Trước thắc mắc của doanh nghiệp về việc phải kê khai mã ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép quyền được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm), TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải đáp vấn đề này tại hội thảo “Quản trị rủi ro tín dụng trong thương mại và đầu tư” diễn ra ngày 11/01.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (thứ hai, từ phải sang)

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, trong thời gian sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cũng như là Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, ngày 15/04/2010 và bây giờ là Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, ngày 14/09/2015 về đăng ký doanh nghiệp, cũng đã có nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề này.

TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết, trên thực tế, việc doanh nghiệp khai mã ngành, nghề theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (VSIC) (dựa trên hệ thống phân ngành quốc tế (ISIC)) không có nhiều vướng mắc, vì khi doanh nghiệp chọn 1 ngành nghề cấp 4, thì đã có mã ngành, nghề tương ứng trên Hệ thống VSIC.

“Bên cạnh đó, khi triển khai Nghị định số 78, để tránh sự gây khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như tránh tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ghi mã ngành, nghề, chúng tôi đã quy định rất rõ là các phòng đăng ký kinh doanh phải có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp trong việc ghi ngành nghề kinh doanh, cũng như mã số này. Điều đó đạt được tới những cái chuẩn theo kinh nghiệm quốc tế”, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.

Tuy nhiên, trong thời gian áp dụng, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng nhận thấy rằng, còn một số phản hồi của doanh nghiệp liên quan đến mã ngành, nghề kinh doanh này. Vì vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh có những chỉ đạo sát hơn với các phòng đăng ký kinh doanh để giúp doanh khai, ghi mã ngành nghề một cách nhanh chóng và chính xác./.