Tóm tắt

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) với quốc phòng, an ninh (QP, AN) và đối ngoại là chủ trương lớn, mang tầm chiến lược của Đảng ta nhằm thiết lập mối quan hệ hữu cơ giữa các nội dung, các lực lượng, tạo tiền đề cho nhau phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài viết trên cơ sở khái quát một số kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó tập trung phân tích những nguyên nhân của những thành tựu, hạn chế trong kết hợp phát triển KT – XH với QP, AN và đối ngoại thời kỳ đổi mới. Từ đó, đề xuất một số vấn đề mang tính định hướng nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương trên.

Từ khóa: kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Đổi mới

GIỚI THIỆU

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Quan điểm trên khẳng định việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết; là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Vì vậy, việc nhận diện những thành tựu cũng như hạn chế và nguyên nhân; từ đó đề xuất một số vấn đề mang tính định hướng nhằm thực hiện hiệu quả việc kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại thời kỳ Đổi mới có ý nghĩa rất quan trọng với nước ta trong bối cảnh hiện nay.

KHÁI QUÁT MỘT SỐ THÀNH TỰU, HẠN CHẾ KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Phát triển KT - XH, củng cố tiềm lực QP, AN và mở rộng quan hệ đối ngoại là những phạm trù khác nhau, nếu xét ở mục tiêu tổng quát, chúng đều nhằm thực hiện mục tiêu chung của giai cấp thống trị, của nhà nước. Đối với Việt Nam, kết hợp phát triển KT – XH với QP, AN và đối ngoại là một tất yếu, một hoạt động của Nhà nước và xã hội ở Việt Nam, dựa trên cơ sở nhận thức được quy luật khách quan.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt của chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Theo đó, kết hợp KT – XH với QP, AN và đối ngoại không chỉ được triển khai trên cấp độ quốc gia, liên ngành và trong từng ngành, đơn vị, mà đã có kết hợp trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách cũng như trong triển khai thực tế ngay trong các chương trình, dự án. Kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN theo vùng lãnh thổ, địa bàn chiến lược ngày càng có sự gắn kết. Kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại trong các ngành, các lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhiều hoạt động kinh tế trong các ngành, lĩnh vực đã có sự liên kết, chuyển hóa, hướng tới tính lưỡng dụng phục vụ QP, AN và ngược lại. Quân đội, Công an đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Đối ngoại đã phát huy tốt vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, củng cố lòng tin, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, góp phần mở rộng thế trận đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại còn có những hạn chế, bất cập. Nhận thức của một chủ thể về kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại có chuyển biến nhưng chưa đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc kết hợp.

Một số quy định của pháp luật về kết hợp KT - XH với QP, AN, QP, AN với KT - XH chưa cụ thể và mang tính hệ thống. Nội dung QP, AN trong một số chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình dự án phát triển KT - XH còn bị xem nhẹ, chưa tính tới các yêu cầu của QP, AN. Việc kết hợp KT - XH với QP, AN ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021), tính đồng bộ chưa cao, cơ chế chưa phù hợp, phương thức kết hợp chậm được đổi mới. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương của một số cơ quan quân sự trong việc kết hợp còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao.

Kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN trong xây dựng cơ cấu ngành ở một số địa phương chưa đồng bộ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ; một số cơ quan thực hiện thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực, không phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án đầu tư đối với QP, AN. Việc bảo đảm nguồn lực để Quân đội tham gia xây dựng và phát triển KT - XH kết hợp với bảo đảm QP, AN còn nhiều vướng mắc.

NGUYÊN NHÂN CỦA THÀNH TỰU, HẠN CHẾ TRONG KẾT HỢP PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỐI NGOẠI TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Những kết quả đạt được trong kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại thời kỳ đổi mới đã tạo nên những điều kiện cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước xây dựng, phát triển, đồng thời có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục nỗ lực phát triển KT - XH, củng cố QP, AN, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Qua gần 40 năm đổi mới, có thể rút ra một số nguyên nhân trong thực hiện kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại đó là:

Nguyên nhân thành tựu

Thứ nhất, Đảng đã ban hành và lãnh đạo thực hiện nhiều nghị quyết, chủ trương, quyết sách đúng đắn về phát triển KT - XH gắn với củng cố QP, AN và đối ngoại. Có thể nói, đây là nguyên nhân căn bản, quan trọng tạo nên những thành tựu to lớn trong kết hợp phát triển KT - XH gắn với củng cố QP, AN và đối ngoại. Thực tiễn gần 40 năm Đổi mới cho thấy, qua các kỳ Đại hội Đảng ta đều nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của kết hợp phát triển KT - XH với củng cố QP, AN và đối ngoại.

Cương lĩnh (bổ sung , phát triển năm 2011) Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò và làm rõ hơn mối quan hệ của các yếu tố kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, để phát triển bền vững, bảo đảm sự ổn định, tăng cường khả năng độc lập tự chủ của đất nước, nhất thiết phải tăng cường tiềm lực kinh tế, bảo đảm an ninh kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu cao hơn, không chỉ “kết hợp chặt chẽ” mà còn phải “kết hợp hiệu quả” trong phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại.

Trên cơ sở nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành các chiến lược như: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược an ninh quốc gia; Chiến lược tác chiến trên không gian mạng… cùng với các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đó là cơ sở quan trọng để các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để thực hiện nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ. Từ đó, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển KT - XH, thực hiện nhiệm vụ QP, AN trên phạm vi cả nước, nhất là trên các địa bàn chiến lược

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới", nhằm xây dựng lực lượng quân đội và lực lượng công an nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, bình chủng tiến thẳng lên hiện đại; tổ chức bộ máy được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (năm 2013); về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng (năm 2023); kết luận về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng (năm 2023), cùng các văn bản khác về đối ngoại…. Có thể nói, những nghị quyết, chủ trương, quyết sách trên đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy đúng đắn của Đảng, tạo ra những tiền đề vững chắc trong thực hiện kết hợp phát triển KT - XH gắn với củng cố QP, AN và đối ngoại.

Thứ hai, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả. Đây là nguyên nhân quan trọng, tạo cơ sở, căn cứ cho các tổ chức, các lực lượng thực hiện một cách thống nhất và hiệu quả. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hoá quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới. Quốc hội cũng đã ban hành hàng loạt các luật, như: Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2000; Luật Đầu tư năm 2009, sửa đổi năm 2014, sửa đổi năm; Luật Xây dựng năm 2009; Luật An ninh quốc gia năm 2004; Luật Quốc phòng năm 2005, sửa đổi năm 2018; Luật Biên giới quốc gia năm 2005; Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Dự bị động viên năm 2019; Luật Dân quân tự vệ năm 2019; Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh năm 2013; Luật Công an năm 2018… Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định có liên quan, như: Nghị định số 152/2007/NĐ-CP, ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Khu vực phòng thủ; Nghị định số 168/2018/NĐ-CP, ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành, Trung ương, địa phương; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 về Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Nghị định số 02/2018/NĐ-CP, ngày 31/12/2018 của Chính phủ về Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới Nghiêm; Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ… Những văn bản quy phạm pháp luật trên đã tạo hành lang pháp lý để các chủ thể thực hiện, góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả kết hợp phát triển KT – XH với QP, AN và đối ngoại trong thực tiễn.

Thứ ba, quá trình tổ chức thực hiện, Đảng, Nhà nước đã luôn bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhìn lại gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, nhờ luôn bám sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ mà sự kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP, AN trên 6 vùng chiến lược của đất nước.

Thực hiện tốt chủ trương xây dựng và phát huy hiệu quả các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tập trung ở phía Tây và Tây Nam của Tổ quốc; phát huy tốt vai trò nòng cốt của 30 khu kinh tế quốc phòng trong tham gia phát triển kinh tế ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Trong quá trình đó, từng bước bố trí lại dân cư, hình thành các cụm, làng, xã thôn, bản tạo thế trận phòng thủ nơi biên giới, biển đảo vững chắc. Đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể thế bố trí quốc phòng, xây dựng các khu vực phòng thủ, các căn cứ chiến đấu, các căn cứ hậu cần, kỹ thuật, các căn cứ hậu phương ở các khu vực phòng thủ huyện, tỉnh, phòng thủ trên các đảo, xây dựng đường tuần tra biên giới và đường Trường Sơn Đông.

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, công nghiệp quốc phòng, an ninh đã được chú trọng pháp triển và đạt được những kết quả quan trọng. Đã nghiên cứu, thiết kế chế tạo được nhiều loại vũ khí, trang bị tương đối hiện đại, góp phần bảo đảm tự chủ, từng bước đá ứng yếu cầu hiện đại hoá quân đội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Các sản phẩm công nghiệp quốc phòng ngày càng đa dạng, lưỡng dụng, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp an ninh đã được đầu tư nghiên cứu, sản xuất được nhiều công cụ, thiết bị phương tiện kỹ thuật phục vụ cho nghiệp vụ. Một số doanh nghiệp quân đội đã đổi mới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiện cả ở trong nước và quốc tế.

Công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế đã tiến hành tích cực, chủ động, linh hoạt, đi vào chiều sâu, thực chất hiện quả, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần giữ vững ổn định, hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước. Kết hợp chặt chẽ giữa QP, AN và đối ngoại đã phát triển mạnh mẽ, thông qua hợp tác quốc tế góp phần ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây đột biến từ bên trong đất nước.

Đồng thời, góp phần giữ gìn hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại đã thực sự trở thành trận tuyến đầu tiên tích cực, chủ động tiến công “từ sớm, từ xa” phá thế bao vây, cô lập của kẻ thù, ngăn chặn xung đột vũ trang, quy tụ sức mạnh thời đại, làm cho vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ, toàn diện. Hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, tạo sân chơi mở rộng, quan hệ hợp tác được. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, tạo điều kiện cho chúng ta phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc từ xa. Việt Nam đã ký nhiều hiệp định khung về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh.... Những kết quả đó là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định tính đúng đắn luôn bám sát với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ cách mạng.

Thứ tư, thường xuyên, chủ động nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tổng kết thực tiễn là một khâu không thể thiếu và có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển lý luận của Đảng. Mọi khái quát lý luận đều được rút ra từ tổng kết thực tiễn. Thông qua tổng kết thực tiễn để nắm chắc thực tiễn, thấy rõ hơn những thành tựu, hạn chế, những đòi hỏi từ thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận chỉ đạo thực tiễn kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam nói chung, gần 40 năm Đổi mới nói riêng, thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại nói riêng cho thấy: Đảng, Nhà nước đã thường xuyên tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn nhằm từ thực tiễn đúc kết, rút ra những kết luận lý luận để chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Trong quá trình tổng kết, Đảng ta luôn đánh giá đúng tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế, thành tựu và hạn chế trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ rõ những nhân tố khách quan, chủ quan tác động đến quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; từ đó nghiên cứu, nắm vững tình hình, đối tác, đối tượng; dự báo âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch, kịp thời tham mưu đề xuất chủ trương, đối sách từ sớm, từ xa, xử lý thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia - dân tộc.

Quá trình tổng kết cũng là quá trình Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đường lối, chiến lược kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; những chủ trương, chính sách đối nội, đối ngoại phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng để chỉ đạo thực tiễn trong từng thời kỳ của cách mạng, góp phần hoàn thiện, phát triển tư duy lý luận, đường lối, nghệ thuật quân sự, an ninh và đường lối đối ngoại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Nguyên nhân hạn chế

Một là, nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chưa đầy đủ sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Một số cán bộ ở các cấp, các ngành, địa phương nhận thức về kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại còn có những hạn chế, có lúc chưa thống nhất cao, chưa thấy hết được những phát triển mới của tình hình và yêu cầu mới khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến, học tập các nghị quyết còn bất cập, chưa thường xuyên, liên tục.

Hai là, việc quán triệt, cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại và sự kết hợp hoạt các hoạt động trên của một số cấp uỷ, chính quyền các cấp còn bất cập, chưa đầy đủ, sâu sắc, có nội dung còn chậm, thiếu cơ chế chính sách đặc thù, chưa đồng bộ. Việc bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật, chính sách thực hiện kết hợp phát triển KT - XH với củng cố QP, AN, kết hợp giữa QP, AN, đối ngoại còn chậm, chưa cụ thể, tác dụng chỉ đạo hoạt động thực tiễn có mặt hạn chế. Việc cụ thể hoá sự kết hợp giữa QP, AN, đối ngoại thành các quy hoạch, kế hoạch, quy chế, cơ chế hoạt động có lúc chưa tốt.

Ba là, hiệu lực chỉ đạo, quản lý, điều hành của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị chưa cao, có lúc, có nơi chưa tập trung, kiên quyết, triệt để, chưa có nhiều giải pháp đột phá. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa được chú trọng. Việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết, dân tộc, dân chủ XHCN có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và quản lý đất nước trong tình hình mới. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị còn một số hạn chế.

Bốn là, sự phối kết hợp giữa các tổ chức, lực lượng trong phát triển KT – XH với QP, AN và đối ngoại có lúc chưa chặt chẽ. Việc phối, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong bảo vệ từ xa, ngăn chặn từ trước, từ nơi xuất phát âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch vẫn còn có mặt hạn chế, chưa theo kịp với chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới, nhất là ý đồ, hành động của một số nước lớn. Việc kiểm tra, giám sát của cấp uỷ, chính quyền trong thực hiện nghị quyết có lúc, có nơi chưa tốt, chậm phát hiện xử lý những yếu kém, khuyết điểm. Sự hối hợp hoạt động của các lực lượng đối ngoại quân sự, quốc phòng, an ninh với các lực lượng đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc còn có chỗ chưa đồng bộ và thống nhất.

Năm là, công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo tình hình có nội dung còn bất cập, dẫn đến việc hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp thực hiện kết hợp phát triển KT - XH với quốc phòng, an ninh và đối ngoại có lúc, có nơi chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ MANG TÍNH ĐỊNH HƯỚNG

Trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước cơ hội, thuận lợi và thách thức đan xen. Vì vậy, kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại đặt ra những những nội dung mới; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư sẽ tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới phát triển KT – XH, QP, AN của từng quốc gia và cộng đồng quốc tế. Những thành tựu, tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ sẽ tạo ra nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao, làm xuất hiện các hình thái chiến tranh, phương thức tác chiến mới. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết chống phá cách mạng nước ta, với âm mưu, thủ đoạn mới hết sức nguy hiểm, tinh vi... Thực tế đó vừa là khó khăn, vừa đặt ra yêu cầu cao đối với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Từ những kết quả đạt được trong gần 40 năm Đổi mới, có thể nêu một số vấn đề mang tính định hướng nhằm thực hiện hiệu quả kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại ở nước ta thời kỳ Đổi mới.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển KT - XH với bảo đảm QP, AN.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong thực hiện kết hợp phát triển KT - XH với bảo đảm QP, AN. Cần bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với mọi hoạt động phát triển KT - XH, QP, AN và đối ngoại. Trong khi quán triệt nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam; phải có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, đủ khả năng xử lý các tình huống cụ thể, phức tạp, đột biến trong quá trình phát triển đất nước thời bình và thời chiến.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển KT - XH với QP, AN và đối ngoại trong tình hình mới.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch hóa, bảo đảm mỗi bước phát triển KT - XH là một bước tăng cường QP, AN; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện trên cơ sở đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thứ năm, nghiên cứu, dự báo tốt tình hình và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để kết hợp phát triển KT - XH với bảo đảm QP, AN và đối ngoại./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Quốc phòng (2021), Tổng kết Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1945 – 2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2010), Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991 – 2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 – 2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Đảng uỷ Quân sự Trung ương (2010), Tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 của Bộ Quốc phòng, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

Thượng tá, TS. Trịnh Xuân Việt

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Ngày nhận bài: 28/11/2023; Ngày phản biện: 15/12/2023; Ngày duyệt đăng: 16/1/2024