Đây là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững và yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”, ngày 28/06/2017.

Nhiều thách thức “đe dọa” sự phát triển của doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh cho biết, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới trong phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp thành lập mới thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đứng bên bở vực phá sản. Nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh ở quy mô nhỏ, chất lượng thấp, hiệu quả chưa cao, công tác quản lý còn yếu kém, sức cạnh tranh thấp.

PGS, TS. Lê Quốc Lý phát biểu tại hội thảo

Đồng tình với ý kiến trên, PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, cho dù cơ hội do bối cảnh thế giới mang lại ngày càng rộng, song xuất phát từ năng lực nội sinh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp có thể thấy nhiều thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa, thách thức đầu tiên đó là, trong khi sự phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng chặt chẽ, thì tính đến nay hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa làm chủ được khâu nào trong chuỗi giá trị toàn cầu. các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam, kể cả sản phẩm nông nghiệp vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô và làm thuê cho các thương hiệu nước ngoài. Nếu có tham gia được cũng chủ yếu là gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.

“Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam chưa có chỗ đứng bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay”, PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa cho biết.

Thách thức thứ hai được PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa đưa ra, đó là: năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt chưa đủ mạnh để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp quốc tế, kể cả thị trường nội địa chứ chưa tính tới thị trường quốc tế.

Thêm vào đó, lĩnh vực phát triển nhiều nhất trong thời gian gần đây là bất động sản, nên năng lực công nghệ chưa được đầu tư chiều sâu để có thể phát triển bền vững. Hơn nữa bất động sản là lĩnh vực có nguy cơ bong bóng rất cao, kém ổn định nên ảnh hưởng rất mạnh đến khả năng thanh khoản của doanh nghiệp mỗi khi chu kỳ kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Còn theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì những thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang đe dọa đến sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, công nghệ càng hiện đại vòng đời sản phẩm càng ngắn lại. Chính vì vậy, đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn luôn sáng tạo, liên tục đổi mới.

PGS, TS. Lê Xuân Đình cho biết, kinh tế muốn phát triển bền vững phải có điểm tựa là đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu và phát triển mạnh mẽ.

"Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp sinh ra hàng năm nhiều, nhưng số doanh nghiệp ra đi phải gần 1 nửa. Còn chưa nói đến là trong bối cảnh đăng ký doanh nghiệp rất dễ như hiện nay, thì còn rất nhiều doanh nghiệp phá sản để thoát thuế và “lột xác” thành một doanh nghiệp khác, như trường hợp của công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy", vị chuyên gia này lo ngại.

Bên cạnh đó, PGS, TS. Lê Xuân Đình còn cho biết, 80% doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, còn hoạt động rất ít trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong khi đây là các lĩnh vực chủ yếu tạo ra của cải vật chất thực của nền kinh tế.

“Việt Nam xuất khẩu tre sang Trung Quốc để nhập tăm từ Trung Quốc về bán và có lãi hơn so với sản xuất ở Việt Nam. Đây là một sự thực đáng buồn!”, PGS, TS. Lê Xuân Đình chia sẻ.

Làm gì để phát triển bền vững?

Trước các thách thức nêu trên, các đại biểu tại hội thảo cho rằng để phát triển bền vững, thì cần phải phải tháo các “nút thắt” đang “kìm chân” các doanh nghiệp Việt.

Theo PGS, TS. Lê Xuân Đình, chưa có giai đoạn nào đất nước của chúng ta có nhiều vấn đề để bàn như ngày nay.

“Luật Cạnh tranh đã ban hành 10 năm nhưng chưa đi vào cuộc sống, khiến các doanh nghiệp chưa cạnh tranh lành mạnh và tạo ra nền kinh tế thân hữu. Kết quả điều tra PCI cho thấy, trên 70% doanh nghiệp trả lời rằng đã từng chi phí không chính thức; 30% còn lại, tôi cho rằng, họ có chi, nhưng tế nhị không nói ra. Bởi họ chi để được vào luồng thân hữu đó”, PGS, TS. Lê Xuân Đình nhấn mạnh.

PGS, TS. Lê Xuân Đình cho biết, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính khó có thể tồn tại được; hay tuân thủ luật pháp thì không tồn tại được.

“Điều này đã khiến người Việt Nam mất niềm tin vào hàng hóa của Việt Nam, từ hạt vừng cho đến ô tô”, PGS, TS. Lê Xuân Đình nhấn mạnh.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề trên, PGS, TS. Lê Xuân Đình cho biết cần phải chọn vấn đề có “tính chất nút bấm”, chứ không phải “thấy đâu là sửa đấy”. Luật pháp muốn vào được cuộc sống thì phải thông qua nhiều nấc và “nút thắt” ở đây chính quyền địa phương và các cán bộ thực thi, do đó vấn đề này cần phải được nhanh chóng giải quyết.

Ở góc nhìn khác, PGS, TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, để nền kinh tế phát triển bền vững thì cần phải hướng doanh nghiệp đi đúng hướng. Cụ thể, đổi mới quản trị doanh nghiệp; đầu tư sử dụng khoa học công nghệ; tăng cường ý chí vươn lên và không thỏa mãn” của doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa cho biết, đã đến lúc doanh nghiệp phải có tư duy nghiêm túc về chính vận mệnh của mình thông qua hoạch định các chiến lược kinh doanh và không nên chạy theo các lĩnh vực kinh doanh bong bóng, không có giá trị thực.

Bên cạnh nỗ lực duy trì năng lực để chiếm lĩnh thị trường trong nước, tư duy doanh nghiệp nên sớm hướng vào các sản phẩm mới nổi, các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế xanh, các công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu.

“Doanh nghiệp cũng cần phải đoàn kết, bảo vệ nhau, tránh mỗi người, mỗi phách để cùng nhau phát triển”, PGS, TS. Ngô Tuấn Nghĩa chia sẻ./.