Năm 2017, Hòa Bình có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra

Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, trong bối cảnh vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa khắc phục hậu quả bởi thiên tai mưa lũ, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn phát triển khá, có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, văn hóa - xã hội có bước phát triển; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được bảo đảm. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

Năm 2017, Hòa Bình có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra

GRDP đạt 9,46%. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,06%, chiếm tỷ trọng 20,03%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,5% (trong đó, công nghiệp tăng 18,84%), chiếm tỷ trọng48,59%; dịch vụ tăng 7,53%, chiếm tỷ trọng dịch vụ 31,38%.

Về giá cả và lạm phát. Năm 2017, Tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nên tốc độ tăng giá tiêu dùng được kiềm chế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 ước tăng 0,12% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm ước tăng dưới 4%.

Về thu, chi ngân sách nhà nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2017 đạt 3.020 tỷ đồng, bằng 112% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 100% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; trong đó: Thu cân đối ngân sách ước đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 102% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh; thu quản lý qua ngân sách nhà nước ước đạt 20 tỷ đồng, bằng 20% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân; thu xuất nhập khẩu ước thực hiện đạt 100 tỷ đồng, bằng 125% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 125% so với Nghị quyết Hội đồng nhân dân Tỉnh.

Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 đạt kết quả khá, đến ngày 15/10/2017 đã giải ngân được 1.326.114 triệu đồng, đạt 63% kế hoạch. Trong đó: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh đã giải ngân 720.879 triệu đồng, đạt 72% kế hoạch, riêng vốn được giao theo tiêu chí đạt 82%; vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu đã giải ngân 293.471 triệu đồng, đạt 79% kế hoạch; vốn nước ngoài đã giải ngân 225.409 triệu đồng, đạt 51% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia đã giải ngân được 86.355 triệu đồng, đạt 30% kế hoạch.

Hoạt động xuất – nhập khẩu tiếp tục tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 505 triệu USD, tăng 36,19% so với cùng kỳ năm trước, vượt 8,6% kế hoạch năm (trong đó: xuất khẩu hàng hoá ước đạt 469 triệu USD, tăng 39,25% so với cùng kỳ năm trước, vượt 9,32% kế hoạch năm; xuất khẩu dịch vụ ước đạt 36 triệu USD, tăng 5,88% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm).. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cả năm ước đạt 413,846 triệu USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt 5,57% kế hoạch năm (trong đó: nguyên liệu phục vụ sản xuất ước đạt 370,807 triệu USD, tăng 25,61% so với cùng kỳ năm trước, vượt 5,94% kế hoạch năm; máy móc thiết bị, hàng hóa khác ước đạt 43,039 triệu USD, tăng 65,53% so với cùng kỳ năm trước, vượt 2,47% kế hoạch năm).

Năm 2018, thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện

Năm 2017, Hòa Bình phấn đấu tăng trưởng kinh tế là 9,5%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 13%; dịch vụ tăng 8,3%;

- Cơ cấu kinh tế: khu vực nông nghiệp chiếm 19,86%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 49,04%; khu vực dịch vụ chiếm 31,1%;

GRDP bình quân đầu người 45 triệu đồng (tương đương 1.980 USD); Tổng đầu tư toàn xã hội 13.260 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 3.325 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 610 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 490 triệu USD; Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 450 doanh nghiệp; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng dưới 5%; Tỷ lệ đô thị hoá đạt 20,97%...

Để đạt được các mục tiêu trên, năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ chính sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Theo đó, Tỉnh triển khai các chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng trưởng tín dụng theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Thúc đẩy mở rộng tín dụng, đa dạng các hình thức huy động vốn, phấn đấu huy động vốn tăng từ 15% trở lên, dư nợ tín dụng tăng từ 17% trở lên so với năm 2017.

Thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật tài chính trong thu, chi ngân sách Nhà nước, đảm bảo mục tiêu sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Quán triệt chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán; dự toán thu xây dựng theo tinh thần tích cực, dự toán chi ngân sách xây dựng theo tinh thần triệt để tiết kiệm.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng, hiệu quả nâng cao năng suất. Triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách của Chính phủ và Bộ, ngành trung ương, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch số 92-KH/TU, ngày 30/05/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế - phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu lại nền kinh tế, gồm: (i) Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; (ii) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công; (iii) cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Cụ thể là:

- Hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, học tập, đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kịp thời triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thị trường của Nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, lấy chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá.

- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 17/12/2012 của Tỉnh ủy; Đề án phát triển kế cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2016 - 2030 định hướng đến năm 2030 đã được Tỉnh ủy thông qua và UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3324/QĐ-UBND ngày 29/12/2016.

- Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 23/01/2014 của Tỉnh ủy, trong đó tập trung: Nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2025 trên cơ sở rà soát, đánh giá thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011-2020...;

Bốn là, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh. Theo đó, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện nâng cao chỉ số PCI. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Năm là, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp. Thúc đẩy phát triển nhanh các ngành dịch vụ.../.