Hàng không - “đôi cánh” của du lịch Việt Nam
“Nút thắt cổ chai”
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2017, cả nước đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt 20 tỷ USD. Lần đầu tiên, Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu so sánh với Thái Lan, Malaysia, Singapore, thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, nhưng phát triển chưa xứng với tiềm năng, bởi đang vướng không ít các "nút cổ chai". Một trong những vấn đề cần giải quyết, đó chính là ngành hàng không.
Hàng không - “đôi cánh” của du lịch Việt Nam (ảnh: minh họa)
Hạ tầng ngành hàng không Việt Nam đang quá tải. Cả nước hiện có khoảng hơn 20 sân bay lớn, nhỏ đang hoạt động, nhiều sân bay luôn trong tình trạng vượt 100% công suất. Trong khi đó, các tuyến bay thẳng quốc tế và nội địa đến những địa danh du lịch nổi tiếng chưa nhiều. Giá vé máy bay vẫn còn cao, dẫn đến giá tour trọn gói cao. Điều này đang hạn chế sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Nhìn sang Thái Lan sẽ thấy, quốc gia này đã vượt qua Malaysia trở thành cường quốc du lịch số một Đông Nam Á. Để có thành công này, ngành hàng không Thái Lan thời gian qua đã phát triển rất mạnh. Thái Lan hiện có hơn 30 sân bay hoạt động thường xuyên với trên 10 sân bay quốc tế, cùng 15 hãng hàng không nội địa. Trong đó có rất nhiều hãng hàng không giá rẻ. Đường bay và tần suất bay được đa dạng hóa, giá vé rất cạnh tranh. Không những thế, nhiều địa phương để kéo khách du lịch, còn tài trợ giá vé cho các hãng bay, để giúp có những tour trọn gói giá rẻ…
Với việc đa dạng hóa đường bay, tần suất bay và giảm chi phí, hàng không Thái Lan được đánh giá một trong những nhân tố quan trọng giúp ngành du lịch nước này tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Năm 2017, Thái Lan đón 34 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hơn 50 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt 74 tỷ USD.
Với hàng không, Chính phủ Thái Lan đan có tham vọng vượt Singapore để trở thành trung tâm lớn nhất tại Đông Nam Á. Hàng chục tỷ USD đang được đầu tư nâng cấp mở rộng những sân bay hiện có, mở thêm sân bay mới… Cùng với đó là đẩy mạnh mở cửa bầu trời, tạo điều kiện cho các hãng hàng không hoạt động thuận lợi, dễ dàng nhất. Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là du lịch sau khoảng thời gian biến động chính trị.
Gỡ bỏ chướng ngại
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, hàng không và du lịch là hai ngành kinh tế gắn bó mật thiết với nhau. Khoảng 70-80% hành khách đi máy bay có mục đích du lịch và cũng tỷ lệ chừng ấy khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không. Bởi vậy, hàng không chính là “đôi cánh” cho du lịch bay lên, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Tuy nhiên, theo TS. Lương Hoài Nam, một chuyên gia về ngành hàng không, thì mức độ cạnh tranh hàng không nội địa và quốc tế ở Việt Nam đang rất thấp so với khu vực. Để du lịch Việt Nam phát triển thuận lợi, cần nhất quán chủ trương mở cửa bầu trời, tự do hóa vận tải hàng không nội địa và quốc tế, từ khâu cấp giấy phép thành lập hãng hàng không cho đến khâu cấp thương quyền khai thác, để có thêm một số hãng hàng không ra đời và tham gia bay nội địa, quốc tế.
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngày 16/01/2017 đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Để tạo lực đẩy thực hiện mục tiêu này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 23/ 02/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Giao thông Vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020 sẽ khai thác hệ thống 23 sân bay, trong đó sẽ tiến hành nâng cấp, mở rộng 21 sân bay hiện hữu, triển khai đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Vân Đồn, Phan Thiết, Sa Pa... Đến năm 2030 sẽ khai thác 28 sân bay gồm 15 sân quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Tăng tần suấtcác chuyến bay, khuyến khích phát triển hoạt động hàng không gắn với phát triển du lịch.
Quyết định này đã mở ra cơ hội bay thương mại cho các nhà đầu tư mới, như: Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thuộc tập đoàn FLC, hay Vietstar Airlines, SkyViet... và cũng mang đến cơ hội bay cho mọi người.
Theo ông Đặng Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nếu được cấp phép, chúng tôi sẽ khai thác 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế nối Việt Nam với một số nước châu Á, như: Hàn Quốc, Nhật Bản… đến năm 2023.
Với chiến lược tập trung vào những thị trường chưa phát triển, có nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ, mục tiêu của Bamboo Airways là mang tới cơ hội tiếp cận các dịch vụ hàng không giá cả hợp lý, chất lượng cao. Người dân sẽ có cơ hội bay thẳng đến những địa danh mình mong muốn, thay vì phải chuyển tiếp nhiều chặng, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Khách hàng ở bất cứ phân khúc nào, bất cứ vị trí địa lý nào, cũng sẽ tìm được gói dịch vụ chất lượng, phù hợp của Bamboo Airways. Như vậy, mọi người sẽ có thêm sự lựa chọn mới, được hưởng lợi từ dịch vụ bay với giá cả cạnh tranh hơn.
Không những thế, Bamboo Airways, là thành viên thuộc Tập đoàn FLC, một trong những nhà phát triển bất động sản nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Khách hàng của Bamboo Airways sẽ được hưởng chính sách chi phí linh hoạt và tiện ích đa dạng. Cụ thể là những gói ưu đãi đặc biệt khi nghỉ dưỡng tại quần thể FLC ở Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình,Thanh Hóa, …Ngược lại, lượng khách đông đảo tại các quần thể FLC, cũng sẽ có những quyền lợi lớn về chi phí, khi chọn di chuyển bằng Bamboo Airways. Những gói ưu đãi này có thế giúp khách hàng tiết kiệm đến 50% chi phí.
Một trong những mục tiêu lớn của Bamboo Airways là tối ưu những trải nghiệm của du khách. Với hai vấn đề chính đã được giải quyết trọn gói là vé máy bay và khách sạn, du khách có thể tận hưởng những kỳ nghỉ chất lượng cao với chi phí tối ưu mà không phải lo lắng về kế hoạch, lịch trình, ông Đặng Tất Thắng nhấn mạnh./.
Bình luận