Tăng trưởng đạt 0,68%

9 tháng đầu năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino đã tác động đến ngành nông nghiệp. Cụ thể, đầu năm xảy ra rét buốt bất thường, nắng hạn xuất hiện sớm và gay gắt; xâm nhập mặn, mưa bão... gây nhiều bất lợi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, giá vật tư phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản không ổn định, có xu hướng tăng nên nhìn chung kết quả sản xuất nông nghiệp đạt thấp.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2016 theo giá so sánh 2010 đạt 594,0 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 433,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,09%; lâm nghiệp đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,27%; thuỷ sản đạt 139,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,77%.

Hoạt động của lĩnh vực trồng trọt trong tháng ở các tỉnh miền Bắc tập trung vào việc chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa ở một vài địa phương, tính đến trung tuần tháng 9, diện tích thu hoạch đạt 102 ngàn ha. Tính đến trung tuần tháng 9, cả nước đã gieo cấy đạt 1.509,4 ngàn ha lúa mùa, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn diện tích lúa mùa tập trung ở các tỉnh miền Bắc với 1.145,6 ngàn ha diện tích gieo cấy, bằng 98,3% cùng kỳ, trong đó Đồng bằng sông Hồng đã cơ bản kết thúc gieo cấy, diện tích gieo cấy đạt 548 ngàn ha, bằng 98% cùng kỳ.

Trong 9 tháng đầu năm, tiến độ trồng rừng giảm so với cùng kỳ năm trước. Diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 148,6 nghìn ha, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi phát triển tương đối ổn định do dịch bệnh không xảy ra và giá bán duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi. Số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ đang giảm và quy mô nuôi tập trung số lượng lớn như trang trại, gia trại đang phát triển. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số bò cả nước tháng 9 tăng khoảng 2-2,5% so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số lợn tăng 3,5-4%; Tổng số gia cầm của cả nước tăng khoảng 5-5,5%.

Sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn và thách thức do rét đậm, rét hại những tháng đầu năm, ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của bão và sự cố môi trường xảy ra ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Mặc dù khó khăn nhưng kết quả sản xuất thủy sản vẫn duy trì được tăng nhẹ. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm ước tính đạt 4.949,6 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ước sản lượng nuôi trồng đạt 2.621 ngàn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động nuôi tôm hiện nay có những tín hiệu tích cực hơn về thị trường tiêu thụ, thêm vào đó do thời gian nuôi ngắn, năng suất đạt khá, giá bán ổn định nên nhiều hộ chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước ước đạt 80 nghìn ha, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước tính đạt 200 nghìn tấn, tăng 4,2%.

9 tháng ngành nông nghiệp tăng trưởng dương trở lại

Tiếp tục xuất siêu

Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 9/2016 ước đạt 2,5 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 23,3 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong tháng 9, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,5% thị phần. Tiếp theo là GhanaIndonesia với thị phần lần lượt là 11% và 9,4%. Bên cạnh các thị trường gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam như Ghana, Indonesia, Angola, các thị trường Philippines, Malaysia, Singapore, Bờ Biển Ngà, Trung Quốc lại giảm mạnh.

Trong các sản phẩm cây công nghiệp, cà phê vẫn là mặt hàng có sự tăng trưởng về giá trị mạnh nhất (22%) so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu cà phê trong tháng 9 ước đạt 113.000 tấn với giá trị đạt 221 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 9 tháng đạt 1,39 triệu tấn và 2,48 tỷ USD.

Tiếp đến là điều và tiêu. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 9 tháng ước đạt 255.000 tấn với 2,01 tỷ USD, tăng 4,5% về khối lượng và tăng 13,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nhờ tăng mạnh về khối lượng xuất khẩu, nên mặc dù giá tiêu xuất khẩu từ đầu năm đến nay giảm đáng kể (13,6%), kim ngạch xuất khẩu tiêu vẫn tăng trưởng tốt. Dự kiến, khối lượng xuất khẩu tiêu 9 tháng đạt 146.000 tấn với 1,19 tỷ USD.

Đặc biệt, sau thời gian giảm khá dài, đến nay mặt hàng chè và cao su đã có tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính khối lượng xuất khẩu chè đạt 94.000 tấn với 152 triệu USD, tăng 6,4% về khối lượng và tăng 0,2% về giá trị. Cao su xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 1%.

Sau 9 tháng, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,1 tỷ USD tương đương với cùng kỳ năm 2015. Như vậy, tính chung 9 tháng, xuất khẩu nông, lâm và thủy sản cả nước xuất siêu 5,6 tỷ USD./.