Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị Sơ kết tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 06 tháng đầu năm 2015, Bộ đã cổ phần hóa được 9/12 DNNN, trong đó tiến hành cổ phần hóa sớm hơn so với kế hoạch 2 tổng công ty gồm: Lâm nghiệp và Lương thực miền Nam.

Đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam không phải chỉ có cổ phần hóa công ty mẹ mà còn cổ phần hóa cùng với 06 công ty con và 05 công ty hạch toán phụ thuộc, như vậy, về đầu mối cổ phần hóa là 11 đơn vị. Và, Tổng Công ty Lương thực Việt Nam có tồn tại lớn về tài chính, song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiên quyết chỉ đạo cổ phần hóa theo lộ trình.

Trong công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo Quyết định số 916/QĐ-BNN-QLDN ngày 02/6/2014, Bộ đã giao cho 13 tập đoàn, tổng công ty thoái vốn 3.274 tỷ đồng. Đến 30/6/2015, các doanh nghiệp đã thực hiện thoái vốn theo sổ sách được 1.718 tỷ đồng, mới đạt 52% so với Quyết định số 916 và 34% so với kế hoạch thoái vốn các đơn vị đã đăng ký, giá trị thu về 1.825 tỷ đồng. Số vốn còn tiếp tục thoái là 3.308 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, đưa ra nguyên nhân làm chậm quá trình thoái vốn, ông Trần Thoại, Thành viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, tập đoàn có trên 3.700 tỷ đồng cần thoái vốn, trong đó số vốn công ty mẹ cần thoái là 2.000 tỷ. Tính đến ngày 30/6, đã có 1.195 tỷ đồng được thoái vốn.

Như vậy, theo lộ trình từ nay đến hết năm 2015, số vốn tại Tập đoàn cao su Việt Nam tiếp tục cần phải thoái là gần 2.800 tỷ. Trong đó, có nhiều công ty khó thoái vốn do giá quá thấp, như: Công ty Cổ phần Thủy lợi 4; một số đơn vị đang đầu tư dở dang, như: Công ty CP điện Việt Lào, ENV quốc tế…

Ông cũng cho biết, trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, một số doanh nghiệp thành viên đầu tư 100% vốn nhà nước sang Campuchia. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn xác định giá trị dự án đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Tài chính, mọi hồ sơ thoái vốn đều phải qua Ủy ban Chứng khoán, yêu cầu phải có báo cáo tài chính mới được chấp nhận. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lê Thế Chỉ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho biết, theo lộ trình Chính phủ và Bộ Nông nghiệp quy định, quý III, IV/2015 Tổng Công ty Cà phê Việt Nam sẽ thoái vốn tại 6 công ty cổ phần. Mặc dù vốn nhà nước tại các công ty này nhỏ, khoảng 40 tỷ đồng, nhưng khó thoái vốn vì không có nhà đầu tư.

Để giải quyết vấn đề này, ông Đỗ Văn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng đẩy nhanh quá trình thoái vốn cần phải gắn với thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng để tham gia quản trị doanh nghiệp, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó có giải pháp đồng bộ thực hiện thoái vốn tại những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sắp phá sản đảm bảo an toàn vốn đã đầu tư.

Trong tháng 6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP cho phép về nguyên tắc bán thoái vốn theo lô và bán cho người lao động. Theo đó, sẽ bán đấu giá công khai theo lô, áp dụng cho các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không nắm giữ cổ phần chi phối.

Ngoài ra, phần còn lại (tối đa bằng 70% số lượng cổ phần dự kiến bán) sẽ được dành để bán thỏa thuận cho người lao động có cam kết lâu dài tại doanh nghiệp, ông Nam cho biết đây là điểm rất mới, giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc thoái vốn, bảo đảm tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

Ông cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi thông tư hướng dẫn việc xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng tham gia quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và tiến tới thoái vốn hoàn toàn đối với các lĩnh vực ngoài ngành.

Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Bộ sẽ tích cực, thường xuyên xem xét kỹ lưỡng vấn đề thoái vốn của doanh nghiệp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn. Bộ trưởng nhấn mạnh, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong 06 tháng cuối năm của ngành, vì vậy, các đơn vị trong ngành cần nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định 118 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường quốc doanh. Trong quá trình triển khai phải thực hiện quyết liệt và bảo toàn vốn của Nhà nước./.