận chuyển động thực vật quý hiếm thông qua con đường du lịch.
Strasdas (2017) ước tính có hơn 12.000 loài thực vật được vận chuyển và nhập khẩu vào châu Âu, trong đó 667 loài thực vật là nơi cư trú cho các loại động thực vật khác. Bên cạnh đó, nhiều động vật, thực vật bị mất nơi cư trú do đất đai được sử dụng nhiều hơn cho du lịch nghỉ dưỡng, nhất là đối với các nước đang phát triển, khi tỷ suất sinh lời từ hoạt động du lịch và các hoạt động hỗ trợ du lịch cao hơn tỷ suất sinh lời từ hoạt động nông nghiệp. Với sự gia tăng đột biến về lượng khách du lịch toàn cầu cũng như lượng khách du lịch, bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường thì du lịch còn là nguồn lây nhiễm dịch bệnh, di cư bất hợp pháp...
Vì thế, chuỗi cung ứng du lịch xanh gắn với phát triển bền vững trở thành đối tượng được quan tâm nghiên cứu xây dựng khung lý thuyết với mong muốn giảm thiểu tác động xấu của chuỗi cung ứng du lịch với môi trường.
Du lịch xanh và xây dựng chuỗi cung ứng du lịch xanh là xu hướng tất yếu của các quốc gia
Chuỗi cung ứng du lịch xanh: Nhìn từ thế giới
Chuỗi cung ứng du lịch xanh cũng giống như chuỗi du lịch sinh thái, nhưng hướng khách du lịch tới các hoạt động thân thiện với môi trường. Các tác giả trình bày hệ thống giải pháp xây dựng chuỗi du lịch xanh gắn với từng hoạt động trong chuỗi, có sự tham gia của cơ quan quản lý, các công ty tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động du lịch.
Đối với dịch vụ lưu trú
Về phía cơ sở lưu trú: Dịch vụ lưu trú sẽ phải có kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Nhiều khách sạn lớn như ở Malpes, Lanzarote, Kingfisher Bay (Úc), Mauritius và nhiều nơi nữa đang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các vùng xa xôi như đảo Rottnest và Couran Cove (Úc). Một số khách sạn sử dụng hệ thống tiết kiệm nước, tái sử dụng lại nước thải để tưới tiêu (grey water), sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Chuỗi khách sạn quốc tế Marriott, Radisson SAS, khách sạn và nghỉ dưỡng TUI và Accor thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo về các vấn đề môi trường như quản lý, xử lý, tái chế rác thải...
Các hoạt động quản trị rác thải trong khách sạn vừa giúp giảm chi phí vận hành khách sạn, giảm thiểu tác động của ngành du lịch tới ô nhiễm môi trường, xây dựng được hình ảnh đẹp của chính khách sạn, vừa thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý: Các cơ quan quản lý cũng có nhiều biện pháp quản lý, cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường của ngành du lịch. Ví dụ, các nước đưa ra hệ thống tiêu chuẩn và giấy phép (bao gồm dán nhãn sinh thái), thực hiện kiểm toán chặt chẽ hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ban hành quy định rõ rõ ràng trách nhiệm cho các cơ sở lưu trú khi gây ô nhiễm môi trường. Các quy định về trách nhiệm gây ô nhiễm môi trường cũng kết hợp chặt với việc quản lý nguồn nhân lực.
Bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, một số chuỗi khách sạn quốc tế cũng đề ra hệ thống tự chứng nhận về môi trường với yêu cầu cao hơn so với yêu cầu của chính phủ. Ví dụ, khách sạn Marriot, Radisson, Hilton và Accord ký thoả thuận công nhận với hệ thống lữ hành của Thuỵ Sỹ và hệ thống vận hành khách sạn của Tây Ban nha Iberosta trao giải thưởng về hoạt động du lịch và môi trường. Ngược lại các công ty du lịch tiếng tăm trên thế giới cũng cho ra đời tiêu chuẩn môi trường được và trao giải thưởng cho đơn vị lưu trú như Kuoni Thuỵ Sĩ, TUI, MyTravel Bắc Âu, First Choice, Hotelplan.
Đối với dịch vụ vận chuyển
Các công ty du lịch không có khả năng cắt giảm khí thải CO2 do phương tiện vận chuyển gây ra, nhưng các công ty du lịch có thể thiết kế hành trình, sử dụng phương tiện vận chuyển cho khách du lịch ít tạo ra khí thải nhất. Một vài công ty du lịch thiết kế hành trình chuyên chở bằng tàu hoả thay vì máy bay hoặc ô tô nếu có thể. SNP, công ty du lịch mạo hiểm lớn nhất Hà Lan, chỉ vận chuyển khách du lịch bằng tàu hoả cho các chuyến đi dưới 1000km và báo giá di chuyển bằng tàu hoả cho các điểm đến khác.
Nhiều hãng du lịch cũng đề xuất sáng kiến. Vasco Travel yêu cầu tài xế tắt động cơ khi ô tô dừng đèn đỏ hoặc chờ khách. Ở Pantanal (Brazil), hãng World Horse Riding hỗ trợ kinh phí thay máy tàu vận chuyển khách sử dụng động cơ hai kỳ chạy bằng xăng dầu với động cơ bốn kỳ sử dụng năng lượng mặt trời. Một số hãng lữ hành lại tính chi phí môi trường vào giá thành (thường là các công ty hướng vào đối tượng khách du lịch thu nhập cao) như High and Wild, Greentours, The Expedition Company, Discovery Initiatives, Club Robinson - part of TUI, South American Experience Ltd, The Last Resort, Wildlife World, Crystal Holidays, và sử dụng tiền vào các dự án giảm khí thải như Future Forests, Climate Care, C level và Cooflying hoặc đầu tư cho các dự án nghiên cứu, áp dụng năng lượng tái tạo. Những thông tin về giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như cách tính thuế được công bố công khai trên tờ rơi quảng cáo của Kuoni Thuỵ Sĩ, Guerba, Trips Worldwide, Island Holidays, Naturetrek, the Adventure Company và trên trang chủ của hãng Journey Latin America, The Gambia Experience đồng thời cũng khuyến khích sự đóng góp cá nhân từ khách du lịch trên cơ sở tự nguyện và minh bạch. Tuy nhiên, một vài ý kiến cho rằng cách tính phí môi trường vào giá thành chuyến đi và sử dụng cho các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không có nhiều tác động tới giảm thiểu ô nhiễm, nhưng phần nào cũng góp phần tạo ra sự nhận thức của khách du lịch về vấn đề môi trường.
Đối với dịch vụ di chuyển mặt đất, giải trí
Các hãng du lịch cũng chuyển phần lớn sản phẩm sang hoạt động du lịch sinh thái. Ví dụ điển hình nhất là hướng dẫn viên du lịch, văn phòng du lịch địa phương được đào tạo hướng dẫn khách du lịch tuân thủ quy định hành trình đảm bảo giảm thiểu tác động tới môi trường và tối đa hoá lợi ích kinh tế cho địa phương cung cấp dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên biện pháp này cũng không hiệu quả lắm, bởi hầu hết nhân viên du lịch địa phương là lao động tay nghề thấp, làm việc theo thời vụ trong khi hãng du lịch địa phương cũng không muốn bỏ tiền đào tạo bài bản cho nhân viên du lịch hoặc không muốn quản lý chặt chẽ do chi phí tăng cao, và chính họ cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên mục tiêu bảo vệ môi trường.
Nhiều công ty du lịch cung cấp dịch vụ du lịch chất lượng cao lại có hành động khác. Rainbow Tours, Inntravel và Guerba nhận thức tầm quan trọng lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ du lịch địa phương dựa trên yếu tố hoạt động vì cộng đồng và nguồn nhân lực, và thiết kế điều khoản bảo vệ môi trường trong thoả thuận dịch vụ với công ty du lịch địa phương. Sunvill Africa, Dragoman, Abercrombie & Kent, Exodus, and Andean Trails chi tiền hỗ trợ cho công ty lữ hành mặt đất cải thiện chất lượng dịch vụ. 40 hãng lữ hành thực hiện luật về quyền của người khuân vác trong du lịch leo núi mạo hiểm (Tourism Concern's Porters’ Rights Campaign). Một vài hãng lữ hành (Imaginative Traveler, Explore, Audley từ chối không sử dụng nhà cung cấp dịch vụ du lịch địa phương nếu công ty du lịch địa phương không đáp ứng được tiêu chuẩn du lịch và môi trường.
Bên cạnh đó, dịch vụ lữ hành mặt đất cũng nhận thấy các gói du lịch sinh thái khách du lịch gây tác động tiêu cực không nhỏ cho động thực vật tự nhiên và hoang dã. Các hãng du lịch cũng thiết kế chương trình vừa đảm bảo nhu cầu thám hiểm thiên nhiên, vừa bảo vệ được thiên nhiên.
Các công ty (Thomas Cook in Cuba, Jamaica and Egypt, TUI UK in Tunisia and Kenya) đưa chương trình giáo dục, hướng dẫn khách hàng không được phép mua bán động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như san hô, sừng hoặc ngà voi và các sản phẩm được luật pháp quốc gia và quốc tế bảo vệ. Bonaire Marine Park, Accor hotel group in the Red Sea, Hotel association in Fiji yêu cầu khách du lịch phải tham gia chương trình học tránh tàn phá san hô trước khi lặn xuống đáy biển.
Đối với dịch vụ nhà hàng, đồ ăn
Thức ăn được coi là nguồn tạo lợi nhuận lớn cho người dân địa phương tổ chức du lịch. Tiêu chí chính cho nhà cung cấp thức an là chất lượng, sự tin cậy và số lượng thực phẩm cung cấp. Đi kèm với dịch vụ cung cấp thức ăn là chuỗi cung ứng dự trữ, mạng lưới phân phối giữa các nhà cung ứng nhỏ lẻ với khách sạn.
Nhiều công ty du lịch tổ chức hành trình khám phá điểm du lịch với thức ăn địa phương, và kèm theo là bài học về sự khan hiếm đặc sản như hải sản, động vật...
Đối với dịch vụ lữ hành nơi đến
Trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ lữ hành nơi đến là nơi cung cấp kết cấu hạ tầng và dịch vụ.
Dịch vụ lữ hành nơi đến có các chức năng: (i) thường kết nối điểm du lịch và các hoạt động du lịch để khai thác lợi ích kinh tế từ hoạt động du lịch; (ii) góp phần giới thiệu sản phẩm được nuôi trồng, sản xuất tại địa phương thay vì sản phẩm nhập khẩu tới khách du lịch; (iii) kết nối hoạt động đầu tư và vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch địa phương thành lập hoặc mở rộng kinh doanh; (iv) hỗ trợ lao động địa phương chuyển nghề sang lĩnh vực du lịch (Macedonia).
Một vài hãng dịch vụ lữ hành nơi đến cũng đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường như tại các địa điểm St. Lucia Marine Park and Cousin Island. Dịch vụ lữ hành nơi đến sẽ giám sát hoạt động marketing, thiết kế sản phẩm, vận hành đảm bảo tuân thủ các yêu cầu môi trường.
Trước tiên là các chương trình giáo dục môi trường tại Rottnest Island, and Calvia, cách thức bảo vệ hệ sinh thái, giám sát nghĩa vụ tuân thủ tiêu chuẩn môi trường của các công ty du lịch, tham gia chương trình bảo tồn di tích, nghiên cứu và xây dựng chỉ số bảo vệ môi trường…
Kết luận
Chuỗi du lịch xanh là yêu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện tại, đòi hỏi sự thay đổi trong chiến lược hoạt động của công ty du lịch từ việc đào tạo nhân công, lựa chọn đối tác, thiết kế sản phẩm trong chuỗi. Chính phủ các quốc gia, trong đó có Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc, trước áp lực thay đổi từ phía người tiêu dùng.
Điều quan trọng là chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức về du lịch xanh, tạo áp lực xây dựng chuỗi cung ứng du lịch xanh. Chính phủ cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo chuỗi cung ứng du lịch xanh được vận hành; khuyến khích các hãng du lịch cũng thiết kế chương trình du lịch xanh, du lịch trách nhiệm. Các công ty lữ hành, các công ty du lịch có trách nhiệm tuân thủ và tham gia chuỗi cung ứng du lịch xanh…/.
Bình luận